Vì sao CSGT được hóa trang để xử lý vi phạm?

07/03/2024 18:11 GMT+7

CSGT có được hóa trang để xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông; trường hợp nào thì hóa trang, cán bộ hóa trang có thẩm quyền ra sao... là câu hỏi được người dân đặt ra.

Mới đây, công dân gửi câu hỏi tới Bộ Công an, đề cập quy định về việc CSGT được quyền hóa trang trong khi xử lý vi phạm giao thông và bày tỏ lo ngại nảy sinh tình trạng đối tượng xấu mạo danh lực lượng CSGT nhằm chiếm đoạt tài sản.

Vì sao CSGT được hóa trang để xử lý vi phạm?- Ảnh 1.

Một tổ CSGT kiểm soát công khai trên đường

HOÀNG TUÂN

CSGT có được hóa trang để xử lý vi phạm?

Trả lời thắc mắc trên, Bộ Công an cho biết, điều 11 Thông tư 32/2023 của Bộ Công an quy định rất rõ về hình thức tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp hóa trang của lực lượng CSGT.

Theo quy định tại thông tư, tổ CSGT được bố trí một bộ phận cán bộ hóa trang (mặc thường phục), phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến, địa bàn được phân công.

Có 2 trường hợp CSGT được sử dụng hình thức tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang.

Thứ nhất là sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Thứ hai là đấu tranh phòng, chống tội phạm; tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông đường bộ phức tạp.

Quy định tại thông tư cũng nêu rõ, nhiệm vụ của cán bộ hóa trang là trực tiếp quan sát, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác.

Khi phát hiện vi phạm, cán bộ hóa trang phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành dừng phương tiện, kiểm soát, xử lý theo quy định.

Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, làm thiệt hại đến tài sản, tính mạng, sức khỏe của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì cán bộ hóa trang sử dụng giấy chứng minh công an nhân dân để thông báo, vận động nhân dân phối hợp, ngăn chặn ngay hành vi vi phạm.

Đồng thời, cán bộ hóa trang thông báo và phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai để giải quyết tại nơi phát hiện vi phạm hoặc đưa đối tượng vi phạm về trụ sở cơ quan công an nơi gần nhất để giải quyết theo quy định.

Vì sao CSGT được hóa trang để xử lý vi phạm?- Ảnh 2.

Theo quy định, CSGT hóa trang khi phát hiện vi phạm thông qua phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ phải thông báo cho lực lượng CSGT kiểm soát công khai để xử lý

HOÀNG TUÂN

Vì sao CSGT phải hóa trang?

Trước đó, công dân cũng gửi câu hỏi, bày tỏ băn khoăn về việc CSGT hóa trang để xử lý vi phạm tốc độ và cho rằng như vậy là không phù hợp, bởi thi hành công vụ nên thực hiện công khai, minh bạch.

Phản hồi về ý kiến trên, Bộ Công an cho hay, chạy quá tốc độ là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ tai nạn giao thông. Việc xử lý hành vi vi phạm này nhằm hạn chế tai nạn là rất cần thiết.

Tuy nhiên, nhiều lái xe tìm cách đối phó với việc đo tốc độ công khai. Ví dụ, tài xế đang chạy với tốc độ cao, khi phát hiện các trạm, chốt của CSGT sẽ giảm tốc độ hoặc né tránh; tài xế bị xử phạt thông báo cho tài xế khác đang tham gia giao thông khác biết để né tránh, gây khó khăn trong việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng CSGT…

Chính vì vậy, việc kết hợp giữa hình thức đo tốc độ công khai và bí mật là xuất phát từ đòi hỏi của tình hình thực tế.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, đánh giá quy định cho phép CSGT hóa trang là phù hợp, nhằm kịp thời phối hợp, phát hiện và xử lý vi phạm, nhất là các trường hợp cố tình đối phó. "Nếu tài xế tuân thủ đúng quy định pháp luật, dù kiểm soát công khai hay hóa trang thì cũng không ảnh hưởng", luật sư nêu quan điểm.

Với lo ngại về việc lạm dụng hình thức hóa trang, luật sư cho hay, Thông tư 32/2023 của Bộ Công an quy định rất rõ rằng cán bộ CSGT hóa trang chỉ được sử dụng thiết bị nghiệp vụ để phát hiện vi phạm rồi thông báo cho bộ phận CSGT công khai, chứ không được trực tiếp dừng xe vi phạm.

Cạnh đó, việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang phải có kế hoạch được cấp có thẩm quyền quy định. Nội dung kế hoạch phải nêu rõ phương pháp thực hiện; lực lượng; trang phục; phương thức liên lạc, thời gian, tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát; phương tiện giao thông; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ… được sử dụng để tuần tra, kiểm soát.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.