TNO

Săn bắn và nuôi dê hoang ở Úc

18/02/2015 10:26 GMT+7

(Tin Nóng) Nếu như đã có lúc người Úc phải ra sức ngăn cản đà tăng trưởng của kangaroo, thỏ và ngựa hoang (gọi là brumbies) thì nay họ cũng săn bắn dê hoang để hạn chế việc dê hoang gây hại cho môi trường sinh thái.

(Tin Nóng) Nếu như đã có lúc người Úc phải ra sức ngăn cản đà tăng trưởng của kangaroo, thỏ và ngựa hoang (gọi là brumbies) thì nay họ cũng săn bắn  hoang để hạn chế việc dê hoang gây hại cho môi trường sinh thái.


Săn bắn dê hoang dã ở Úc - Ảnh: australiawidesafaris

Săn bắn dê để hạn chế sự phát triển

Khi từ Anh đến Úc lập nghiệp, các đoàn di dân mang theo rất nhiều đồ vật và súc vật giúp họ gầy dựng cuộc sống mới ở phương trời xa. Trong những con vật được họ dắt theo, loài sinh sôi phát triển đàn rất tốt là dê.

Bám theo các đoàn xe di chuyển đến những vùng đất hoang vu sâu trong đất liền, những con dê lạc đàn đã trở thành nguồn giống của những đàn dê hoang đông đúc cộng chung lên đến hơn 2 triệu con, thi nhau phá sạch môi trường sinh thái nơi chúng đã chọn làm giang sơn của mình.

Địa hình càng khắc nghiệt, dê lại càng thích. Tuy nhiên, do số lượng đông đúc nên chúng đang trở thành kẻ thù số một trong những khu vực khô cằn và bán khô hạn.

Tại góc tây bắc bang với diện tích hơn 630.000 ha, công viên Murray-Sunset là công viên quốc gia lớn thứ hai của bang Victoria. Trước kia, ngoài việc khai thác muối và thạch cao, đây cũng là nơi chăn thả gia súc và cừu, nhưng chưa bao giờ được khai phá để trồng trọt do đất đai khô cằn cùng với khí hậu khắc nghiệt. Được xem là nơi không thể canh tác, nhưng rốt cuộc vùng đất rộng lớn này đã được công bố là công viên quốc gia vào năm 1991. Đây là kiểu rừng bán khô hạn hiếm hoi mà không phải động vật nào cũng sống được, ngoại trừ con dê vốn một thời được xem như loài gia súc phổ biến, phát triển mạnh mẽ trong môi trường khắc nghiệt này.

Rất nhiều dê ở đây khá to lớn, có khi đến 60, 80 kg/con. Dần dà, loài dê hoang trở nên khó kiểm soát đến mức vài năm trước đây, công viên Victoria phải bắt tay vào một chiến lược táo bạo bằng cách sử dụng các thợ săn tư nhân. Trong suốt mùa hè, vào 4 hoặc 5 ngày cuối tuần, một nhóm các tình nguyện viên lại gặp nhau tại Underbool, làng Mallee gần biên giới phía nam công viên quốc gia.

Đây là vùng đất hầu như khô hạn quanh năm, việc bốc hơi vào mùa hè làm cho nước trong các hồ  mặn đến không thể uống được. Dê có thể sống sót trên thảm thực vật mọng nước, nhưng mùa khô buộc chúng phải di chuyển về phía các đập ngăn nước quanh khu vực trồng trọt. Những cánh đồng lúa mì đã thu hoạch mang một vẻ hấp dẫn không thể cưỡng lại, nhưng lại rất nguy hiểm. Những con dê sẽ dễ dàng trở thành những mục tiêu do không có che chắn. Cuộc phục kích diễn ra một cách nhanh chóng và hiệu quả, nhưng nếu quanh chúng là những bụi rậm thì sẽ không dễ dàng thế.

Săn bắn có vẻ là một phương tiện mạnh mẽ đầy bạo lực nhằm kiềm chế loài dê hoang dã. Nếu có thể, công viên Victoria cũng sử dụng bẫy dê, như tại khu tiếp giáp vùng đất tư nhân, nơi chúng thường tìm đến nguồn nước. Tuy nhiên, bẫy không phải là một lựa chọn khả thi trong một khu vực rộng lớn như công viên quốc gia Murray Sunset, chỉ đơn giản là do khó kiểm tra được hiệu quả. Ngoài ra, cũng không thể đoán trước sự di chuyển của đàn dê và việc dùng xác những con vật này cũng không khả thi, nên lựa chọn tốt nhất trong những tháng hè nóng bức là khi dê buộc phải di chuyển để tìm nước. Tuy nhiên, khu vực này lại quá xa. Vì vậy, sau thử nghiệm trong nhiều năm, công viên Victoria đã nhờ cậy vào lực lượng của Hiệp hội bắn súng thể thao.

Các quan hệ hợp tác bắt đầu vào cuối năm 2003 và chương trình ngày càng trở nên có hiệu quả, số lượng dê đã giảm đáng kể. Kể từ khi chương trình bắt đầu, chi phí tự bỏ ra khoảng 70.000 USD nhưng bù lại các xạ thủ đã đạt được những kỹ năng đáng giá, theo hướng dẫn của Robert McNamara, một nhân viên kiểm lâm kỳ cựu. Sau khi bắn hạ, họ sẽ kiểm tra giới tính, kích thước,… và ghi nhận mọi thứ về con dê.


Sức chịu đựng bền bỉ đã giúp dê phát triển mạnh và lan tràn khắp nội địa khô cằn của Úc - Ảnh: huntfest

Nuôi dê hoang sinh lợi ích kinh tế

Tuy nhiên cũng đã xuất hiện những mô hình nuôi dê hoang để sinh lợi ích kinh tế ngay ở những vùng đất khô cằn nhất tại Úc. Katie và Ed Davies quản lý trang trại Fairmount Station, phía nam Wilcannia, một thị trấn nằm bên sông Darling River nổi tiếng ở miền tây bang New South Wales. Bà Davies cho biết: “Dê là loài động vật tuyệt vời, từ một động vật gây hại, nay trở nên một nguồn tài nguyên, cung cấp thịt nạc, chất protein tự nhiên và bạn cũng không yêu cầu nhiều hơn thế”. Đây là năm thứ hai của vợ chồng bà trên mảnh đất mà sau nhiều năm phấn đấu mới mua được, dành cho  việc chăn thả gia súc.

Ed đã làm việc dưới lòng đất trong 10 năm tại các mỏ ở Broken Hill và làm thêm việc cày bừa đất để có thêm nguồn thu nhập phi nông nghiệp. Katie vẫn làm việc các ngày trong tuần tại khu mỏ Broken Hill, nhưng chủ yếu vẫn là nuôi dê. Họ mua dê từ những người chăn gia súc trên các vùng hẻo lánh và cẩn thận chăm sóc đến khi chúng đạt mức trọng lượng của thị trường. Sau đó, dê được gửi đến các lò mổ ở miền tây Queensland và bắc Victoria.

Dê tại các vùng hẻo lánh của Úc đã phát triển mạnh đến hơn 2 triệu con. Tổ tiên của chúng là những gia súc được kéo sau các toa xe, nhằm cung cấp thịt và sữa cho những người khai phá mở đường. Sức chịu đựng bền bỉ đã giúp chúng phát triển mạnh và lan tràn khắp nội địa khô cằn. Theo bà Davies: “Chúng gặm những chồi non và khi nguồn thức ăn đã biến mất hoặc khô cạn, chúng  ăn cả những thứ bỏ đi, là ‘máy xử lý rác thải’ của thế giới thực vật. Chúng vui vẻ ‘xơi’ mọi thứ. Cho dù là loài xâm lấn bản địa, dù có cỏ tươi mơn mởn hay không, chúng vẫn vui vẻ thưởng thức đa dạng mọi nguồn thức ăn”.

Dê, đầu ra cho ngành chăn nuôi Úc

Tuy nhiên, thói quen ăn tạp của dê lại mang tiếng là làm đất dễ bị thoái hóa. Những người nuôi dê  như Davies nhấn mạnh việc quản lý khi chăn thả đàn dê rất quan trọng, nhưng dê cũng là loài sống sót tuyệt vời. Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi dê tại Úc đã tạo ra một tên mới cho loài du cư vùng hẻo lánh này - từ lâu được xem là “hoang dã” - nay là “dê vùng chăn thả”.


Dê nuôi đang là nguồn lợi lớn ở Úc - Ảnh: ABC

Không như cừu, chúng không cần phải xén lông, cho uống thuốc hoặc chăm sóc tốn kém. Ngoài ra, trong những năm gần đây, loài dê hoang dã đã chịu đựng và sống sót qua các đợt hạn hán khiến một số chủ trại chăn gia súc phải bán tất cả cừu và gia súc của họ. Dê đã trở nên cứu tinh cho nhiều chủ đất trong vùng.

Cô Jo Gates cùng chồng là Rick đang điều hành một doanh nghiệp kinh doanh dê lớn, cũng chẳng giấu về nguồn thu nhập quan trọng có được từ dê hoang dã: “Chúng tôi sẽ không còn ở đây, nếu chúng tôi không thay đổi từ sợi len”. Khi thị trường len sụp đổ năm 1991, có rất ít nhu cầu về loại lông cừu trong vùng nội địa khắc nghiệt, trong khi dê hoang dã chỉ có giá vài đô-la một con, nhưng Gates lại có sẵn. Dần dần, doanh số tăng và lợi nhuận từ mỗi xe tải chuyển hàng đi được đầu tư vào xây dựng hàng rào bảo vệ dê và chẳng mấy chốc, dê đã hoàn toàn thay thế cừu.

Trang trại Burndoo của Gates, cũng gần Wilcannia, hiện có hàng trăm km hàng rào ấn tượng, giúp dễ dàng quản lý và kiểm soát chặt số lượng lớn dê tập trung từ khắp các vùng hẻo lánh phía nam. Các nhà sản xuất nhắm đến nhu cầu về thịt đang bùng nổ tại châu Á. Năm ngoái, Rick và Jo Gates bán đi 150.000 con, năm nay con số này có thể lên đến 180.000 con. Thị trường truyền thống là Bắc Mỹ, nơi dê là sản phẩm chủ yếu với giá cả phải chăng dành cho người dân Mỹ Latinh. Theo ông Gates:  “Đó là loại thịt được chấp nhận rộng rãi nhất thế giới, do không bị một rào cản tôn giáo nào, và tôi nghĩ đó là lý do vì sao chúng tôi có tốc độ tăng trưởng như hiện nay trong thị trường thịt dê”.

Ba năm trước, Trung Quốc và Ấn Độ đã bắt đầu mua dê chăn thả của Úc. Dòng nước nhỏ ban đầu  đang nhanh chóng trở thành một dòng thác trong thương mại. “Tôi nghĩ chúng tôi bắt đầu với 30 tấn, sau đó tăng gấp 10 lần và trong năm thứ ba chúng tôi đã bán 3.000 tấn”, ông Gates nói. Bà Davies cho rằng nhu cầu thịt đang tăng cao ở châu Á là một cơ hội tuyệt vời cho ngành công nghiệp dê: “Quy mô dân số cùng với thiếu khả năng về đất đai do dân số quá đông, sẽ cho phép chúng ta cung cấp thức ăn cho châu Á bằng nguồn protein này”.

Nhu cầu bùng nổ với bầy dê chăn thả dẫn đến một sự thay đổi đáng kể về sử dụng đất đai trong vùng khô cằn của nước Úc. Ông Gates cho rằng giữa thị trấn Wilcannia và Ivanhoe hiện vẫn còn sót lại một bầy cừu Merinos thuần chủng. Khoảng từ 10-15 năm trước, toàn bộ khu vực chỉ có cừu  Merinos cùng với một giống lai. Hiện tại trong khu vực còn rất ít nhà sản xuất len, hầu hết đều nuôi  cừu lấy thịt như cừu Dorpers hoặc đã chuyển sang nuôi dê. Bà Davies nói thêm: “Đó là một mặt hàng rất khả thi trong tương lai, là những gì mà ngân hàng và chúng tôi cùng hợp tác phát triển”.

Chuyện đang diễn ra tại công viên quốc gia Murray Sunset với 8.000 con dê từng bị xem là những con thú chỉ gây tác hại cho người và môi trường. Theo ông Brendan Rodgers, giám đốc dự án Quỹ sinh học tại Malle - một phần chương trình do liên bang tài trợ nhằm khôi phục những loài bị đe dọa ở khu vực này: “Mật độ dê trong mỗi km2 là 1,5 con. Vì vậy, chúng tôi đang trực tiếp gieo rất nhiều hạt, trồng những loài đặc biệt quanh khu vực công viên Mallee và một phần để quản lý loài súc vật ăn cỏ”. Ông cho biết các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng do ảnh hưởng của tiếng súng, loài dê không ăn cỏ trong các khu vực lộ thiên và chẳng ngạc nhiên khi dê tỏ ra rất hiếu động vào buổi sáng sớm và chiều tối. Nhóm này đã sử dụng các thông tin trên để xây dựng một chiến lược lâu dài cho việc kiểm soát động vật.

Điều này bao gồm các biện pháp kiểm soát như tiếp tục chương trình với Hiệp hội bắn súng thể thao. Đầu năm sau, nhóm có kế hoạch thực hiện một số chương trình kiểm soát bằng trực thăng và cũng có chiến lược hạn chế dê tiếp cận nguồn nước. Đã có kế hoạch xây dựng một lò mổ và chế biến thịt dê tại Mildura, nhưng ông Rodgers nói quy định hiện hành tại bang Victoria không cho phép ăn thịt động vật từ các công viên quốc gia.

Dê nay được bán với giá từ 50 và 70 đô-la một con. Ông Brian Wake từ trang trại Hamelin Station, phía nam thị trấn Denham, cho biết giá này đã tăng gấp đôi so với giá ông bán được cách đây một năm: “Năm ngoái chúng tôi bán dê với giá chỉ khoảng 18 đô-la một con, dê cái là 20 đô-la và dê đực được 30 đô-la. Chúng tôi là người chịu giá chứ không quyết định giá, nên không thể kiểm soát”. Úc đang nhận được yêu cầu về thịt dê cao nhất từ Mỹ, tiếp theo là Malaysia, Đài Loan và các thị trường nhỏ hơn từ đảo quốc Mauritius và vùng Tây Ấn.

Theo chiêm tinh học Trung Quốc, ngày 19.2.2015 sẽ khởi đầu cho năm con Dê. Dù không chắc liệu con vật này có mang nhiều ý nghĩa may mắn hay không, nhưng ông Wake vẫn cầu mong. Ông đã thấy mối quan tâm của người Trung Quốc tại địa phương trong vùng đất chăn thả dê tại Tây Úc. “Tôi đã tiếp lãnh sự Trung Quốc với đoàn tùy tùng và một đầu bếp ở đây vào năm ngoái. Họ muốn có thật nhiều dê, nhưng họ không được nói rằng sẽ trả cho chúng tôi gấp đôi. Tôi muốn gặp những người đến đây và nói 'trong 2 hoặc 3 năm tới, chúng tôi sẽ tăng gấp đôi giá trị sản phẩm của bạn’, để rồi chúng tôi có thể không cần quan tâm đến số lượng, nhưng vẫn dành được nhiều phần thưởng cho những nỗ lực của mình”.

P. Nguyễn Dũng
(tổng hợp)

>> Thời huy hoàng của dê ở Mỹ
>> Khi con dê trở thành ‘đồng tiền’ chính ở Kenya
>> Năm dê nói chuyện dê: Vang danh dê núi Ninh Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.