Những truyền nhân cuối cùng - Kỳ 6: Mai một nón lá Cần Thơ

22/06/2013 03:25 GMT+7

Có từ lâu đời, xóm nhỏ nằm bên kênh Xẻo Xào (ấp Thới Thuận A, thị trấn Thới Lai, H.Thới Lai, TP.Cần Thơ) với những phụ nữ khéo tay làm nên những chiếc nón lá vang danh khắp miền Tây. Đến nay, niềm hãnh diện ấy đã ít nhiều vơi đi...

>> Những truyền nhân cuối cùng - Kỳ 5: Tiếng sến 3 dây
>> Những truyền nhân cuối cùng - Kỳ 4: Truyền thần thất truyền
>> Những truyền nhân cuối cùng - Kỳ 3: Hòa thượng viết kinh lá

Vang danh một thuở

Chị bán nước mía đang tập tành đan nón sốt sắng chỉ chúng tôi nhà hàng xóm có mấy chị em giỏi nghề này. Sốt sắng là vì để tránh những hiếu kỳ của khách mà chị buộc phải trả lời và hơn hết là vì ở đó, cách vài trăm mét, khách sẽ biết nón lá Xẻo Xào được làm khéo thế nào.

Bà Hồ Thị Diện (59 tuổi) giờ mắt đã mờ do “sử dụng quá nhiều”. Bà cũng như nhiều người lớn tuổi ở đây không chắc là nghề này du nhập vào xóm từ khi nào. Chỉ biết từ khi bà còn rất nhỏ, loắt choắt đã học đường kim từ bà nội. Khi ấy, nghề làm nón lá đã thịnh hành cả xóm, cung cấp cho nhiều nơi, từ Tân An, Sa Đéc xuống vùng Rạch Giá, Cà Mau… với tên gọi chung là “nón lá Cần Thơ”. Nhờ được ưa chuộng khắp nơi nên nón ở đây làm ra bao nhiêu đều có thương lái đến tận nơi mua hết. Ban đầu, nghề chằm nón lá chỉ được xem như nghề phụ cho phụ nữ ở đây những lúc nông nhàn. Thế nhưng, những năm thất mùa, những khi thắt ngặt, chiếc nón lá đã lo đủ cơm ăn, áo mặc cho nhiều gia đình. Bà Diện kể, nón lá ở Xẻo Xào đắt hàng đến mức thương lái có thể cho nhiều gia đình ứng trước tiền. Đến mùa, họ sẽ chằm nón trả lại.

 Những truyền nhân cuối cùng - Kỳ 6: Mai một nón lá Cần Thơ
Ngày càng ít người chằm nón lá đẹp như gia đình bà Diện (giữa), chị Dung - Ảnh: Tiến Trình

Sở dĩ nón lá ở đây được khắp nơi ưa chuộng là vì nó vừa mượt mà, vừa bền bỉ, chắc chắn. Bà Diện nói, thợ chằm nón chỉ ra 2 loại: nón lá đi ruộng và nón lá đi chợ. Nón đi ruộng được làm dày hơn, vành to hơn. Nón đi chợ cọng lá được lựa đều hơn, trau chuốt hơn, đẹp hơn và ở đây những người thợ giỏi nghề thường hay làm nón đi chợ. Giá của một chiếc nón đi chợ cũng gấp 3 lần chiếc nón đi ruộng.

Nón được làm bằng lá mật cật hoặc lá buông với vành bằng trúc vót tỉ mỉ. Ban đầu, nón lá Cần Thơ được chằm với 15 vành trúc. Tuy nhiên, về sau đã có thay đổi thành 16 vành giống như nón lá ở miền Trung. Công đoạn chằm nón cũng mỗi nơi mỗi khác. Nếu như ở nhiều nơi, khi chằm nón lá người ta vừa chằm vừa kết vành thì nón lá làm ở Cần Thơ, các thợ kiềng 15 vành lên khuôn (hay còn gọi là mô) cố định hình nón. Sau đó tiến hành “lợp” và xoay đều 2 lớp lá và may, vừa may vừa giữ kết lá cho đều. Đến vành thứ 16 là lớp vành sau cùng, các thợ ở đây gọi là “nức” vành. Chiếc nón tròn, méo cũng được chỉn chu từ công đoạn này.

Một chiếc nón đẹp là chiếc nón kết cấu lá đều, một màu, đường may thẳng, đều, không khoan không nhặt, trang trí tao nhã… Nên để làm một chiếc nón được đẹp, người thợ chằm phải kỹ lưỡng từ khâu chọn lá, vót vành, cho đến kết chỉ, trang trí… Một điều người đội nón lá quan tâm là nó có được bền không qua quan sát lá đan dày hay thưa, vành vót vừa hay nhỏ. Tuy cùng ở một xóm nghề, nhưng lại có những già chằm nón nổi tiếng, được các thương lái săn đón. Những người chằm giỏi thì cố gắng lắm mỗi ngày cũng được 2 - 3 chiếc nón. Người chằm non nghề hơn thì mỗi ngày làm 7 - 8 chiếc nón. Nhưng giá bán của một chiếc nón qua tay người làm giỏi thì gấp đôi, thậm chí gấp 5 lần bình thường. 

Giữ nghề lẻ loi

Vì vậy mà gia đình chị Phạm Thị Trắng, Hồ Thị Thu Dung (em bà Diện) luôn được chị em trong xóm nể trọng. Họ được xem là những người chằm nón đẹp nhất ở xóm nghề lâu năm này. Những người cao tuổi thì cho rằng họ đã kế tục được cái nghề chằm nón của thế hệ trước. Nhìn từng chiếc nón của họ làm, những thương lái khó tính đều phải xuýt xoa “như vầy mới là nón lá Cần Thơ” và sẵn sàng trả giá cao để được họ bán nón cho. Trong những lần quảng bá nghề chằm nón lá ở Cần Thơ, chị em chị Trắng, chị Dung lại được mời đi khắp nơi “biểu diễn”…

Thế nhưng, cái sự giỏi giang, khéo léo đó; cái sự nổi tiếng và được nể trọng đó của họ cũng chỉ dừng lại ở giới hạn của người làm ra một loại sản phẩm dần ít được chú ý. “Ở xóm này không thiếu người chằm nón, thậm chí là nhiều nữa kìa, nhưng không ai khá lên được từ chằm nón cả”. Đến những người làm nón lá đẹp như chị Trắng, chị Dung, mỗi ngày làm được 2 chiếc nón, trừ chi phí cũng chỉ kiếm được vài mươi ngàn đồng.

Thu nhập còm cõi khiến nhiều người chằm nón bất đắc dĩ phải tìm nghề khác mưu sinh. Địa phương thỉnh thoảng lại mở các lớp dạy làm nón ngay tại xóm nghề này, để khơi gợi cho chị em nỗi đam mê với nghề được xem là truyền thống của xóm. Đồng thời cũng tặng cho đồ nghề, tổ chức nghiệp đoàn để tiếp vốn cho người gặp khó khăn… cốt để giữ nghề nón lá không bị mai một. Thế nhưng, khi nón lá không còn là lựa chọn ưu tiên của người đội như trước nữa, giá của mỗi chiếc nón rẻ bèo (20.000 đồng; thợ giỏi thì 50.000 đồng). Nghề chằm nón không còn là lựa chọn ưu tiên tại xóm làm nón. Những người giữ nghề đã bắt đầu cảm thấy lẻ loi.

Tiến Trình

>> Nón lá quê nhà
>> Nghĩ từ chiếc nón lá
>> Cuộc quảng diễn hoành tráng của thêu thùa và nón lá

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.