Xung đột pháp lý giữa HAGL và VPF: 'Kiện tụng cũng chẳng hay ho gì'

05/02/2023 19:45 GMT+7

Chuyên gia Đoàn Minh Xương đánh giá cuộc chiến quyền lợi giữa HAGL và VPF phơi bày những hạn chế đã tồn tại bấy lâu của lịch sử bóng đá Việt Nam. Các CLB chuyên nghiệp cần ngồi lại với VFF, VPF để đưa bóng đá Việt Nam sang trang.

Chân sút Paollo của HAGL dứt điểm trong trận gặp Hồng Lĩnh Hà Tĩnh

Chân sút Paollo (áo trắng) của HAGL dứt điểm trong trận gặp đội Hà Tĩnh ở vòng 1 V-League 2023

KHẢ HÒA

V-League 2023 đang diễn ra vòng đầu tiên, trong đó CLB HAGL đã ra sân và hòa CLB Hà Tĩnh 0-0, nhưng quả bom hẹn giờ vẫn chưa tháo ngòi khi bầu Đức khẳng định sẽ kiện VPF vào ngày mai (6.2).

Chuyên gia Đoàn Minh Xương đánh giá: "Vấn đề ở đây không phải đúng sai. Lật lại lịch sử từ đầu những năm 2000, khi bóng đá Việt Nam bắt đầu bước theo cơ chế bóng đá chuyên nghiệp, thời điểm đó đa phần CLB Việt Nam chưa có nhà tài trợ, mà bóng đá Việt Nam nhận tài trợ tập trung qua những công ty tiếp thị. Ví dụ có năm nhận 2 triệu USD từ Strata chia cho các CLB.

Khi đó có quy định các CLB không được có nhà tài trợ riêng đụng hàng với nhà tài trợ chính. Quy định này phù hợp với giai đoạn phôi thai đầu tiên, nhưng sau này không còn phù hợp nữa với sự phát triển của bóng đá chuyên nghiệp".

Kiatisak bắt tay bầu Đức trước khi HAGL đá trận ra quân

Kiatisak bắt tay bầu Đức trước khi HAGL đá trận ra quân V-League 2023

KHẢ HÒA

Về việc HAGL định kiện VPF, ông Xương cho rằng: "Tôi cho rằng kiện tụng cũng không hay ho gì. Cách tốt nhất là các nhà quản trị bóng đá Việt Nam phải ngồi lại với các CLB chuyên nghiệp, bao gồm cả giải hạng nhất để thống nhất.

VPF được lập ra cũng vì CLB, phải có sự hợp tác trên tinh thần vì nhau, vì bóng đá Việt Nam để làm sao kiếm tiền cho CLB, cho giải đấu. Ví dụ: quy định tài trợ độc quyền thì số tiền phải bao nhiêu và bao lâu, để đảm bảo đóng góp cho bóng đá Việt Nam, tránh việc nhảy vào tài trợ độc quyền 1-2 năm rồi chạy mất.

Cần phải bảo đảm rõ ràng minh bạch vì CLB cần phải kiếm nguồn tài trợ ngoài nuôi mình. Thời gian qua rất nhiều CLB chuyên nghiệp biến mất như đội Quảng Ninh, đội Sài Gòn... Tính đến nay cũng có gần chục đội không còn xuất hiện trên bản đồ bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, cũng chỉ vì hết tiền. VFF, VPF và các CLB phải ngồi lại để cùng nhau làm cuộc cách mạng cho V-League, theo hướng thực sự phát triển bền vững. Quy định rõ thế nào được độc quyền, thế nào thì không độc quyền".

Châu Ngọc Quang trở về HAGL trong vai trò tuyển thủ Việt Nam

Tuyển thủ quốc gia Châu Ngọc Quang (trái) trở về HAGL, sau một mùa được đội Hải Phòng mượn

KHẢ HÒA

Ông Xương khẳng định, không chỉ các CLB, VPF mà chính Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phải vào cuộc và cho thấy khả năng, trách nhiệm của mình: "Nếu được nên tìm nhà tài trợ gắn bó lâu dài, tránh cảnh ăn đong từng bữa. Mà đã tài trợ độc quyền thì giá trị phải lớn, thời hạn dài để đảm bảo chia đều và chia nhiều cho các CLB. Nếu muốn bảo đảm tiếng nói các CLB thì phải mở rộng nhân sự của hội đồng quản trị VPF, chứ VFF nắm quá bán số ghế rồi cũng rất khó cho các CLB lên tiếng.

Thật ra, những quy định cũ không phù hợp này vẫn tồn tại một thời gian dài mà không ai để ý. Lỗi không phải VFF, VPF hay CLB như HAGL mà là của tất cả chúng ta. Chỉ có thống nhất, rạch ròi, quy củ lại với nhau thì bóng đá Việt Nam mới phát triển mạnh, thương hiệu V-League mới sang trọng, đẹp và giá trị được tăng lên".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.