Gây thiệt hại phải bồi thường

10/04/2013 03:10 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi Thanh Niên ngày 9.4 đăng bài Dân có thể kiện thủy điện “giết” sông.

Hành động vi phạm pháp luật

Theo luật Tài nguyên nước năm 2012 thì việc điều hòa, phân phối nước cho các mục đích phải đảm bảo ưu tiên về số lượng, chất lượng nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và các nhu cầu thiết yếu khác của người dân; bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông, ngưỡng khai thác nước dưới đất... Việc xây dựng thủy điện nhưng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước, gây thiệt hại cho người dân sản xuất là vi phạm pháp luật, cần phải bị xử lý.

Nguyễn Minh Phước (phuocdawaco@gmail.com)

Có sự tiếp tay

Theo tôi, nguyên nhân của tình trạng này chính là pháp luật về tài nguyên nước, về môi trường của chúng ta dù đã ban hành nhưng chưa được thực thi một cách nghiêm chỉnh, dẫn đến các nhà đầu tư xem nhẹ và không chấp hành. Họ chỉ chú trọng đến lợi ích của mình mà bất chấp pháp luật, gây thiệt hại đến người dân. Mặt khác, các nhà quản lý và thực thi pháp luật đã tiếp tay cho họ bởi vì khi làm thủy điện, việc chuyển nước sang một lưu vực khác rõ ràng sẽ ảnh hưởng ghê gớm tới môi trường, đặc biệt là vùng hạ lưu nhưng vì sao các báo cáo đánh giá tác động môi trường vẫn được phê duyệt?

Hoàng Anh Sơn (khktminco@gmail.com)

Phải thẩm định từ đầu

Lẽ ra, khi thực hiện một dự án lớn như vậy phải tiến hành khảo sát, nghiên cứu kỹ càng; đồng thời phải thu thập ý kiến đóng góp của các chuyên gia và cả người dân. Nay gây thiệt hại cho dân sống ở lưu vực sông thì đương nhiên phải có trách nhiệm bồi thường, không thể chối bỏ trách nhiệm.

Phúc (phdinhphuc@gmail.com)

Luật sư Nông Thị Hồng Dung
Theo quy định của bộ luật Dân sự thì chủ thể gây ra thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường và người dân hoàn toàn có quyền khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, việc chứng minh thiệt hại ở đây không đơn giản, người dân không thể tự làm được mà rất cần phải có sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan nhà nước.

Luật sư Nông Thị Hồng Dung
Giám đốc Công ty luật Hồng Dung (TP.HCM)

Nguyên Đăng

Bồi thường thiệt hại chỉ là bù đắp tổn thất đã xảy ra với người dân, là giải pháp tình thế mà thôi, trong khi hậu quả do tàn phá môi trường sẽ lớn hơn rất nhiều, gây ảnh hưởng lâu dài và khó có thể khắc phục.

  Nguyên Đăng (Đà Lạt, Lâm Đồng)

Hải Nam
(thực hiện)

Ban CTBĐ
(tổng hợp)

>> Dân có thể kiện thủy điện “giết” sông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.