Vì sao các trung tâm đăng kiểm chỉ 'thích' nhận tiền mặt?

10/05/2024 16:07 GMT+7

Trong khi các trung tâm đăng kiểm kêu khó thu phí qua chuyển khoản thì nhiều chủ xe cho biết, việc không nhận thanh toán qua chuyển khoản gây không ít phiền phức cho họ khi đi đăng kiểm.

Việc chỉ nhận thanh toán bằng tiền mặt gây mất thời gian, đồng thời không tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và không phù hợp với chủ trương của Nhà nước là thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Việc chỉ nhận thanh toán bằng tiền mặt gây mất thời gian, đồng thời không tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và không phù hợp với chủ trương của Nhà nước là thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

QUANG THUẦN

Vì phí đường bộ và phí đăng kiểm chưa tích hợp? 

Là một người thường xuyên mang xe đi đăng kiểm, anh Trương Minh Khang, ngụ tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM) thắc mắc khi hầu hết các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) trên địa bàn TP.HCM đều không áp dụng hình thức thanh toán chuyển khoản mà chỉ dùng tiền mặt. "Số tiền thanh toán rất lớn, có khi lên đến 5 - 6 triệu đồng/lần nhưng các TTĐK đều không cho chuyển khoản. Có khi tôi mang không đủ tiền, buộc phải chạy ra ngoài để rút tiền mặt rồi quay lại thanh toán, rất phiền phức nhưng không hiểu sao các TTĐK lại không thay đổi". 

Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo một TTĐK ở Q.11 (TP.HCM) giải thích: "Không phải chúng tôi không muốn chuyển đổi hoặc bổ sung thêm hình thức thanh toán chuyển khoản, quẹt thẻ cho người dân, nhưng đặc thù của ngành đăng kiểm khá khác biệt, không giống như việc mua bán, thanh toán hàng hóa nên chúng tôi đã triển khai từ trước tết đến nay vẫn chưa thực hiện được". 

Theo vị này, hiện nay các cơ sở đăng kiểm thu 2 loại phí gồm phí kiểm định và phí sử dụng đường bộ. Trong đó phí sử dụng đường bộ phải thu bằng tiền mặt để cuối ngày Cục Đường bộ đến thu lại. Đối với phí đăng kiểm thì các TTĐK có thể sử dụng hóa đơn điện tử đáp ứng yêu cầu của ngân hàng, nhưng về phí sử dụng đường bộ thì lại có biểu mẫu riêng, chưa tích hợp vào được. 

Giám đốc một TTĐK tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) chia sẻ: "Ngay cả các TTĐK tư nhân có đầy đủ điều kiện thì hiện nay họ cũng chưa áp dụng thanh toán chuyển khoản, còn đối với các TTĐK nhà nước thì càng khó khăn hơn vì khâu báo cáo, giải trình thu chi rất mất thời gian. Ngoài ra, quy trình nộp hồ sơ, thu phí của các TTĐK cũng khác nhau, có nơi thu phí sau khi hoàn tất quy trình kiểm định nhưng cũng có nơi thu phí trước khi nộp hồ sơ vào. Đối với quy trình thu phí trước, nếu như xe không đậu kiểm định thì phải trả hồ sơ và hoàn lại tiền cho khách. Nếu chuyển khoản vào sau đó lại hoàn trả tiền thì rất phức tạp và mất thời gian. Đối với các trường hợp chuyển nhầm, chuyển dư tiền cũng khá phiền phức khi giải quyết cho khách. Vì vậy, lâu nay các TTĐK vẫn chỉ dùng tiền mặt cho tiện. 

Kêu phiền phức chỉ là ngụy biện

Phản biện về cách lý giải này, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) khẳng định: "Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là chuyển dần sang hình thức không sử dụng tiền mặt trong hầu hết các loại hình dịch vụ của nền kinh tế. Trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, việc các TTĐK chỉ áp dụng hình thức thu phí bằng tiền mặt là chưa phù hợp với định hướng đã nêu. Việc các TTĐK cho rằng phiền phức trong việc hoàn trả phí, hay tích hợp các loại phí, tôi cho rằng đây cũng chỉ là ngụy biện, vì với trình độ kỹ thuật, các ứng dụng kế toán, tài chính hiện nay đều hỗ trợ thu chi nhanh chóng, chính xác, chỉ cần nhập dữ liệu và điều kiện cho máy tính thông thường thì cũng đã làm rất tốt rồi, không cần máy móc cao siêu. Trước đây, các cây xăng cũng kêu khó khi chuyển từ tiền mặt sang thanh toán thẻ hay chuyển khoản, nhưng Chính phủ chỉ đạo cương quyết thì đâu cũng vào đấy, đến giờ thì thanh toán được hết".    

Về phía Cục Đăng kiểm Việt Nam, thời gian qua nhận được phản ánh về việc một số đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn TP.HCM chỉ nhận thanh toán bằng tiền mặt mà không nhận chuyển khoản. Cục này đánh giá, việc chỉ nhận thanh toán bằng tiền mặt gây mất thời gian, đồng thời không tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp và không phù hợp với chủ trương của Nhà nước là thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Do đó, Cục Đăng kiểm yêu cầu các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, đặc biệt là các đơn vị đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM khẩn trương triển khai việc tiếp nhận thanh toán bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khác để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. "Nếu có vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, các đơn vị đăng kiểm liên hệ với Cục Đăng kiểm Việt Nam để được hỗ trợ, giải quyết", công văn nêu rõ.

Một số lãnh đạo TTĐK khác cho biết có thể trong thời gian tới sẽ sử dụng hai tài khoản tạm để giải quyết cho khách hàng có nhu cầu. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời vì 2 loại phí (phí đăng kiểm và phí sử dụng đường bộ) vẫn chưa thể tích hợp, để hoàn chỉnh hệ thống thanh toán phải cần có thêm thời gian. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.