Phim nhà nước phải học tư nhân

27/11/2012 03:10 GMT+7

“Phim nhà nước đang giậm chân tại chỗ” - đạo diễn Lê Hoàng gay gắt trong hội thảo Điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới - hoạt động nằm trong LHP quốc tế Hà Nội, diễn ra vào chiều 26.11.

Tại hội thảo, các nhà làm phim trong nước và quốc tế cùng nhìn nhận lại thực trạng nền điện ảnh Việt Nam từ thời kỳ đầu đổi mới tới nay và chia sẻ kinh nghiệm từ một số nền điện ảnh châu Á.

Điện ảnh Việt Nam đã có nhiều biến đổi kể từ khi xã hội hóa. Nhưng một vấn đề của nền điện ảnh trong nước là phim tư nhân - phải tự lo kinh phí có thể hút khách, còn phim nhà nước - được đầu tư kinh phí thì ế ẩm. Đạo diễn Lê Hoàng không ngại nhắc nhở các hãng phim nhà nước: “Hãy nhìn sự phát triển, đổi mới của những hãng phim tư nhân”. Không hiểu thông tư “đấu thầu” các tác phẩm được nhà nước hỗ trợ kinh phí được ban hành tới đây có giúp giải quyết được căn bệnh trầm kha của điện ảnh Việt? Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, nhà nước hoàn toàn có thể mua phim hay trợ giá cho các hãng phim tư nhân để sản xuất những bộ phim về đề tài chính trị hay xã hội.

Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn lại cho rằng, vấn đề không phải ở chỗ phim nhà nước hay tư nhân, mà điều quan trọng nhà làm phim phải là người sáng tác độc lập. Kinh phí thấp sẽ là thách thức buộc nhà làm phim có ý tưởng sáng tạo, độc đáo. “Chúng ta nên nhìn nhận một cách “khắc nghiệt” hơn” - ông nói. TS Aruna Vasudev - Chủ tịch Mạng lưới phát triển châu Á vẫn nhớ những bộ phim Việt Nam thế kỷ trước như Cánh đồng hoang, Bao giờ cho đến tháng 10. Đó là những bộ phim thực hiện trong thời kỳ gian khó, với nguồn kinh phí ít ỏi. Vậy mà Bao giờ cho đến tháng 10 vẫn được bình chọn là bộ phim xuất sắc của châu Á, Cánh đồng hoang vẫn làm lay động khán giả thế giới. Là bởi, tác phẩm giàu giá trị nhân văn. Đây cũng là điều chưa được chú trọng trong nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam hiện nay.

Không trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước

Trong cuộc gặp mặt giữa các đoàn làm phim quốc tế với báo giới sáng cùng ngày, đạo diễn Je-kyu Kang của bộ phim My way (trình chiếu tại LHP quốc tế Hà Nội) cho biết, kinh phí thực hiện bộ phim lên tới 30 triệu USD. Mặc dù là bộ phim chiến tranh nhưng My way không trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước Hàn Quốc.

Nguồn kinh phí được huy động từ quỹ điện ảnh do nhiều tổ chức tư nhân hỗ trợ. My way còn được coi là bộ phim “liên hợp quốc” bởi có sự tham gia đông đảo của dàn diễn viên quốc tế và được quay tại nhiều nước trên thế giới.

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.