Chuyện lạ ở Tuy Hòa

08/01/2009 00:50 GMT+7

Chuyện Công ty Thuận Thảo (Phú Yên) lén bứng cây xanh lâu năm trên đường phố về trồng ở resort "nhà mình" đúng là chuyện lạ. Nếu nói cây xanh trồng trên phố là "con chung", nhưng tôi thương quá nên nhận về nhà nuôi, thì bên ngoài có vẻ "hợp đạo lý", vì chúng sẽ được chăm sóc nuôi dưỡng kỹ hơn, sẽ xanh tươi béo tốt hơn (!).

Không xử lý hình sự sẽ gây tiền lệ xấuMượn danh ai để "tác oai tác quái"? / Bứng cây xanh đường phố đem vào resort!

Nhưng nếu ai cũng bỗng dưng muốn nhận "con nuôi" như thế, thì cây xanh trên đường phố liệu có còn không? Và thành phố trơ trụi không cây xanh bóng mát sẽ thành cái gì?

Đó là nói cho vui, chứ đã là tài sản công cộng, thì dù là một chiếc lá, một cành lá, chứ đừng nói nguyên cả cây xanh, cũng không cho phép bất kỳ ai, dù bần hàn hay tỉ phú, được tự do đụng vào! Bởi, không một xã hội văn minh có luật pháp kỷ cương nào chấp nhận kiểu "tự do" này. Nếu là ở các nước phát triển, thì những ai dám "bứng cây xanh đường phố đem vào resort" sẽ ngay lập tức bị cảnh sát bắt giữ. Tòa án sẽ phán xử sau, nhưng mức án chắc là không nhẹ. Không thể có chuyện "di dời" cây xanh bất hợp pháp như thế này mà lại "được sự đồng ý của lãnh đạo TP Tuy Hòa" như bà Tổng giám đốc Công ty Thuận Thảo đã khẳng định. Và nếu những ai coi hành động "của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng" này là hợp pháp, là chuyện thường ngày ở… Tuy Hòa chẳng hạn, thì họ đã lập một thứ kỷ lục "Guinness ngược" mất rồi!

Chuyện này, nói nhỏ thì không nhỏ, nói lớn thì không quá lớn, nhưng vì nó "không giống ai", nó… kỳ quá, nên ai cũng thấy lạ, ai cũng chú mục nhòm ngó vào. Tôi nghĩ, một doanh nghiệp, dù là tư nhân hay nhà nước, thì không chỉ kinh doanh trên những gì pháp luật không cấm, mà còn phải biết "sống theo pháp luật" nữa. Nghĩa là phải tuân thủ những quy định hiển nhiên mà bất cứ công dân lương thiện nào cũng không thể không tuân thủ. Ngoài việc pháp luật cấm "bứng cây xanh đường phố", thì chuyện đó cũng không được làm nếu quý vị còn sống trong cộng đồng. Bởi ngoài "luật" còn có "lệ". Ngoài những lệ làng cổ hủ, vẫn có những cái lệ như thế này: ngày xưa, cứ mỗi đôi trai gái trong làng tiến tới hôn nhân, ngày cưới họ đều tự nguyện đóng góp cho làng mấy trăm viên gạch, vài cây ăn quả để lát gạch con đường làng và trồng cây dọc bên đó cho trẻ con hái quả. Đó là cái lệ rất đẹp, vì nó huy động sự đóng góp tự nguyện vì cộng đồng, cũng là vì nhiều thế hệ, vì mỗi cá nhân trong cộng đồng ấy.

Chẳng lẽ ngày xưa người ta tự nguyện góp từng viên gạch lát đường làng, góp từng cây ăn quả trồng dọc đường làng cho làng mình "xanh sạch đẹp", còn bây giờ có người lại tranh thủ bứng cây xanh đường phố về trồng cho "đẹp riêng" nhà mình, bất chấp luật pháp hay sao?

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.