Sống trong bóng tối

19/10/2008 22:48 GMT+7

Bài 1: Những cuộc đời không lối thoát Bán thân không chỉ để nuôi thân mà còn phải nuôi kẻ khác, đó là một thực tế khắc nghiệt trong cuộc đời các cô gái bán dâm. Tại TP.HCM, hiện có hàng trăm cô đang phải cam chịu cảnh đời làm “nô lệ” cho các ông, bà chủ, cho những tay “cò” chăn dắt vì những khoản vay suốt đời không trả nổi.

28 tuổi, 4 đứa con, đêm nào cũng như đêm nào, Nương phải ra đường để rao bán tấm thân tàn tạ của mình. Giống như Nương, hằng đêm, trên các trục đường giáp ranh các quận 1 – Bình Thạnh – Gò Vấp – Thủ Đức, là hàng trăm cô gái khác. Họ ngồi trên những chiếc xe 2 bánh trông khá bóng bẩy, rảo tới rảo lui, mời khách bằng những nụ cười... Mấy ai biết phía sau những gương mặt phấn son đó là những phận đời không lối thoát? 

Nghèo khó và mù chữ

Không còn vóc dáng thanh xuân quyến rũ, nên Nương phải “cày” từ  7 giờ tối đến tận 3 – 4 giờ sáng để bắt khách, hy vọng kiếm thêm tiền từ những người đàn ông “đi lạc về khuya”, từ những người mắt mờ do say xỉn. Số tiền kiếm được sau mỗi đêm, Nương không chỉ nuôi thân và đàn con, mà phải trả lãi tiền vay, bạc góp gần cả triệu đồng.

Số nợ gốc ban đầu của Nương là hơn 30 triệu đồng, sau một năm lãi mẹ đẻ lãi con, đến nay đã lên hơn 100 triệu đồng. “Nếu đêm nay không có đủ 1 triệu đồng để trả góp thì qua ngày hôm sau số nợ của tôi sẽ tự động thêm lên và lãi suất theo đó cũng tăng cao. Còn nếu góp được 20 ngày nhưng sang ngày thứ 21, 22 mà không có tiền đóng thì phải “xóa sổ” góp lại từ đầu...” - Nương lý giải vì sao những con nợ như cô phải làm như nô lệ để trả nợ. Đôi lần Nương định bỏ trốn nhưng lại không dám vì còn lũ con chưa trưởng thành. Và, sợ nhất là cảnh bị đánh đập, hành hạ dã man nếu chủ cho vay tìm bắt lại được. Không lối thoát, bế tắc, cùng quẫn, những người như Nương hướng đến tương lai theo cái kiểu: “Có khi tôi nghĩ, hay là mình bán vài bánh heroin lấy tiền trả nợ rồi mẹ con bồng bế nhau vào rừng kiếm sống... Rồi lại sợ, sợ chẳng may bị bắt, bị xử bắn thì bỏ con cho ai trong khi cha chúng thì đã có gia đình khác?”. Câu hỏi của cô -  và của những kiếp người tương tự - vẫn chưa được ai trả lời...

Vốn xuất thân từ gia đình bần nông, lại gặp phải nhiều biến cố, mới 15 tuổi Nương đã phải ra đời kiếm sống. Vì thiếu học, thiếu khôn nên cô không thể vượt qua những nghiệt ngã của cuộc đời. Sau những lần ê chề, nhục nhã, sau những khoản nợ ban đầu khắc nghiệt... Nương từ một thôn nữ hiền lành, mộc mạc, đã trở thành gái vũ trường, quán bar rồi trở thành gái bán dâm chuyên nghiệp. Theo Nương, có “trăm đường vạn lối” đẩy con người ta vào chốn bùn nhơ, nhưng sâu xa hơn hết vẫn là do nghèo khó và không được học hành trong khi cạm bẫy thì giăng đầy trên đường đời. Trong số những cô gái bán dâm, Nương khẳng định hơn 90% là mù chữ, mỗi người là một thân phận mang dấu ấn của một bi kịch khác nhau... 

Chuyện đời ở “chợ tình”

Sau nhiều đêm thâm nhập những khu “chợ tình” vùng ven TP.HCM, chúng tôi đã nghe, chứng kiến quá nhiều chuyện, trong đó không hiếm cảnh chồng đưa vợ, chị chở em ra đường kiếm sống. Khi chúng tôi tiếp cận, tìm cách hỏi nguyên do trong một tâm trạng ái ngại thì một cô gái đã nói như van xin: “Xin đừng hỏi tại sao. Mỗi người một hoàn cảnh, khi rơi vào đó người ta mới hiểu thế nào là đời!”. 

Nhung năm nay 27 tuổi, quê Cần Thơ, từ khi ra đời chẳng biết mái nhà là gì. Không được đến trường, ngay từ những ngày tập tễnh biết đi cô đã theo gia đình sống lây lất trên sông. Lớn lên một chút, cô lên bờ bán hàng rong quanh các bến phà. Gia đình đông anh chị em nhưng rồi ai nấy cũng có gia đình, đi tứ tán để mưu sinh, tiếp tục kiếp nghèo. Nhung là con út, chưa có chồng nên phải ở lại giúp đỡ mẹ cha. Khi cô được 22 tuổi thì cha mẹ đã già, mẹ lại bệnh nan y trong khi tiền cô làm ra không đủ mua gạo. Nhìn mẹ quặn đau mỗi ngày, lòng cô cũng thắt lại từng cơn nhưng chẳng biết làm sao... Trong lúc túng quẫn chưa biết xoay xở thế nào thì cô bạn từ TP.HCM về chỉ cho cách kiếm tiền. “Lúc đó tôi chẳng chút đắn đo. Miễn có tiền lo cho mẹ thì việc gì tôi cũng làm!”. Đưa mẹ lên TP.HCM, Nhung vay tiền thuê nhà rồi nói dối với mẹ là đi làm công nhân may. Nhớ lại cái đêm đầu tiên “vào nghề”, Nhung nức nở: “Người ta đưa tôi vào nhà trọ, tôi run lập cập. Đứng tựa vào tường, tôi chẳng biết làm gì ngoài chuyện khóc và thầm gọi mẹ ơi tha thứ cho con. Xong chuyện, cầm mấy đồng tiền, tôi lang thang cả đêm mà chẳng biết đi đâu...”.

Những cô gái như Nhung muốn làm “nghề” phải có xe để đeo khách, phải có những bộ quần áo hợp thời, phải phấn son và phải có người bảo kê. Xe thuê với giá 120.000 đồng/đêm. Tiền mua sắm quần áo thì có người cho vay với lãi suất 30 – 60%/tháng, hoặc trả góp hằng ngày. Còn bảo kê thì các cô phải chia đôi tiền đi khách.

Mỗi lần đi khách, thường một cô gái như Nhung được trả 200.000 đồng. Đêm nào may mắn bắt 3 lượt khách, được 600.000 đồng. Nghe thì có vẻ “thu nhập cao” nhưng số tiền đó các cô phải chia cho bảo kê phân nửa. Số còn lại cô phải trả tiền thuê xe hết 120.000 đồng, còn 180.000 đồng vừa đóng tiền góp vừa lo thuốc thang, tiền nhà, tiền ăn hằng ngày...

Trong giới “bán hoa”, từng tồn tại câu chuyện của một cô gái tên Hạnh quê ở Vĩnh Long: Vốn người có nhan sắc, Hạnh kiếm được rất nhiều tiền, ước hơn 1 tỉ đồng trong 3 năm sống ở TP.HCM. Vậy mà Hạnh lại không trả nổi khoản nợ 70 triệu đồng vay từ những ngày đầu mới vào nghề! Cuối cùng, Hạnh phải trốn đi biệt tích. Rồi câu chuyện của Vân, vì cần tiền trả nợ phải bán thân cho một nhóm thanh niên đến nỗi cô phải vào bệnh viện cấp cứu... Có quá nhiều câu chuyện thương tâm trong cái thế giới này. Ở đó, bóng dáng của lương tri và đạo đức chỉ tồn tại trong đáy lòng của những con người mà đời vẫn miệt thị là “con điếm”.

Trong quá trình thu thập tư liệu, chúng tôi đã tình cờ bắt gặp một “bài thơ” của một chủ khách sạn ở Q.1, TP.HCM, viết về những cô gái ăn sương: Thương em ngày ngủ đêm làm. Mua vui cho khách gần xa bốn mùa. Đồng tiền em kiếm vội vàng. Thời gian eo hẹp, ngủ đêm tính giờ. Sợ khi đang ngủ chuông (điện thoại) reo. Lên giường em khóa (máy) đôi lần vẫn quên. Khách kêu, em bảo mẹ kêu. Ca sĩ “sô” một, thì em “sô” mười. Gặp em ngày ấy: hoa hồng. Hôm nay gặp lại: em hoa mười giờ! Nhìn em, anh giận lại thương. Đồng tiền em kiếm chia năm, chia mười. Chia cho mấy kẻ bảo kê. “Bo” em gái nhỏ lau phòng, trải ra... Chia người quê khổ hơn ta. Đời em là thế xin đừng giận em!”.

“Bài thơ” tuy ngôn từ thô mộc, sặc mùi giang hồ nhưng có thể xem như một bản tổng kết khá đầy đủ về cuộc đời khổ nhục của các cô gái bán thân. (Còn tiếp)

* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi

Phóng sự của Lê Anh Đủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.