“Dưa hấu dại” mở màn Liên hoan phim quốc tế Nhân học

11/11/2012 09:10 GMT+7

(TNO) Bộ phim Dưa hấu dại của nhà làm phim John Marshall (Mỹ) về cuộc sống nơi sa mạc khô cằn đã mang đến nhiều thú vị cho khán giả trong lễ khai mạc Liên hoan phim quốc tế Nhân học đầu tiên tại Việt Nam vào tối 10.11 tại Nhà hát TP.HCM.

(TNO) Bộ phim Dưa hấu dại của nhà làm phim John Marshall (Mỹ) về cuộc sống nơi sa mạc khô cằn đã mang đến nhiều thú vị cho khán giả trong lễ khai mạc Liên hoan phim quốc tế Nhân học đầu tiên tại Việt Nam vào tối 10.11 tại Nhà hát TP.HCM.

Diễn ra từ ngày 10 đến 14.11, Liên hoan phim quốc tế Nhân học sẽ trình chiếu 55 bộ phim được chọn ra trong số gần 70 tác phẩm từ khắp nơi trên thế giới gửi về tham dự như Mỹ, Anh, Australia, Ireland, Đức Nhật, Na Uy, Trung Quốc, Indonesia…

Trong đó, 15 nhà làm phim Việt Nam đã gửi 18 phim để tham dự như Thầy Đức, Đảo Ngọc, Người làng ở phố, Xích lô phố cổ, Vịt ơi!…

Trong lễ khai mạc, bộ phim Dưa hấu dại của nhà làm phim nhân học nổi tiếng John Marshall đã thực sự khiến khán giả thích thú bởi những cảnh quay chân thực, sống động, mang đến cái nhìn thú vị về cuộc sống của những người dân ở vùng sa mạc khô cằn.


Cảnh trong phim Dưa hấu dại - Ảnh chụp màn hình

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ văn hóa Thể thao Du lịch nhấn mạnh: “Liên hoan phim quốc tế nhân học nhằm giới thiệu một thể loại phim mới mẻ nhưng thật sự gần gũi với đời sống con người được các nhà làm phim truyền tải một cách chân thật, sống động. Liên hoan phim có khoảng 70 phim gửi đến tham dự, trong đó có những bộ phim đầu tay của các nhà làm phim Việt Nam và thế giới. Điều đó chứng tỏ sức hút riêng của thể loại phim này”.

Ban tổ chức cho biết nếu liên hoan phim năm nay được sự đón nhận và quan tâm của công chúng sẽ duy trì tổ chức thường xuyên hai năm/lần.

55 bộ phim trong Liên hoan phim sẽ được trình chiếu liên tục sáng - chiều tại ba địa điểm ở TP.HCM là: Hội trường lớn Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Văn hóa và Trung tâm Nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh. Các suất chiếu hoàn toàn miễn phí.

Lịch chiếu phim chi tiết có thể tham khảo tại trang web: anthrofilmfestival.com.

Ðặc biệt vào ngày 11 và 12.11 tại Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM sẽ có buổi chiếu ba bộ phim kinh điển và thuyết trình về quan điểm, phương pháp làm phim nhân học.

Lễ bế mạc Liên hoan phim sẽ diễn ra vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 14.11 tại Đại học Văn hóa TP.HCM.


Múa sen, một tiết mục ấn tượng trong chương trình - Ảnh: Thiên Hương


Thái Trinh góp mặt trong chương trình - Ảnh: Thiên Hương


Hà Okio với ca khúc Sài Gòn cà phê sữa đá - Ảnh: Thiên Hương

Khởi thủy, phim nhân học là một chuyên ngành của Nhân học (hay còn gọi là Dân tộc học). Ban đầu, phim nhân học thường tập trung mô tả những bối cảnh văn hóa, hành vi, phong tục kỳ lạ của các tộc người hay nhóm người mà văn hóa của họ được coi là “man dại”, xa lạ với văn hóa phương Tây.

Theo thời gian, phim nhân học có nhiều thay đổi về đề tài, nội dung, phương pháp tiếp cận và biểu đạt. Ngày nay, nhiều nhà làm phim nhân học đã hướng nghiên cứu của mình vào những xã hội hiện đại mà họ đang sống. Chính vì thế, các đề tài trong xã hội hiện đại như di cư, nhập cư, đồng tính, sự nghèo đói, biến đổi văn hóa... trở nên phổ biến.

Dù có sự biến đổi nhưng chung quy, phim nhân học qua các thời kỳ vẫn giữ đặc điểm căn bản là thể loại phim tài liệu (không hư cấu) về những nền văn hóa khác nhau nhưng vẫn đề cao yếu tố nghệ thuật

Thiên Hương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.