Nhà thơ nghiệp dư và nỗi đau Hàn Mặc Tử - Kỳ 1: Vị đắng tuổi xuân

03/02/2009 23:22 GMT+7

Có một người cùng cảnh ngộ như nhà thơ Hàn Mạc Tử, ông tên là Trần Hồng Phương hay còn gọi là Đơn Phương. Ông đang sống những ngày cuối đời tại Trại phong Bến Sắn (Bình Dương) khi đôi chân đã mất, còn đôi bàn tay thì không lành lặn. Mời nghe đọc bài

Cuộc đời ông là một chuỗi những ngày cay đắng. Sinh ra trong chiến tranh, cha chết, mẹ tảo tần nuôi ba đứa con rồi bà cũng chết vì lao. Sống kiếp mồ côi từ nhỏ, ở nhờ cô nhi viện, ông biết làm thơ từ năm 13 tuổi. Nhưng thật nghiệt ngã, khi hồn thơ đang bay bổng thì ông mắc phải bệnh phong, căn bệnh nan y thời đó. Ông trải qua những ngày trốn chạy vào trong rừng, vào núi, rồi phải vào trại phong, sau đó lang thang hành khất...

Tuy vậy, với nghị lực phi thường và niềm tin mãnh liệt, ông đã đứng lên và bước đi trên chính đôi chân tàn tật của mình. Điều đó càng khiến nhiều người khâm phục. Trong suốt chặng đường đối diện với nỗi đau, Đơn Phương đã viết hàng trăm bài thơ thống thiết, y như cố thi sĩ cùng cảnh ngộ một thời vang bóng. Đặc biệt hơn, chính ông đã hoàn thiện kịch thơ Quần Tiên Hội của Hàn Mạc Tử, từ 41 câu dang dở thành 700 câu hoàn chỉnh, đến nỗi khó ai phân biệt câu thơ nào của Hàn Mặc Tử, câu thơ nào là của Đơn Phương.   

Bệnh nhân nan y

... Đó là năm 1958, thời thơ ấu đã qua, Phương không còn rong chơi phá phách để rồi phải nhận lãnh những trận đòn đau rát. Tưởng rằng cuộc đời sau những đau thương sẽ có ngày tươi đẹp. Nhưng không ngờ... Anh thường bị đau nhức trong xương, có lúc suốt đêm không sao ngủ được. Việc học hành ban đầu còn miễn cưỡng, dần dà đành chịu buông xuôi. Anh đã mắc phải bệnh nan y!

Phương cho biết, tình trạng đau nhức kéo dài không bao lâu thì tại bàn tay phải của anh, thịt giữa hai ngón trỏ và cái (thường hay gọi là trái chanh) lần hồi biến mất. Vì từ thuở nhỏ đến lớn chưa một lần thấy người phong nên Phương không rõ bệnh phong như thế nào và hình thù ra sao. Do vậy Phương cũng không biết mình đã mắc phải.

Mãi cho tới một hôm, khi cơn đau hoành hành dữ dội thì Phương được cô quản lý đưa đi bác sĩ. Sau một hồi đo khám, ông bác sĩ kéo cô quản lý ra ngoài, ông nói bằng tiếng Pháp rằng Phương đã mắc phải bệnh phong. Bệnh này cần phải cách ly với bạn bè ở chung hoặc phải đưa đi điều trị ở Nhà thương Chợ Quán. Cuộc trò chuyện giữa hai người dù cố tình kín đáo và nói bằng tiếng Pháp nhưng đã bị Phương nghe lén và hiểu hết!

Chạy trốn

Phương gào lên trong lòng, còn đau khổ nào hơn khi biết mình vướng phải căn bệnh khủng khiếp nhất trong tứ chứng nan y thời bấy giờ. Người Phương như sụp đổ, hôm đó anh không trở về viện mồ côi mà lang thang một mình trong khu rừng Thiên Nhiên. Dù rất đói nhưng anh cũng chẳng màng tìm đến khu Trai Đường để ăn. Phương nghĩ trong đầu: “Có lẽ lúc này cả viện mồ côi và những người quen đều biết anh mang bệnh phong cùi và chắc họ cũng lánh xa anh, chi bằng tự mình rời bỏ trước thì hơn”. Luôn mấy tuần liền anh chịu cảnh đói rét trong rừng, chỉ ăn trái rừng hoặc hái trộm đào lộn hột lót dạ cho đỡ lòng.

Trong chuỗi ngày cực kỳ tuyệt vọng và cô đơn đó, Phương luôn nhớ đến cô bạn học tên Liên chung viện mồ côi. Có một vài đêm vì không chịu nổi sự nhớ nhung dày vò, anh lẻn về đứng ngoài tường rào chờ Liên ra trộm nhìn cho đỡ nhớ. Sau nhiều lần tuyệt vọng, cuối cùng anh nhất quyết cố quên, vì cả cuộc đời còn bị phế bỏ huống hồ chỉ là thứ tình cảm đơn phương! Ý nghĩ trong anh lúc ấy không gì ngoài cái chết. Nhưng anh không đủ can đảm tự tử. Nằm khoanh người trong màn đêm đen mịt, anh dù có muốn làm thơ cũng không có đèn, không có viết mà ghi. “Có nguồn cảm xúc mà không có sức lực và phương tiện thì cũng là hư vô”, Phương nói.

Có một điều anh không ngờ khi anh đang lẩn trốn thì bạn bè trong viện mồ côi tìm anh ở khắp nơi. Có mấy lần anh thấy các bạn ấy vào rừng kêu tên anh dáo dác. Nhìn sự lo lắng đó của các bạn, Phương càng thấy lòng xốn xang vô hạn... Nhưng vì mặc cảm chứng bệnh quái ác dễ gây cho người ta hãi sợ, nhất là câu dặn dò phải “cách ly” của bác sĩ luôn ám ảnh, thúc giục anh phải càng chạy xa lẩn trốn. Theo Phương, bất cứ ai trong hoàn cảnh ấy cũng hành động như vậy thôi...

Đang nằm đau đớn, tuyệt vọng bên bìa rừng thì bất chợt có người đi tới. Đó lại là chú ba Mai, một người bà con xa của Phương. Nhìn qua dáng điệu thảm hại của cháu, chú khuyên nên trở về cô nhi viện rồi hãy tính sau. Tuy nhiên Phương lại tha thiết yêu cầu chú giúp anh phương tiện đi Sài Gòn để anh vào Chợ Quán. Thấy vậy, chú Mai thuyết phục đưa anh về nhà bà nội ở Qui Thiện cách đó gần 20 km tạm vài hôm rồi sẽ liệu cách đưa đi Sài Gòn.

Trong giấy tờ Đơn Phương sinh năm 1945, nhưng theo những người thân trong gia đình thì ông sinh năm 1940, năm Hàn Mạc Tử qua đời. Đơn Phương chào đời tại xã An Nhơn Tây, quận Hóc Môn, Gia Định, nay là Củ Chi, TP.HCM. Sinh thời, ông được cha mẹ đặt cho cái tên nằm nôi là Cu Re. Tuổi thơ Cu Re là những ngày chạy giặc trên đôi thúng của người mẹ tên Hương. Mẹ Cu Re vốn là con gái cưng của một điền chủ giàu có ở Rạch Giá, nhưng bị quyến rũ bởi tiếng sáo của một gã đàn ông lãng tử. Sau đám rước dâu bằng những chiếc ghe lườn, Hương về nhà chồng ở xã An Nhơn Tây, lần lượt sinh hạ 3 người con, trong đó Cu Re là con trai thứ hai, kế Cu Re là một cô em gái.

Lê Anh Đủ (Còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.