Tây Ninh thu hút đầu tư trong nước tăng gấp 4 lần

01/05/2024 11:59 GMT+7

Quý 1/2024, thu hút đầu tư trong nước của Tây Ninh đạt hơn 2.450 tỉ đồng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Điểm sáng du lịch

Trong bối cảnh kinh tế cả nước còn gặp nhiều khó khăn, thu hút đầu tư trong nước của Tây Ninh vẫn tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ. Các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2024 đến nay diễn ra nhộn nhịp. Tổng thu ngân sách nhà nước của Tây Ninh quý 1/2024 đạt 3.305 tỉ đồng (29,8% dự toán), tăng 4,4% so với cùng kỳ. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, ước đạt 8,1% và tăng cao hơn so cùng kỳ. Các chính sách về an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân được quan tâm và thực hiện thường xuyên. Nỗ lực này cho thấy ngay từ đầu năm, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đã xác định nguồn thu từ nội lực là chủ yếu để đảm bảo các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra.

Kênh dẫn nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ Đông, mang nước tưới tiêu cho 17.000 ha đất nông nghiệp

Kênh dẫn nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ Đông, mang nước tưới tiêu cho 17.000 ha đất nông nghiệp

THANH NAM

"Gam màu tươi sáng" trong bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh có thể nhận diện là tăng trưởng của ngành du lịch. Du lịch Tây Ninh đã tăng cường các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, phong phú và khác biệt. Chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hoạt động lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí... được tổ chức ngày càng bài bản, chuyên nghiệp. Đặc biệt, khu du lịch Núi Bà Đen đã thu hút được lượng lớn khách tham quan. Doanh thu du lịch tăng 36% so với cùng kỳ.

Trong quý 1/2024, Tây Ninh có 147 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 1.400 tỉ đồng, tăng 7,1% về vốn đăng ký. Những nỗ lực trên góp phần đưa tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) đạt 13.845 tỉ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 3%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 11,1%, khu vực dịch vụ tăng 7,8%...

Tăng tốc đầu tư phát triển

Theo UBND tỉnh Tây Ninh, quý 1/2024 tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 9.031 tỉ đồng, đạt 20,5% so với kế hoạch, tăng 4,2% so với cùng kỳ.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, các tổ chức tín dụng tập trung triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn. Tổng dư nợ cho vay ước đạt 100.300 tỉ đồng, tăng 2% so với đầu năm và tăng 12,6% so với cùng kỳ.

Tây Ninh đang đồng loạt triển khai nhiều dự án trọng điểm về hạ tầng. Các dự án tiêu biểu có thể kể đến như Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Hiện dự án này đã được Bộ KH-ĐT hoàn thiện kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để xin ý kiến thành viên hội đồng thẩm định liên ngành. Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài khi hoàn thành không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân Tây Ninh, mà còn tạo thành trục hành lang Đông - Tây, mở ra không gian phát triển giữa Tây Ninh với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, kết nối với cao tốc Bavet - Phnom Penh của nước bạn Campuchia.

Hồ Dầu Tiếng rộng hơn 27 ki lô mét vuông, dung tích 1,58 tỉ mét khô nước, là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á trải dài qua địa phận 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước

Hồ Dầu Tiếng rộng hơn 27 ki lô mét vuông, dung tích 1,58 tỉ mét khô nước, là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á trải dài qua địa phận 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước

GIANG PHƯƠNG

Một số công trình, dự án giao thông quan trọng khác cũng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công như cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (giai đoạn 1 từ Gò Dầu đến TP.Tây Ninh); Đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789; Nâng cấp, mở rộng đường ĐT.795, đường ĐT.794 (đoạn từ ngã ba Kà Tum đến cầu Sài Gòn - giai đoạn 2)… Đặc biệt, tỉnh cũng đang đẩy nhanh thủ tục đầu tư Dự án xây dựng cửa khẩu quốc tế Tân Nam (Bộ TN-MT đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường); Dự án khu tham quan chuyên đề, lưu trú, nghỉ dưỡng, thương mại, dịch vụ trên đỉnh núi Bà Đen; Trung tâm logistics, cảng cạn ICD và cảng tổng hợp tại xã Hưng Thuận, TX.Trảng Bàng…

Theo UBND tỉnh Tây Ninh, trong năm 2024 địa phương sẽ công bố Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục hoàn chỉnh nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Trảng Bàng, đô thị mới các huyện Tân Châu, Châu Thành, Tân Biên và khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát đến năm 2045.

Trong năm 2024, Tây Ninh dự kiến tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, liên kết chuỗi, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch, quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Tây Ninh nhằm hình thành hệ sinh thái du lịch địa phương văn minh, chuyên nghiệp.

Lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh của Tây Ninh đến năm 2050

Từ nay đến 2030: Thúc đẩy chuyển đổi sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện, xăng E5. Phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Đến 2040: Từng bước hạn chế tiến tới không sử dụng xe ô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xe sử dụng xăng dầu) trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế hoặc đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.

Đến năm 2050: 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Toàn bộ các bến xe, trạm dừng nghỉ đạt tiêu chí xanh. Chuyển đổi toàn bộ máy móc, trang thiết bị xếp dỡ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện. Hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn tỉnh.

(Nguồn: UBND tỉnh Tây Ninh)

Tây Ninh đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo hoàn thành mục tiêu đến 30.6 đạt 50%, đến 30.9 đạt 75% và kết thúc kế hoạch năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch vốn xây dựng cơ bản được giao, tạo động lực tăng tốc cho năm 2024 và bứt phá trong năm 2025.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.