Vụ án Trịnh Văn Quyết: 'Màn kịch' nâng khống vốn từ 1,5 tỉ lên tới 4.300 tỉ

27/02/2024 08:52 GMT+7

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm đã nâng khống vốn Công ty Faros từ vỏn vẹn 1,5 tỉ đồng lên đến 4.300 tỉ đồng, qua đó chiếm đoạt của nhà đầu tư hơn 3.600 tỉ đồng.

Theo kết luận bổ sung của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, cựu Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn FLC (gọi tắt là Tập đoàn FLC) Trịnh Văn Quyết bị đề nghị truy tố 2 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thao túng thị trường chứng khoán.

Trong đó, ông Quyết bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng của nhà đầu tư, thông qua phi vụ nâng khống vốn, đăng ký niêm yết rồi "xả bán" cổ phiếu ROS của Công ty CP xây dựng Faros (gọi tắt là Công ty Faros).

Vụ án Trịnh Văn Quyết: 'Màn kịch' nâng khống vốn từ 1,5 tỉ lên tới 4.300 tỉ- Ảnh 1.

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết

T.N

Kế hoạch "cóc hóa thiên nga"

Tháng 8.2012, ông Trịnh Văn Quyết, khi ấy là Chủ tịch Tập đoàn FLC chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng mua lại Công ty CP giải trí Green Belt với giá 1,5 tỉ đồng. Sau nhiều lần đổi tên, doanh nghiệp này đổi thành Công ty Faros.

Từ năm 2012 - tháng 4.2014, Công ty Faros gần như không hoạt động, vốn điều lệ vẫn là 1,5 tỉ đồng. Từ tháng 4.2014 đến năm 2016, hoạt động chủ yếu của công ty là làm tổng thầu thi công các dự án do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư, nguồn vốn sử dụng vào hoạt động sản xuất và kinh doanh chủ yếu từ tiền ứng trước của Tập đoàn FLC.

Với mục đích chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo cấp dưới và người thân, trong đó có em gái là Trịnh Thị Minh Huế, thực hiện các thủ đoạn nâng khống vốn điều lệ của Công ty Faros.

187 người là cấp dưới, người thân giúp sức ông Trịnh Văn Quyết lừa đảo

Các chiêu trò được sử dụng gồm: lãnh đạo Công ty Faros ký tờ trình để HĐQT công ty ra nghị quyết tăng vốn khống, ký hàng trăm hợp đồng ủy thác đầu tư khống nhằm che giấu số vốn góp ảo, ký khống các giấy nộp tiền, lập khống các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần qua lại (thực chất không phát sinh thanh toán tiền)…

Bằng chuỗi hành vi trên, từ năm 2014 - 9.2016, Công ty Faros trải qua 5 lần nâng vốn điều lệ, ban đầu chỉ vỏn vẹn 1,5 tỉ đồng rồi tăng "thần tốc" lên 4.300 tỉ đồng.

Trong số này, cơ quan điều tra xác định các cổ đông chỉ thực góp hơn 1.197 tỉ đồng, hơn 3.100 tỉ đồng còn lại là nâng khống.

Tiếp đó, Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết chỉ đạo lập hồ sơ, đề nghị cơ quan quản lý về chứng khoán chấp thuận đăng ký công ty đại chúng, lưu ký chứng khoán và niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS của Công ty Faros tại Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).

Vụ án Trịnh Văn Quyết: 'Màn kịch' nâng khống vốn từ 1,5 tỉ lên tới 4.300 tỉ- Ảnh 2.

Cơ quan điều tra xác định, Công ty Faros được nâng khống vốn hàng ngàn tỉ đồng

ROS

Công ty Faros đã "chui lọt lỗ kim" như thế nào?

Có thể thấy, nguồn vốn Công ty Faros phần lớn là nâng khống, nhưng bằng mối quan hệ của Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, doanh nghiệp này vẫn dễ dàng "chui lọt lỗ kim" nhờ sự tiếp tay của hàng loạt lãnh đạo, cán bộ thuộc Ủy ban Chứng khoán nhà nước, HoSE, cũng như đơn vị kiểm toán.

Sai phạm nhen nhóm xảy ra tại Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội, và Công ty TNHH kiểm toán ASC. Cơ quan điều tra xác định báo cáo tài chính của Công ty Faros không đủ cơ sở pháp lý, nhưng lãnh đạo và kiểm toán viên của 2 đơn vị này vẫn phát hành các báo cáo kiểm toán, nội dung thể hiện việc chấp nhận toàn phần đối với báo cáo tài chính, báo cáo vốn góp chủ sở hữu của Công ty Faros.

Việc ban hành các báo cáo kiểm toán không đúng nêu trên đã tạo điều kiện để bị can Trịnh Văn Quyết và đồng phạm sử dụng, làm hồ sơ đề nghị niêm yết cổ phiếu ROS.

Sai phạm lan rộng đến Ủy ban Chứng khoán nhà nước. Dù phát hiện hồ sơ đăng ký của Công ty Faros không đủ cơ sở để xác định số vốn thực góp, các báo cáo kiểm toán không đúng pháp luật, nhưng Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng Lê Công Điền vẫn ký văn bản về việc chấp thuận hồ sơ đăng ký công ty đại chúng đối với Công ty Faros (vốn điều lệ 4.300 tỉ đồng).

Xem nhanh 12h ngày 27.2: Tài xế của tỉ phú Trịnh Văn Quyết thành cổ đông trăm tỉ | Bắt giam đại gia Hậu ‘Pháo'

Tiếp đó, khi nhận được hồ sơ đề nghị đăng ký, lưu ký 430 triệu cổ phiếu của Công ty Faros và biết rõ hồ sơ chưa đủ cơ sở để xác định số vốn thực góp, tuy nhiên Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam Dương Văn Thanh vẫn ký, cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán đối với công ty này, đồng thời thông báo đến các thành viên lưu ký (công ty chứng khoán).

Sai phạm cũng xảy ra tại HoSE - một trong những "chốt chặn" quan trọng. Biết rõ báo cáo kiểm toán tài chính đối với Công ty Faros không phù hợp, không đủ cơ sở xác định số vốn góp thực, nhưng Chủ tịch HĐQT HoSE Trần Đắc Sinh vẫn nhiều lần trực tiếp chỉ đạo cấp dưới hỗ trợ Công ty Faros sớm được niêm yết cổ phiếu.

Tương tự, nhận thức được hồ sơ của Công ty Faros có vấn đề, nhưng Tổng giám đốc HoSE Lê Hải Trà vẫn cùng các thành viên trong hội đồng chấp thuận niêm yết đối với cổ phiếu ROS.

Cả 2 người này đều khai quen biết với Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, muốn giúp đỡ ông Quyết, đồng thời giúp HoSE có thêm doanh thu, nên đã thực hiện các hành vi nêu trên.

Sau khi ROS lên sàn chứng khoán, nhóm Trịnh Văn Quyết bán hơn 391 triệu cổ phiếu, thu về hơn 4.818 tỉ đồng. Trừ đi hơn 1.197 tỉ đồng tiền vốn góp thực, các bị can bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng của nhà đầu tư.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.