Nhà thơ nghiệp dư và nỗi đau Hàn Mặc Tử - Kỳ cuối: Về với “Tịnh bần viên”

06/02/2009 23:24 GMT+7

Sau 18 năm lăn lộn nhiều nơi, năm 1992, Đơn Phương quyết định quay về Trại phong Bến Sắn, nơi anh coi là quê hương thứ 3 của anh. Tại đây, dù cuộc sống mới bắt đầu nhưng ký ức ngày xưa lại cứ ùa về. Nghe đọc bài

Anh cất nhà bên một con suối nhỏ, làm thơ và hồi tưởng, gọi chỗ ở của mình là Tịnh bần viên. Dù đó chỉ là trại phong nhỏ bé, nhưng Bến Sắn đã có trên 10 năm gắn bó, cũng là nơi chất chứa biết bao kỷ niệm vui buồn trong cuộc đời và sự nghiệp thơ của ông. Ông còn nhớ mãi khi giới thiệu thơ mình, nhà văn Sơn Nam đã viết: “Thi sĩ Đơn Phương từ Bến Sắn gởi về”.

Ai cũng bảo ông khùng nhưng ông thì cho mình rất thông minh. Từ một căn chòi dột nát, nhờ vá víu tạm bợ đã trở thành một căn nhà với vóc dáng đơn sơ, nghèo nàn nhưng đầy không khí trong lành, không một tiếng người khuấy động, chỉ có tiếng côn trùng reo hát lúc nửa đêm. Phương gọi đây là Tịnh bần viên, có nghĩa nghèo nàn mọi mặt nhưng thanh tịnh bốn bề.

Để đánh dấu ngày về đây, Đơn Phương viết: Ẩn cõi tục phàm thơ cạn khô/Chừ đây thanh tịnh quá chừng mô/Ở đây gió thổi ra toàn nhạc/Náo nức hoa hương tận đáy mồ... Sáng vui hớp gió bên khe ngọc/Chiều mượn liềm trăng gọt bớt sầu.

Lúc quyết định lên Bến Sắn, Đơn Phương đã thấy trước mọi khó khăn về vật chất, nhưng vì ông chẳng cần gì ngoài ngày 2 bữa cơm rau đạm bạc nhưng lòng luôn thư thả với cảnh điền viên, hơn là sống giữa thành phố phải bươn chải đầu đường cuối chợ vất vả suốt ngày để được bữa ăn ngon. Nhờ không mấy bận tâm về cuộc sống, cộng với thiên nhiên yên tĩnh, trong lành, việc sáng tác mở đầu rất thuận lợi, thậm chí có ngày ông viết đến hàng trăm câu thơ lục bát cho một trường thơ. Có lẽ đây là khoảng thời gian hạnh phúc nhất và sáng tác nhiều nhất trong đời của Đơn Phương.

 

Đơn Phương (giữa) cùng những người bạn - Ảnh: L.A.Đ

Ông đánh giá, vợ ông là một phụ nữ hiền lành, chưa một lần gây phiền hà trong việc viết lách của ông. Dù không góp được ý kiến gì trong việc sáng tác, nhưng bà ấy đã đóng góp rất nhiều công sức trong việc hoàn thành tập trường ca dài trên 3.500 câu và trong những tác phẩm trước đó cũng như những tác phẩm sau này. Nhiều lúc nhìn bà lui cui trong bếp núc, Đơn Phương ghẹo: Sớm chiều bếp núc lui cui/Chồng kêu, vợ dạ mới vui gia đình. Hoặc: Mỗi khi mắt khói chui vào/Em ơi, giữ kẻo thơ trào tràn mi.

Đến giờ thì Đơn Phương không nhớ mình đã làm ra bao nhiêu bài thơ cả thảy vì có một số đã mất, thất lạc từ lâu. Tuy vậy, hiện trong tủ thơ của mình, Đơn Phương còn lưu giữ hàng mấy mươi tập thơ do ông sáng tác, đặc biệt là những tập thơ dài như Giao châu trường hận, Lời ca hoang, Khói cuộn rừng hương, Ngọc đàn tranh, Hận trường ca... Những tập trường thi ngắn nhất là 2.000 câu, dài cũng đến 4.000 câu. Về kịch thơ thì ông có Vườn xuân Thánh, Hồn rụng non tiên, Lệ Trăng... và đặc biệt là Quần Tiên Hội. Còn “thơ rời” thì phải đến hàng chục tập.

Tuy nhiên, ngoại trừ Quần Tiên Hội, những tập thơ, kịch thơ, trường thi đó, thật đáng tiếc chưa xuất bản được dòng nào. Do vậy, khi trò chuyện với chúng tôi vào những ngày cuối năm Mậu Tý 2008, Đơn Phương nói ước nguyện cuối đời của ông là có được 1.000 USD, tức hơn 16 triệu đồng để xuất bản một tập thơ, trong đó ông sẽ chọn lọc khoảng 100 bài thơ tiêu biểu nhất trong kho thơ của mình giới thiệu đến những người yêu thơ và cũng để  làm quà khi về với thế giới bên kia. 

Phương nói, điều đáng buồn là trong lúc cần nhiều sức khỏe để thực hiện tác phẩm mới thì mắt ông lại trở chứng, bên phải đột nhiên mất hẳn thị lực, mắt trái độ sáng cũng kém trước đôi phần, ông có cảm giác như mình sắp mù lòa đến nơi, mặc dù được giúp đỡ chữa trị ở nhiều nơi nhưng vẫn không kết quả. Người ta cho biết các tế bào quanh nhãn cầu đã bị thương tổn vô phương chữa trị. Thêm một lần thất vọng trong đời của Đơn Phương, nhưng sau thời gian ngắn chấn chỉnh nội tâm, ông vẫn tiếp tục làm việc với phương châm: trời cho bao nhiêu thì dùng bấy nhiêu, đến lúc cạn kiệt ánh sáng mới đành buông bút!

***

Đơn Phương cho rằng quãng đời của mình tỷ như những mảnh vụn thời gian chứa đầy độc tố buồn thương, được lắp ghép lại cho ra một hình thể. Dẫu vậy ông vẫn thường nhủ với lòng rằng “sống trong đau khổ tức ngồi giữa vườn thơ”: “Tôi bó lại miếng hương đời mềm nhũn/Bằng đôi tay tàn lụn... nạo thành thơ”. Đơn Phương tự thuật: Mấy mươi năm, một cuộc hành trình dài đằng đẵng, nếu không có vật gì đó trám vào chỗ trống của khoảng thời gian kia thì thực là khủng khiếp biết bao. Cho nên thơ là mớ hành trang tối cần, thiêng liêng và thân thương nhất cho một khách độc hành mà cuộc đời rỗng trống như túp lều hoang như ông.

Bây giờ ông chỉ chờ đợi, đợi chờ ngày dừng chân để kết thúc một cuộc hành trình dai dẳng trên đường đời trong vai lữ khách trần gian.

 Kỳ 1: Vị đắng tuổi xuân
 Kỳ 2: Người tù không án
 Kỳ 3: Lều gió ven sông - viết tiếp Quần Tiên Hội 

Lê Anh Đủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.