Những phát hiện khảo cổ 2012 - Tái hiện lăng vua Trần

12/11/2012 03:45 GMT+7

Những dấu tích kiến trúc lăng Trần Nghệ Tông, Trần Dụ Tông được đào và nghiên cứu trong năm qua cho thấy rõ hơn về khu lăng mộ các vua Trần tại Đông Triều, Quảng Ninh.

Đông Triều được chính sử ghi là quê hương gốc của nhà Trần. Sau đó, nhà Trần chuyển về Nam Định rồi phát tích đế vương ở đó. Chính vì thế, Đông Triều gắn bó mật thiết với lịch sử, văn hóa nhà Trần. “Không chỉ là quê gốc, Đông Triều còn là trung tâm văn hóa tâm linh tiêu biểu, nơi có nhiều địa thế đẹp, được nhà Trần chọn làm nơi xây dựng lăng mộ của 8 vị hoàng đế”, TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh thành cho biết.

“Hai trong 8 lăng mộ ở Đông Triều đã được khai quật và báo cáo tại hội nghị Thông báo khảo cổ học mới đây cho thấy rõ hơn vị trí của khu văn hóa tâm linh này. Nó còn hé mở khả năng tái hiện lại khu lăng mộ đó”, TS Trí nói. Hai khu lăng đó là Phụ Sơn lăng của vua Trần Dụ Tông, vị vua đời thứ 7 nhà Trần và Nguyên lăng của vua Trần Nghệ Tông, vị vua đời thứ 8 nhà Trần. 


Khai quật ở Nguyên lăng - Ảnh: Trinh Nguyễn chụp lại từ tư liệu

Phụ Sơn lăng rộng lớn

Như nhiều lăng tẩm khác, trải qua thời gian và biến cố lịch sử, Phụ Sơn lăng nay chỉ còn là phế tích. Tuy thế, cuộc khai quật năm qua cho thấy đây là khu lăng mộ có quy mô khá lớn, diện tích rộng hơn 3.000 m2 với nhiều công trình kiến trúc bằng gỗ, mái lợp ngói mũi sen.

Các nhà khảo cổ đã xác định được bó nền phía nam, giả định các móng trụ tương ứng. Qua đó, xác định được một kiến trúc hình chữ nhật chạy dài kết cấu nhiều gian, nhiều hàng cột, mỗi hàng hai cột, khoảng cách bước gian đầu hồi hơn 2 m, khoảng cách giữa các cột hơn 3 m. Bên cạnh đó, nền lát cuội lại chưa rõ chức năng vì có cao độ thấp hơn mặt sân trung bình 10-15 cm. Độ chênh như vậy cho thấy đây không phải là sân hành lễ bởi sân hành lễ thường thấp hơn nhiều.

Các nhà nghiên cứu còn tìm thấy dấu vết tường bao là manh mối quan trọng xác định ranh giới khu lăng tẩm. Cộng với tư liệu trong sách Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ, các nhà khoa học có cơ hội tìm hiểu đầy đủ hơn về cấu trúc tường, cổng nam của lăng, cũng như tổng thể các vòng tường bao quanh lăng. 

Nguyên lăng nhỏ nhất

Là người có công lấy lại ngôi báu từ tay của Dương Nhật Lễ nhưng với tính cách nhu nhược, thiếu bản lĩnh, vua Trần Nghệ Tông đã để quyền lực dần rơi vào tay Hồ Quý Ly. Ông để biên cương bị Chiêm Thành quấy phá, kinh đô Thăng Long nhiều lần rơi vào tay giặc. Trần Nghệ Tông cùng với vua em là Trần Dụ Tông trước đó làm cho triều đại nhà Trần suy vong.

Kết quả nghiên cứu cho thấy Nguyên lăng là khu lăng có quy mô nhỏ, cấu trúc đơn giản nhất trong số các lăng mộ của nhà Trần ở Đông Triều. Lăng chỉ có tẩm điện chính với mặt bằng hình vuông, mái lợp ngói mũi sen, các di vật xuất hiện trên bề mặt không nhiều như ở các di tích lăng tẩm nhà Trần khác. Diện phân bố của di vật tương đối hẹp, chỉ tập trung ở khu vực giữa nơi còn lại đế bia được dựng vào thời Nguyễn.

Khu trung tâm của lăng đã bị đào phá gần hết. Theo người dân địa phương, lăng bị những người săn tìm của cải đào phá vào những năm 80 của thế kỷ 20, làm bật lên nhiều “vôi vữa”, than tro và gỗ, trong đó các súc gỗ lớn dài từ 3-5 m giống như những súc gỗ đã tìm thấy ở mộ Nghĩa Hưng (Đông Triều). Để xác thực điều này, các nhà khảo cổ đã tiến hành cắt một phần tư hố đào trộm để nghiên cứu. Do cấu trúc đất nguyên bản và đất lấp mộ có kết cấu khác nhau nên kẻ đào trộm đã vô tình dừng lại ở đúng biên của huyệt mộ. Từ hố thăm dò này, các nhà khảo cổ tìm thấy đường dẫn vào huyệt mộ ở vách phía nam. Dấu vết huyệt mộ hé mở suy đoán về việc có thể có một con đường dẫn vào huyệt đạo từ phía nam. Cách thức xử lý huyệt mộ rất giống với một ngôi mộ đời Trần cách đó không xa.

“Các dấu vết tìm được là những dấu tích kiến trúc được xây dựng dưới thời Trần”, thạc sĩ Văn Anh, người phụ trách khai quật ở đây cho biết, ngoại trừ tấm bia dựng vào thời Nguyễn. Dù vậy, văn bia cho thấy các triều đại phong kiến vẫn thường xuyên chăm lo bảo vệ, thờ cúng bằng việc cấp đất và miễn phu dịch để địa phương có điều kiện gác lăng”. 

Phục hồi

Việc nghiên cứu toàn diện Phụ Sơn lăng và Nguyên lăng là động thái đáng hoan nghênh nếu muốn phục hồi hai di tích này. Tại khu di tích hiện còn có các tượng quan hầu, nhiều tượng động vật và các đế bia tạo hình con rùa lớn bằng đá. Bằng chứng này cho thấy dọc đường Thần đạo của khu lăng xưa vốn có tượng thú và tượng quan hầu đứng chầu cùng những tấm bia đá rất lớn. “Tuy nhiên, năm 2006, do việc xây dựng không dựa trên cơ sở nghiên cứu các nguồn sử liệu, đặc biệt là không nghiên cứu khảo cổ học nên đã xây dựng khu lăng không đúng với diện mạo, quy mô và cấu trúc lăng mộ của thời nhà Trần”, TS Trí cho biết

Chính vì thế, với Phụ Sơn lăng và Nguyên lăng các nhà khảo cổ có kiến nghị rõ về quy hoạch kết nối hai lăng trên với tổng thể các di tích nhà Trần. “Cần tính đến phương án kết nối trực tiếp Phụ Sơn lăng với lăng Tư Phúc và đền An Sinh. Cũng cần xem xét và có ý kiến để bảo đảm rằng, việc xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Hạ Long không xâm phạm vào phạm vi di tích”, thạc sĩ Văn Anh cho biết.

Các nhà khảo cổ còn đề nghị dựa trên kết quả nghiên cứu, so sánh với lăng mộ khác để trùng tu Nguyên lăng, bởi di tích đã bị hủy hoại nghiêm trọng và bản thân di tích gốc cũng đơn giản hơn nhiều so với các lăng mộ nhà Trần khác.

Trinh Nguyễn

>> Những phát hiện khảo cổ 2012: Tìm thấy tấm bia cổ nhất Việt Nam ?
>> Những phát hiện khảo cổ 2012: Đài thiên văn cổ
>> Những phát hiện khảo cổ 2012 - Bài 3: “Thực đơn ốc” của người cổ Tràng An 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.