Y tế cơ sở cần tạo niềm tin

Trí Minh
(tổng hợp)
15/03/2023 05:57 GMT+7

Người dân vẫn đang vượt tuyến y tế cơ sở để đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện ở những thành phố lớn. Hiện trạng này tồn tại đã lâu, kéo theo nhiều hệ lụy.

Ghi nhận của PV Thanh Niên cho thấy, dù có khá nhiều bệnh viện (BV) tuyến tỉnh đạt tiêu chuẩn nhưng nhiều người vẫn vào các BV lớn ở TP.HCM hoặc Đà Nẵng, Huế để khám chữa bệnh (KCB).

Trả lời Thanh Niên, bác sĩ (BS) Lê Văn Sỹ, Giám đốc BV đa khoa tỉnh Thanh Hóa, cho hay từ trước đến nay vẫn diễn ra tình trạng người dân ở Thanh Hóa đi khám bệnh ở tuyến T.Ư, dù bệnh không phải nặng, không vượt khả năng chuyên môn của y tế tỉnh nhà. Theo BS Sỹ, có 3 nguyên nhân chính, đó là: Một bộ phận người dân có con cái, người thân ở Hà Nội, TP.HCM nên đi khám để tiện việc chăm sóc. Thứ hai, một số người dân có điều kiện kinh tế, muốn sử dụng dịch vụ ở tuyến T.Ư để cảm thấy yên tâm hơn. Thứ ba, một bộ phận người dân có tâm lý chưa tin tưởng vào dịch vụ y tế của các BV trong tỉnh, dù có những dịch vụ rất cao, rất tốt.

Lăng kính bạn đọc: Y tế cơ sở cần tạo niềm tin - Ảnh 1.

Nhiều người từ Quảng Ngãi, Quảng Nam đến đăng ký khám bệnh ở BV đa khoa Đà Nẵng

Phạm Anh

Người dân chưa yên tâm với y tế cơ sở

Từ ghi nhận thực tế của Thanh Niên về thực trạng KCB vượt tuyến, nhiều bạn đọc (BĐ) gửi phản hồi chuyện người trong cuộc. "Ông anh họ của tôi bị đau bụng, đi khám BV đa khoa tuyến huyện thì họ nói đau dạ dày, chỉ cho thuốc uống rồi về nhà. Qua hôm sau, ông anh đau quá phải lên BV ở TP.HCM khám mới phát hiện đau ruột thừa và mổ gấp. Còn rất nhiều sự việc tương tự khiến người dân không yên tâm với các BV tuyến dưới", BĐ Hoàng Phong chia sẻ.

"Nhân viên lái xe của tôi bị nứt xương chân, thăm khám tại BV đa khoa tỉnh. Hình ảnh chẩn đoán trên phim X-quang có thể hiện vết nứt, nhưng BV không hề cho bó bột. Đến khi cả bàn chân sưng to nên về TP.HCM thăm khám. Cũng chính tờ phim của BV tỉnh chụp, BS ở TP.HCM xem khẳng định bị nứt xương", BĐ Hoàng kể và nhìn nhận: "Một số đơn vị y tế cơ sở hay mắc lỗi chuyên môn rất cơ bản. Chẳng hạn trường hợp nhẹ thì nói nặng, trong khi trường hợp đã rất nặng nhưng kê thuốc qua loa uống rồi cho về".

BĐ Vo Huu Lam nêu: "Các bệnh thông thường thì người dân KCB ở trạm y tế hoặc BV tuyến huyện. Còn các bệnh nguy hiểm, yêu cầu kỹ thuật cao thì họ thường lên tuyến tỉnh hoặc T.Ư", và chỉ ra lý do: "Người dân chưa yên tâm về cơ sở vật chất, thiết bị và chuyên môn ở tuyến y tế cơ sở".

BĐ ở địa chỉ email khuyentv…@gmail.com, cho rằng "hiện nay nhiều BV tuyến cơ sở xây dựng rất hoành tráng" nhưng người bệnh thường chọn BV tuyến trên để KCB vì: "Có nhiều nguyên nhân như BS chưa được đào tạo trình độ chuyên môn chuyên sâu, máy móc thiết bị vật tư y tế còn thiếu, đặc biệt tâm lý người bệnh từ trước giờ chưa tin tưởng tuyến cơ sở do tuyến này chưa tạo được niềm tin".

Cần giải pháp căn cơ từ tuyến địa phương

Việc người dân đổ về các thành phố lớn để KCB góp phần gây quá tải các BV tuyến trên, đồng thời làm lãng phí y tế cơ sở, chưa kể tốn kém, bất trắc trong việc đi lại. BĐ Trịnh Cường khẳng định: "Người bệnh không ai muốn đi xa tốn kém, mất thời gian, thậm chí đi đêm hôm gặp nguy hiểm, và thực tế đã có những trường hợp bị tai nạn", từ đó đặt vấn đề: "Người bệnh đi thăm khám, điều trị thấy không có kết quả thì buộc phải tìm kiếm nơi mà họ tin tưởng. Đồng ý máy móc, trang thiết bị hạn chế, nhưng con người, chuyên môn vẫn quyết định. Vậy làm thế nào, làm sao cho nhanh để khắc phục việc cho là lãng phí y tế cơ sở?".

Tôi sinh con ở BV tỉnh, mỗi chuyện vàng da mà BV không xử lý được. Đã gần 6 năm trôi qua, cả nhà vẫn đang khốn đốn chữa trị cho con.

Tin Tin

Chỉ những bệnh thông thường thôi, chứ nặng hơn thì người bệnh đi lên tuyến trên hết. Ở quê tôi, có BV mà bó bột cũng không xong, phải đi BV chấn thương chỉnh hình chữa lại.

Manh Ngo

Chẩn đoán bệnh sai vài lần, điều trị không hết bệnh, là người dân sẽ thông báo cho nhau tìm đến BV khác có uy tín, thương hiệu tốt hơn thôi.

thanhhieu0812

"Nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư mua sắm trang thiết bị, mới là điều kiện cần. Điều kiện đủ là phải tạo động lực cho cán bộ, công nhân viên chủ động rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật hằng ngày. Đây là vấn đề quan trọng và then chốt nhưng ở khu vực công, việc này tôi cho là yếu nhất, đặc biệt trong các lĩnh vực cần chất xám cao", BĐ Mr.Tran phân tích.

BĐ Van Văn nêu ý kiến: "Quan trọng nhất vẫn là cơ chế và việc phân tuyến chưa phù hợp. Thiết nghĩ, đã là dịch vụ y tế công bằng cho mọi người dân thì không phân biệt tuyến và hạng. Cứ có đủ máy móc, có đủ chuyên môn là được áp dụng như nhau".

"Nếu các BV tuyến tỉnh được Chính phủ, Bộ Y tế và các địa phương quan tâm ưu tiên đầu tư về nhân lực chuyên môn cao, trang thiết bị, máy móc hiện đại, kinh phí... thì người bệnh và thân nhân tiết kiệm nhiều thời gian, công sức, chi phí đi lại; BV tuyến T.Ư, tuyến cuối giảm áp lực quá tải bệnh nhân, góp phần giảm mật độ phương tiện giao thông ở các thành phố lớn và nhiều vấn đề liên quan khác", BĐ Tuấn Trần kiến giải và đề đạt: "Rất mong Chính phủ, bộ, ngành quyết tâm, quyết liệt đổi mới, nâng cao hơn nữa hoạt động KCB, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân với giải pháp căn cơ, ngay từ tuyến cơ sở".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.