Rập khuôn là... giỏi! - Kỳ 3: Thụ động trước cuộc sống

01/12/2012 03:50 GMT+7

Thói quen làm theo mẫu từ những bậc học đầu tiên trong đời sẽ khiến học sinh thui chột khả năng sáng tạo, lúng túng trước những tình huống ngoài khuôn mẫu.

Chưa kịp yêu đã chán

Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Tiểu học Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng: “Ở bậc tiểu học, trẻ có những suy nghĩ rất trong sáng, mỗi bài văn là một cơ hội để trẻ bày tỏ tình cảm, nhận thức, lòng yêu thương. Vậy thì thay vì áp đặt bằng cảm quan và văn phong của người lớn, hãy tôn trọng và hòa mình vào thế giới của các em”.

 Thuyết trình
Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM) trong một tiết học môn văn theo hướng không đọc chép, HS tự tổ chức và làm chủ giờ học - Ảnh: Minh Luân

Ông Tiến cho biết, có lần ông dự chuyên đề về tập làm văn ở một trường tiểu học, bài văn tả con đường đến trường. Có học sinh (HS) tả: “Nhà em ở ngay sau trường nên ngày nào em cũng trèo tường đến trường cho nhanh”. Cô giáo cho rằng tả như thế là không được. Thế nhưng theo ông Tiến, trước hết phải tôn trọng sự thật và tôn trọng sự trong sáng của học trò. Nhiệm vụ của giáo viên là làm thế nào để HS biết đưa nhiều chi tiết để bài làm chân thực, sinh động hơn. Còn việc có nên trèo tường để vào trường hay không thì giáo viên sẽ nói chuyện với HS đó ở một khía cạnh khác.

 

Thay vì áp đặt bằng cảm quan và văn phong của người lớn, hãy tôn trọng và hòa mình vào thế giới của các em

Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Tiểu học Sở GD-ĐT Hà Nội

PGS Đỗ Ngọc Thống, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, cho rằng, văn học trong nhà trường là một bộ môn khoa học về văn chương. Vì thế nó cần được xem xét và đối xử như các bộ môn khoa học khác. Nghĩa là cũng có đúng/sai, có những tiêu chí khoa học. Tuy nhiên, theo ông Thống, do dạy văn là dạy và học về cách cảm thụ nghệ thuật, không thể dùng văn mẫu để yêu cầu HS cảm thụ đúng hướng... Với những tác phẩm đa nghĩa, cần khuyến khích HS đưa ra nhiều cách hiểu, cách cảm nhận độc đáo, sáng tạo, nhưng phải có lý, có căn cứ... chứ không phải muốn hiểu thế nào cũng được.

Nhà giáo Đặng Đình Đại, người có thâm niên mấy chục năm dạy văn ở bậc THPT cho rằng, hậu quả của việc học thuộc lòng theo văn mẫu rất nặng nề. Chấm thi tốt nghiệp THPT, ĐH sẽ thấy rõ nhất điều này. Nhiều bài văn giống nhau dù không ngồi cùng một phòng thi hay một hội đồng thi. Ấy là do các em được học thuộc văn mẫu để đi thi.

Ông Đại cho biết, kết quả của văn mẫu ở cấp học dưới khiến cho nhiều HS lên lớp 10, khi gặp đề đòi hỏi sáng tạo một chút là kêu khó và lúng túng không làm bài được. Làm văn theo mẫu từ khi bắt đầu học tập làm văn đã khiến HS chưa kịp yêu môn văn đã chán môn học này.

Làm hỏng tư duy diễn đạt, thuyết trình

Thói quen làm theo văn mẫu khiến cho khả năng tư duy, sáng tạo của các em bị mai một dần, thói quen đọc sách cũng không được hình thành vì nó không trở thành nhu cầu tự thân nữa. Ngày nay học văn nhưng HS không cần đọc tác phẩm mà chỉ học theo văn mẫu để làm bài. “Văn hóa đọc của giới trẻ mà chúng ta vẫn lo ngại cũng xuất phát từ điều này” - ông Đại nói.

Nhưng mọi chuyện không chỉ dừng ở việc học và dạy môn văn, HS có yêu thích môn này hay không… mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến kỹ năng sống của HS khi bước ra ngoài cuộc sống. Ông Đại cho biết, nhiều HS ra trường với kết quả học tập có thể rất cao nhưng lại “lơ ngơ” và thụ động trước mọi thứ. Cứ gặp tình huống không nằm trong khuôn mẫu là lúng túng, không biết phải ứng xử thế nào.

Một cán bộ của một tổ chức nước ngoài tại Việt Nam cho biết, khi tuyển dụng xin việc, nhiều bạn trẻ không đương đầu nổi với các câu hỏi đòi tư duy logic, biết cách trình bày quan điểm của mình. Trong khi đó, để tìm cho mình những ứng viên thông minh, có tố chất và khả năng sáng tạo cao trong công việc, nhà tuyển dụng thường phỏng vấn những câu hỏi “kỳ lạ” để kiểm tra phản ứng, triết lý, tư duy riêng của ứng viên.

Mất dần cảm xúc

Bà Nguyễn Kim Anh, giáo viên Trường Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng điều đáng lo ngại đặc biệt là nhờ một bài mẫu làm sẵn hoặc dàn bài khai thác thật hoàn hảo, HS có thể đạt được điểm văn cao nhưng chất văn vẫn không thấm vào trong tình cảm của các em. Bà Dương Thị Mai Hương, cũng giáo viên trường này so sánh: “Nếu dạy theo kiểu đọc chép thì thầy là “máy dạy” và trò là “máy học”. Cái nguy hại của phương pháp dạy học này là làm thui chột tài năng của người dạy. Người dạy cứ theo một bài bản nhất định, lớp nào cũng thế, năm nào cũng thế, không cần phải học hỏi, trau dồi gì thêm, không cần phải giảng giải, tranh luận, xử lý tình huống sư phạm, dần dần trở thành một cái “máy dạy” văn”.

Theo nhiều nhà chuyên môn, dạy văn là dạy cho HS biết cách ăn nói, miêu tả, dùng ngôn từ đúng cảnh, đúng người, đúng tình huống diễn ra trong cuộc sống, và hơn nữa dạy cho HS biết cảm nhận và có cảm xúc thật để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ. “Nếu với cách dạy văn không để hiểu, để cảm xúc mà chỉ đưa ra những bài văn mẫu hoặc viết đúng theo gợi ý của cô giáo thì liệu thế hệ con em chúng ta có còn những cảm nhận và cảm xúc thật để viết ra bài văn thật sự là của mình hay chỉ biết máy móc viết theo bài văn mẫu đã học thuộc hoặc viết y như lời cô giáo bày sẵn?”, một giáo viên suy tư.

Ý kiến

Khơi gợi cảm xúc thật của học trò

“Cần sự chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục, tập huấn giáo viên biết việc sử dụng sách tham khảo như thế nào là hợp lý. Các tổ chuyên môn sinh hoạt với nhau cùng có ý thức không làm việc phản sư phạm. Giáo viên phải dạy làm sao để HS hiểu được cái hay cái đẹp của văn chương, khơi gợi sao cho trò viết ra những cảm xúc chân thật chứ không nên lệ thuộc vào bài văn mẫu”.

Giáo sư Trần Hữu Tá
Nguyên Trưởng khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

Vun đắp tâm hồn

Cách dạy khuôn mẫu như thế sẽ làm thui chột suy nghĩ, mất đi tính phá cách của các em trong quá trình học tập. Theo tôi môn văn rất quan trọng. Môn học này không chỉ đơn thuần là học thuộc lòng những bài văn, bài thơ mà nó sẽ vun đắp tâm hồn con người, dạy ta biết yêu thương, biết lắng nghe, biết buồn vui... Vì vậy nếu cứ dạy theo kiểu văn mẫu, rập khuôn thì thật tội nghiệp cho thế hệ trẻ, chúng sẽ không biết cách cảm nhận cuộc sống.

Lê Văn Nhung
(nhunglv@gmail.com)

 Thiên Long - B.Thanh (ghi)

Tuệ Nguyễn

>> Rập khuôn là... giỏi !
>> Kỳ 2: Tràn lan sách tham khảo văn mẫu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.