Tình hình dịch Covid-19 ở các láng giềng Đông Nam Á hiện ra sao?

01/06/2021 16:14 GMT+7

Số ca Covid-19 tăng mạnh do các biến thể virus mới tại Đông Nam Á, khu vực vốn ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, khiến nhiều nước phải công bố các lệnh hạn chế mới, đóng cửa các cơ sở sản xuất và nỗ lực tăng tốc các chương trình tiêm chủng vắc xin khắp khu vực.

Ông Alexander Matheou, giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Hiệp hội Chữ Thập đỏ và Trăng Lưỡi liềm đỏ Quốc tế, nói tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 ở các quốc gia Đông Nam Á là rất đáng báo động.
Ông Matheou nhận định: “Việc các biến thể ngày càng nguy hiểm và gây chết chóc nhiều hơn làm tăng thêm nhu cầu cấp thiết về việc chia sẻ và sản xuất vắc xin trên toàn cầu nhanh hơn để ngăn chặn sự bùng phát này và tránh số ca tử vong hàng loạt lớn”.

Một phụ nữ ở quận Klong Toey được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 tại Bangkok (Thái Lan)

Reuters

Số ca Covid-19 mới mỗi ngày ở Malaysia đã vượt qua mức bình quân đầu người ở Ấn Độ. Tổng số ca nhiễm bệnh ở Thái Lan, Campuchia, Lào và Đông Timor tăng gấp đôi trong vòng 1 tháng qua.
Thái Lan, quốc gia thứ 2 ghi nhận ca Covid-19 sau Trung Quốc, đã ngăn chặn làn sóng dịch đầu tiên khá thành công. Tuy nhiên trong 2 tháng qua, số người thiệt mạng vì Covid-19 ở Thái Lan đã tăng gấp 10 lần.
Công ty kinh doanh nông sản lớn nhất Thái Lan, Charoen Pokphand Foods Pcl đã phải đóng cửa một nhà máy trong 5 ngày vì có công nhân dương tính với Covid-19. Hàng ngàn trường hợp nhiễm Covid-19 khác được phát hiện tại các nhà máy, công trường xây dựng và nhà tù.
Trong khi đó, Malaysia đã “phong tỏa toàn quốc" từ ngày 25.5 để ngăn chặn làn sóng Covid-19. Malaysia nỗ lực tăng tốc chương trình tiêm chủng vắc xin. Tuy vậy mới có chưa đầy 6% người dân nước này được tiêm vắc xin.
Khả năng mua được vắc xin ngừa Covid-19 của các quốc gia Đông Nam Á thấp hơn nhiều quốc gia phương Tây, theo Reuters.

Người dân Malaysia chờ đến lượt được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 ở Kuala Lumpur (Malaysia)

Reuters

“Khi chỉ một phần nhỏ dân số được vắc xin bảo vệ thì phần đông dân số vẫn dễ bị nhiễm bệnh", Teo Yik Ying, hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhận định.
Singapore hiện là quốc gia Đông Nam Á duy nhất có tỉ lệ tiêm chủng vắc xin tương đương với các nước phương Tây, với hơn 36% dân số đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin. Tuy nhiên, việc xuất hiện các ca nhiễm biến thể mới vẫn buộc Singapore phải áp dụng lệnh đóng cửa trong tháng 5.2021.
Thủ tướng Lý Hiển Long dự kiến sẽ vạch ra chiến lược mở cửa đất nước, nơi nền kinh tế phụ thuộc vào vai trò một trung tâm giao thông và kinh doanh của khu vực. “Giải pháp là: xét nghiệm, truy vết liên hệ, tiêm vắc xin, tất cả nhanh hơn, nhiều hơn", ông Lý nhấn mạnh.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

Reuters

Nhà chức trách y tế cũng theo sát tình hình các ca nhiễm mới ở Indonesia và Philippines, 2 quốc gia đông dân nhất ASEAN.
Philippines vừa ghi nhận số ca nhiễm mới trong 1 ngày cao kỷ lục trong 4 tuần qua vào hôm 28.5. Trong khi đó, số ca Covid-19 trung bình trong 7 ngày ở Indonesia đạt mức cao nhất trong hơn 2 tháng vào hôm 30.5.
Số ca Covid-19 cũng tăng ở Myanmar, tại khu vực gần biên giới với Ấn Độ - làm tăng thêm lo ngại về nguy cơ hệ thống y tế sụp đổ từ sau chính biến ngày 1.2.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.