Yêu cầu khẩn trương hoàn thành nhập kho gạo dự trữ quốc gia

21/08/2023 17:23 GMT+7

Tổng cục Dự trữ nhà nước (Bộ Tài chính) yêu cầu các cục dự trữ nhà nước (DTNN) khu vực và các đơn vị có liên quan chủ động thực hiện các giải pháp, khẩn trương hoàn thành nhập gạo theo hợp đồng đã ký.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính hôm nay 21.8, để đảm bảo có đủ nguồn lương thực dự trữ quốc gia (DTQG), Tổng cục DTNN đã tập trung cao độ hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch lương thực DTQG năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Yêu cầu khẩn trương hoàn thành nhập kho gạo dự trữ quốc gia - Ảnh 1.

Tổng cục DTNN yêu cầu các cục DTNN khu vực và các đơn vị có liên quan chủ động thực hiện các giải pháp, khẩn trương hoàn thành nhập gạo theo hợp đồng đã ký

CÔNG HÂN

Bên cạnh đó, bám sát và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trúng thầu, khẩn trương hoàn thành nhập kho dự trữ số lượng gạo theo hợp đồng đã ký kết; thực hiện công tác bảo quản, bảo vệ an toàn số lượng, chất lượng hàng DTQG; tạo mọi điều kiện cho các nhà thầu trong thực hiện hợp đồng gạo; điều hành linh hoạt việc nhập, xuất lương thực DTQG thuộc kế hoạch năm 2023 đúng thời điểm, phù hợp với tình hình thực tế, nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực DTQG.

Trước bối cảnh thị trường có biến động mạnh về lượng cung - cầu và giá lương thực tại thời điểm đang tổ chức mua gạo nhập kho DTQG, ngày 18.8, Tổng cục DTNN đã có Văn bản số 1259/TCDT-KH yêu cầu các cục DTNN khu vực khẩn trương triển khai hoàn thành kế hoạch lương thực được giao năm 2023.

Cụ thể, Tổng cục DTNN yêu cầu các cục DTNN khu vực và các đơn vị có liên quan chủ động thực hiện các giải pháp, khẩn trương hoàn thành nhập gạo theo hợp đồng đã ký; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai nhiệm vụ theo đúng thẩm quyền.

Cần khẩn trương hoàn thành nhập kho gạo quốc gia

Theo dõi sát diễn biến thị trường lương thực và dự báo, đánh giá những tác động làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các hợp đồng mua gạo DTQG đã ký để chủ động có giải pháp xử lý phù hợp, đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra. Kịp thời báo cáo và đề xuất giải pháp với Tổng cục DTNN trong các trường hợp phát sinh vượt quá thẩm quyền xử lý của đơn vị.

Tổng cục DTNN cũng yêu cầu các đơn vị chuyên môn chủ động rà soát, cân đối nguồn lực DTQG để kịp thời tham mưu cho tổng cục trình cấp có thẩm quyền bổ sung kế hoạch mua tăng nếu thấy cần thiết; đảm bảo mức tồn kho DTQG, đáp ứng chủ động sẵn sàng, ứng phó nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả trong mọi tình huống đột xuất, cấp bách; không để người dân thiếu lương thực, thiếu gạo khi giáp hạt, thiên tai, dịch bệnh...

Trước đó, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15.8, đề cập tới câu chuyện nguồn cung lúa gạo và an ninh lương thực, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, vừa qua một số nước cấm xuất khẩu gạo đem lại cho Việt Nam cơ hội, song đề nghị "cần hết sức bình tĩnh". Theo ông, mọi vấn đề đều có mặt trái, nếu không quản lý tốt mà chỉ nói một phía sẽ không toàn diện bức tranh thực tế.

Bộ trưởng Hoan dẫn công điện của Thủ tướng về vấn đề này, nhấn mạnh ưu tiên hiện tại là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu lương thực như một cam kết có trách nhiệm với thế giới về vấn đề an ninh lương thực. Bên cạnh đó, cũng không gây sốc cho thị trường nội địa, hay làm ảnh hưởng tới giá tiêu dùng trong nước. Bởi giá tiêu dùng trong nước tăng sẽ ảnh hưởng tới một số nhóm đối tượng người dân, nhất là người thu nhập thấp.

"Ở thời điểm này, nếu không có thiên tai, biến đổi khí hậu không bất thường như vài năm qua, thì đảm bảo tiêu dùng trong nước và 7 - 8 triệu tấn gạo để xuất khẩu. Năm ngoái xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo, năm nay vẫn còn dư địa cho xuất khẩu", ông Hoan nói.

Bún, phở tăng theo giá gạo: Nhiều chủ quán 'nhấp nhổm' vì phải cầm cự giữ giá

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.