Quy hoạch phát triển Đà Nẵng: Nan giải bài toán quỹ đất

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
13/06/2018 10:11 GMT+7

Mổ xẻ chi tiết về thực trạng hạ tầng, các chuyên gia đầu ngành về quy hoạch đã chỉ ra một số giải pháp để có thêm quỹ đất phát triển TP.Đà Nẵng.

Lấy lại lối ra biển chỉ là... giai đoạn 1
Qua 2 lần tổ chức hội thảo về quy hoạch TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với sự tư vấn của nhóm chuyên gia đa ngành, UBND TP.Đà Nẵng đã tiếp thu nhiều ý kiến, ý tưởng giá trị để định hướng phát triển. Tiếp cận thực tế, nhóm chuyên gia đã đưa ra bản báo cáo tóm tắt, trong đó chỉ ra nhiều vấn đề hạn chế của TP trong quá trình phát triển 20 năm qua, đánh giá không gian phát triển TP có phần nghiêng về phía biển, trong khi công tác quy hoạch và triển khai thực hiện, quản lý chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hài hòa. Phạm vi phát triển đô thị hạn hẹp nhưng việc khai thác quỹ đất chưa có định hướng rõ ràng, bài bản, căn cơ nên xuất hiện trình trạng cạn kiệt nguồn đất dự trữ phát triển, đặc biệt là đất cho phát triển không gian công cộng. Một số dự án ở khu vực trung tâm TP chậm triển khai, một vài dự án chắn lối ra biển… gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và môi trường sống.
Đà Nẵng là cô gái đẹp nhưng lại bị lễ giáo phong kiến ràng buộc nhiều quá. Không cựa quậy, thò ra bên ngoài khó…
PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN

Tại hội thảo về chủ đề quy hoạch tổ chức chiều 11.6, TSKH - KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết TP.Đà Nẵng có diện tích đa số đồi núi, chỉ khoảng 35% diện tích có thể xây dựng được; với tốc độ thị hóa đứng đầu cả nước, diện tích đất không còn nhiều nên việc tăng giá trị cho những khu đất, tạo quỹ đất mới là một thử thách. Ông Sơn cho rằng, TP có những khu đất hiệu quả chưa cao nên với việc quy hoạch đang “lắng lại” là cơ may để tạo nên quỹ đất phát triển hạ tầng… Hiện khu vực tại sân bay đang bị bỏ bê, trong khi những sân bay như Đà Nẵng là vốn quý mà thế giới muốn có cũng không được. “Đô thị sân bay đang được áp dụng tại nhiều đô thị trên thế giới. Không phải TP nào cũng làm được nhưng Đà Nẵng sẽ làm được. Mô hình này không phải là nơi đi lại hàng không nữa mà là điểm đến giải trí, vui chơi và tiêu tiền của du khách”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, việc phát triển đô thị biển với việc TP đang thương lượng các nhà đầu tư để lấy lại lối ra biển chỉ mới là giai đoạn 1. “Giai đoạn 2 và 3 phải phát triển những khu dịch vụ thương mại, những tuyến đường mở ra biển. Mô hình này giúp tạo ra quỹ đất, kết nối ra biển. TP còn rất nhiều quỹ đất nếu nhìn ở tư duy khác”, ông Sơn nhận định.
“Cô gái đẹp bị ràng buộc”
Ở góc độ phát triển kinh tế, TS.Huỳnh Thế Du, Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nhận xét Đà Nẵng từng nhận được nhiều ưu ái từ T.Ư nhưng lại đang tụt hậu một cách tương đối so với các địa phương. Dẫn chứng việc dân số tăng nhanh nhưng tỉ lệ việc làm trong doanh nghiệp chỉ ở trung bình, mức tăng thu chi ngân sách vào nhóm thấp, thu nhập của doanh nghiệp và cá nhân hạn chế…, ông Du cho rằng TP cần có cách tiếp cận mới để khắc phục.
Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cũng kỳ vọng TP.Đà Nẵng đóng vai trò đầu tàu trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và tốc độ tăng trưởng kinh tế phải cao hơn so với các tỉnh khác tại miền Trung. Theo ông Thanh, Đà Nẵng hoàn toàn có đủ điều kiện để thành một trung tâm đào tạo quốc tế với bối cảnh TP có vùng phụ cận môi trường tốt. “Đại học quốc tế có thể mở chi nhánh tại Đà Nẵng và học sinh trong khối ASEAN về đây học tập”, ông Thanh nói.
PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, đánh giá phát triển của Đà Nẵng trong 15 năm qua thuộc hàng nhất nước là đều nhờ khu vực tư nhân. Tuy nhiên, các chỉ số cạnh tranh tốt nhưng dự án FDI không “vào” là điều cần phải suy nghĩ. “Chúng ta phải đặt mục tiêu kéo được FDI lớn vào thì vấn đề tốc độ phát triển của TP sẽ được giải quyết. TP chỉ 1 triệu dân thì còn nhỏ, khả năng bay cao khó lắm. Đà Nẵng là cô gái đẹp nhưng lại bị lễ giáo phong kiến ràng buộc nhiều quá. Không cựa quậy, thò ra bên ngoài khó. Cái cần gỡ cho Đà Nẵng là gỡ sự ràng buộc, xác định tầm nhìn”, ông Thiên nhấn mạnh.
Các nhà nghiên cứu nói gì về quy hoạch Sơn Trà?
Đề cập quy hoạch bán đảo Sơn Trà, TSKH – KTS Ngô Viết Nam Sơn không đồng ý với những nhà đầu tư muốn có nhiều phòng ở Sơn Trà. “Tôi sống và làm việc sống ở những đô thị nổi tiếng về du lịch như Montreal, Paris… với những khu vực có nhiều giá trị về thiên nhiên như Sơn Trà, người ta không khuyến khích về chỗ ở mà khuyến khích khách ở chỗ khác và dùng xe đến thăm. Như vậy, chúng ta sẽ bảo vệ được Sơn Trà và không đặt Sơn Trà phát triển ở cao độ 200 m. Khoảng 100 m là vừa và số phòng vừa phải”, ông Sơn nói.
KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị VN, đặt câu hỏi: Tại sao không làm TP trên cao tại Sơn Trà trong khi các TP khác, như Vancouver, vẫn làm TP trên cao, từ 70-80 m trở xuống. “Để trên cao có một TP nhìn xuống Đà Nẵng là vô cùng đẹp. Khu vực này có thể xây dựng không ảnh hưởng vườn quốc gia. Nhưng báo chí nói nhiều nên mất đi cơ hội để đầu tư một đô thị trên cao đẹp hơn và đặc sắc hơn”, ông Chính nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.