Tuyến Thống Nhất - một thời bi tráng: Tìm lại những chứng nhân

03/09/2013 08:52 GMT+7

Sau những dòng lịch sử khiêm tốn và có phần chông chênh, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm những chứng nhân lịch sử của sự kiện 1.5 tại Bang - Sứt cách nay đã ngoài 42 năm.

Tuyến Thống Nhất - một thời bi tráng: Tìm lại những chứng nhân

Cựu Đại đội trưởng Đại đội dân quân xã Phú Thuỷ (H.Lệ Thuỷ) Lê Ngọc Hiềng trở lại trạng Nhà Hoà – vùng đất mà ông và đồng đội của mình mai táng “gần cả trăm” TNXP Nam Hà hi sinh - Ảnh: M.Đ.T

Từ thông tin đã nói ở bài trước, chúng tôi tìm về xã Phú Thuỷ (H.Lệ Thủy) giữa những ngày Quảng Bình “cồn cát nắng chang chang”. Dò hỏi nhiều người, cuối cùng chúng tôi cũng được chỉ dẫn đến nhà ông Lê Ngọc Miêng, nguyên xã đội trưởng xã Phú Thuỷ. Ông Miêng đã ngoài 80 tuổi, sức khoẻ đã khá yếu nhưng khi hay tin chúng tôi muốn tìm hiểu về sự kiện ở Bang - Sứt cách nay hơn 42 năm, ông cũng gượng dậy kể chuyện.

Ký ức

Ông Miêng nói sau khi nhận được thông tin máy bay Mỹ ném bom trúng vào đội TNXP Nam Hà ông đã cùng nhiều anh em trong xã đội tức tốc lên Sứt. Lúc ấy chiến trường rất ngổn ngang, việc tải thương được đặt lên hàng đầu. “Vừa lên tới Sứt anh em ai cũng chú tâm vào việc tải thương nên mãi sau này mới hay con số hi sinh quá lớn, những mấy chục người” - ông Miêng kể.

Người thứ hai mà chúng tôi tìm gặp là ông Lê Ngọc Hiềng, ở thôn Thạch Bàn (Phú Thuỷ). Ông Hiềng rất hoạt bát, minh mẫn dù đã ở tuổi 80. Ông Hiềng nói hơn nửa đời người tham gia cách mạng, từ vai trò liên lạc viên trong kháng chiến chống Pháp đến cầm súng chiến đấu bên kia sông Bến Hải thời chống Mỹ, nhưng sự kiện ngày 1.5.1971 tại Bang - Sứt mới khiến ông cảm nhận rõ nhất sự khốc liệt của chiến tranh, sự hi sinh lớn lao của đồng chí, đồng đội.

Ông Hiềng làm Đại đội trưởng Đại đội dân quân xã Phú Thuỷ từ cuối những năm 1960. Đại đội dân quân của ông có quân số 210 người, chuyên thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu cơ động, sơ cứu thương, chữa cháy, trinh sát nắm tình hình chiến sự…

“Ngay sau khi hay tin máy bay địch ném bom trúng đội TNXP Nam Hà vào trưa 1.5, tôi điều động các chiến sĩ trong đại đội lên ngay vùng Sứt. Do số lượng người bị thương lẫn hi sinh quá nhiều, lượng hàng hoá bị cháy rất lớn nên anh em xử lý hiện trường từ 2 giờ chiều đến 7 giờ tối mới xong. Thương đau, nhưng do thời chiến nên ai cũng nuốt nước mắt vào trong vì nghiệp lớn” - ông Hiềng kể.

Nhớ để tri ân

May mắn trong khi hầu chuyện với ông Hiềng, tôi lại gặp thêm một chứng nhân khác, đó là ông Nguyễn Bá Hạp, nguyên là Trung đội trưởng Trung đội trinh sát xã Phú Thuỷ.

Ông Hạp đã ngoài 60 tuổi, từng là cấp dưới của ông Hiềng thời kháng chiến chống Mỹ. Ông Hạp nói ông ghé nhà ông Hiềng trước là để thăm “cấp trên” sau nữa bàn với ông Hiềng xem có cách gì kiến nghị với các cơ quan nhà nước quan tâm đến vùng Bang - Sứt vì sự kiện nhiều TNXP Nam Hà hi sinh ở đấy đã canh cánh trong lòng ông bao nhiêu năm qua.

“Sau khi nhận được lệnh cấp trên, tôi cùng nhiều anh em khác tức tốc lên Sứt. Từ Phú Thuỷ lên tới Sứt khoảng 1 giờ 30 chiều. Người thì dập lửa chữa cháy, người thì tải thương, đưa chiến sĩ hi sinh đi mai táng… Chuyện ấy trôi qua đã 40 năm rồi nhưng tôi vẫn canh cánh trong lòng, nhất là mỗi khi có dịp đi lên vùng Sứt. Cách đây mười mấy năm nghe thân nhân các liệt sĩ ở ngoài Bắc đã vào cất bốc hài cốt các anh chị ấy rồi, từ bấy đến nay không nghe thông tin chi thêm nữa” - ông Hạp kể.

Tiếp tục hành trình tìm kiếm những chứng nhân lịch sử sự kiện 1.5 tại Bang - Sứt, chúng tôi tìm gặp là ông Phùng Xuân Thuỷ, một cựu dân quân của xã Phú Thuỷ, H.Lệ Thuỷ (Quảng Bình). Ông Thuỷ năm nay đã ngoài 60 tuổi, hiện ở thôn Trường Dục, xã Hiền Ninh, H.Quảng Ninh (Quảng Bình). 18 - 19 tuổi, ông Thuỷ đã vào dân quân và một trong những nhiệm vụ đầu tiên ông Thuỷ thực hiện đó là cùng với đồng đội vào vùng Bang - Sứt để tải thương, xử lý hiện trường sau đợt giội bom của địch khiến hàng chục TNXP Nam Hà hi sinh.

Khi hay tin chúng tôi tìm đến nhà, ông Thuỷ lái xe ra tận đầu làng để đón. Ông Thuỷ đang là chủ một doanh nghiệp có thu nhập khá vững vàng ở Quảng Ninh. “Đời tôi ngang đây cũng thấy thoả nguyện, nhưng điều làm tôi day dứt bao nhiêu năm nay đó là sự kiện ở Bang - Sứt. Cứ mỗi khi nghĩ về nơi đó vẫn còn là chốn hiu quạnh, lạnh lẽo lòng cứ bồn chồn không yên. Mình cứ như là người mắc nợ điều chi đó thật lớn lao với những người đã hi sinh trong trận bom dữ dội năm đó” - ông Thuỷ nói ngay sau cái bắt tay đầu tiên.

Ông Thuỷ băn khoăn rằng Quảng Bình có nhiều tuyến đường trong hệ thống đường Trường Sơn nay đã trở thành địa danh lịch sử được cả nước biết đến. Đó đường 20 - Quyết Thắng của lứa tuổi 20 oanh liệt, nơi có hang Tám Cô là di tích lịch sử nổi tiếng cả nước. Hay là đường 12A Ba Đồn lên Quy Đạt và cổng trời Cha Lo. Hoặc đường 15 có di tích Phà Long Đại đã được tỉnh Quảng Bình xây dựng đền tưởng niệm... Riêng đường 16 ác liệt một thời, nơi mà hàng chục, thậm chí cả trăm anh chị TNXP Nam Hà ngã xuống giờ đây vẫn đang quạnh quẽ.

“Có những người khi tôi mang đi mai táng người vẫn còn hơi ấm. Nhìn đôi bàn tay chai sạm vì bốc xếp, vận tải lòng mình co thắt… Một sự kiện bi tráng, một bản hùng ca như thế nếu hậu thế không được biết đến thì mai này ai nhớ để tri ân?” - ông Thuỷ nói.

Mai Đình Toàn 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.