Cường quốc quân sự Israel vì sao bị Hamas gây choáng váng?

Cường quốc quân sự Israel vì sao bị Hamas gây choáng váng?

Linh Trương
Linh Trương
10/10/2023 08:42 GMT+7

Lực lượng Phòng vệ Israel được đánh giá một trong những đội quân có năng lực chiến đấu tốt nhất trên thế giới. Nhưng ngay cả cường quốc quân sự như vậy cũng chưa sẵn sàng cho thực tế chiến tranh hiện đại.

Trong nhiều năm qua, Lực lượng Phòng vệ Israel được xem là đã chiếm ưu thế tuyệt đối trước mọi nhóm vũ trang hay dân quân ở Dải Gazas. Tuy nhiên, niềm tin này đã bị lung lay chỉ sau vài giờ tấn công của lực lượng Hamas hôm 7.10.

Có thể rút ra vài bài học ban đầu từ sự hiệu quả của chiến dịch tấn công bất ngờ tàn phá của Hamas.

Sự thất bại của cơ quan tình báo

Cuộc tấn công giáng một đòn bất ngờ vào lực lượng an ninh của Israel, đặc biệt là các cơ quan tình báo. Bất chấp những nỗ lực phát triển mạng lưới tình báo của Israel trong hàng chục năm qua nhằm ngăn chặn nguy cơ bị tấn công, hệ thống này đã thất bại.

Cuộc tấn công của Hamas được tổ chức có kế hoạch, quy mô lớn và có phối hợp: Các nhóm người cơ động bằng ô tô và xe máy vượt qua rào chắn biên giới kiên cố giữa Israel và Gaza, tiến vào các khu định cư của Israel gần đó. Dù lượn gắn máy và thuyền cũng được sử dụng. Cùng lúc đó, các tên lửa chiến thuật đồng loạt bắn phá nhiều thành phố với mật độ cao. Điều đó có nghĩa là một lượng lớn bệ phóng và kho dự trữ tên lửa đã được bố trí từ trước.

Nói cách khác, việc chuẩn bị cho cuộc tấn công này đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên, tình báo Israel không phát hiện được gì, hoặc có phát hiện nhưng không có hành đồng ngăn chặn nào.

Do đó, bài học rút ra là dù có mạng lưới tình báo hùng mạnh và đã hoạt động hiệu quả trong nhiều năm, vẫn có thể không nhận thức được mối đe dọa.

Gây quá tải phòng không

Israel có hệ thống phòng không mạnh mẽ, bao gồm hệ thống tên lửa đất đối không Vòm sắt (Iron Dome), có hiệu quả đánh chặn tên lửa lên đến khoảng 80–90%.

Tuy nhiên, có thể thấy, mục đích tấn công của Hamas đã tương đối hoàn chỉnh. Cơn mưa rốc két trút xuống các thành phố và cơ sở hạ tầng quan trọng, chẳng hạn như Nhà máy điện Rutenberg, nơi nắm giữ 20% điện năng của đất nước.

Vậy, lý do cho Israel là: số lượng mục tiêu quá lớn. Trên thực tế, bất kỳ hệ thống phòng không hiện đại nào cũng có thể bị áp đảo bằng cách phát động một cuộc tấn công tập trung với số lượng lớn với những mối đe dọa trên không xuất hiện dày đặc trong một khoảng thời gian ngắn.

Chiến thuật "tấn công gây bão hòa" đã được Hamas áp dụng. Tổ chức này tuyên bố đã bắn 5.000 tên lửa vào Israel, trong khi ước tính của Lực lượng Phòng vệ Israel là 2.200 tên lửa.

Kể cả khi 90% tên lửa bị đánh chặn, khoảng 220 tên lửa còn lại cũng đã xuyên qua "lá chắn".

Hơn nữa, trước đòn tấn công khổng lồ như vậy, điều quan trọng không chỉ là tỷ lệ đánh chặn hiệu quả mà còn ở số lượng đạn phòng không có sẵn. Sau khi đã phóng hết đạn thì Vòm Sắt cũng vô dụng, cho đến khi được nạp lại.

Xe tăng Merkava thua máy bay không người lái

Merkava Mk 4, một trong những xe tăng chủ lực được xem là có khả năng bảo vệ tốt nhất thế giới, đã bị một máy bay không người lái (UAV) tiêu diệt. Chiếc UAV này thả chất nổ rơi trúng khoang động cơ phía trước xe, và vụ nổ khiến xe bốc cháy.

Đáng chú ý, xe tăng Merkava Mk 4 tiêu chuẩn được trang hệ thống bảo vệ chủ động Trophy, có thể ngăn chặn đạn hay tên lửa chống tăng đang bay tới. Tuy nhiên, hệ thống này trở nên vô dùng khi mối đe dọa ở ngay trên đầu.

Sau những gì đã xảy ra trong suốt nhiều tháng ở Ukraine, đây lại là một bằng chứng nữa cho thấy một chiếc xe tăng hiện đại cũng cần được bảo vệ khỏi những mối đe dọa kiểu như vậy.

Bên cạnh đó, việc một tổ chức bán quân sự sử dụng UAV giá rẻ làm vũ khí là điều dễ hiểu.

Một lần nữa, cuộc tấn công của Hamas chứng minh UAV trên thực tế đã mang đến một cuộc cách mạng chiến trường. Điều này vốn đã được thể hiện rõ trong cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng vẫn bị xem nhẹ ngay cả tại một cường quốc quân sự như Israel.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.