Những gia đình thể thao nổi tiếng: Ba anh em trong đội 'vua trụ hạng'

28/03/2015 06:16 GMT+7

Dương Quang Hổ gắn bó trọn cuộc đời mình với bóng đá, trở thành một chân sút có hạng của bóng đá miền Trung và đội tuyển quốc gia, sau đó tiếp tục với sự nghiệp cầm quân nhiều lứa tuổi với nhiều thăng trầm. Gia đình anh còn có hai anh em cùng tham gia đội tuyển tỉnh Phú Khánh (cũ).

Dương Quang Hổ gắn bó trọn cuộc đời mình với bóng đá, trở thành một chân sút có hạng của bóng đá miền Trung và đội tuyển quốc gia, sau đó tiếp tục với sự nghiệp cầm quân nhiều lứa tuổi với nhiều thăng trầm. Gia đình anh còn có hai anh em cùng tham gia đội tuyển tỉnh Phú Khánh (cũ).

 
 

 Ba anh em cùng đội bóng: Quang Đấu và Quang Long (thứ 7 và 9 hàng đứng, từ trái sang), Quang Hổ (thứ 2 hàng ngồi, từ trái sang) - Ảnh: NVCC
Ba anh em cùng đội bóng: Quang Đấu và Quang Long (thứ 7 và 9 hàng đứng, từ trái sang), Quang Hổ
(thứ 2 hàng ngồi, từ trái sang) - Ảnh: NVCC

 
 
Góp phần tạo danh xưng vua trụ hang
 
 
Dương Quang Đấu (1957) vốn không được đào tạo bài bản để trở thành cầu thủ bóng đá. Anh vốn học nghề thợ vàng của gia đình để mong kiếm một công việc sinh sống. Nhưng với thể hình cao to, khỏe mạnh, thời gian rảnh đi đá bóng, lại đá rất có nét nên anh “bén” luôn và sau này trở thành trung vệ đội trưởng đội tuyển tỉnh. Cả nhà anh Đấu đều ham mê bóng đá, hai em ruột là Dương Quang Hổ (1959) trở thành là tuyển thủ quốc gia và Dương Quang Long (1961) đá hậu vệ trái cho đội tuyển Phú Khánh.
 
 
Trong ba anh em, Quang Hổ chơi tiền vệ trái là người có kỹ thuật tốt nhất nên sớm cùng anh mình được triệu tập đá cho đội tuyển tỉnh Phú Khánh từ năm 1977; sau đó 2 năm, đến lượt em út Quang Long cũng góp mặt bên hành lang trái vừa hỗ trợ anh mình vừa chơi rất xông xáo, hiệu quả. Cả ba đã góp phần đưa đội Phú Khánh vượt qua vòng tuyển chọn toàn quốc để được quyền thi đấu giải vô địch quốc gia (VĐQG) đầu tiên trong cả nước năm 1980.
 
 
Tài năng 3 anh em họ Dương nhanh chóng được khán giả cả nước biết đến, đặc biệt Dương Quang Hổ với số áo 14, biệt danh là Chà (tên gọi lúc nhỏ của Hổ vì da đen “như Chà Và”) rất có duyên ghi bàn, nên nhanh chóng nổi bật và trở thành cầu thủ chạy cánh trái vào loại hay của bóng đá VN bấy giờ, được báo chí ví như người kế tục của Thế Anh của CLB Quân đội hay Lê Văn Đặng của Công an Hà Nội. Tuy nhiên do bản tính khiêm tốn, ít nói, bao giờ Hổ cũng lẫn tránh mọi lời khen chê. Anh cùng với 2 người anh em của mình chỉ biết âm thầm tập luyện và cống hiến, xem những tràng pháo tay tán thưởng của người xem như một sự động viên khích lệ và niềm vui để nỗ lực hơn trên sân cỏ.
 
 
Ngoài việc Dương Quang Hổ thường được gọi vào tuyển QG, thành tích lớn nhất mà 3 anh em nhà họ Dương đóng góp cho tuyển Phú Khánh chính là giúp cho đội này xứng danh vua trụ hạng khi góp phần đưa bóng đá tỉnh này luôn vượt qua các vòng chung kết ngược một cách thần kỳ. Như năm 1984 đã vượt qua Dệt Nam Định và An Giang hay 1985 đẩy TC Đường sắt xuống hạng.
 
 
Thăng trầm cuộc đời
 
 
Đến năm 1986, Quang Đấu nghỉ thi đấu để tham gia ban huấn luyện đội bóng tỉnh, chiếc băng đội trưởng được chuyển giao cho Quang Hổ. Với sự dẫn dắt của anh, Phú Khánh đã giành hạng tư giải VĐQG năm 1987 sau khi thắng Hải quan ở tứ kết, thua CLB Quân đội ở bán kết và thua An Giang ở trận tranh hạng ba. Năm 1989, sau khi Phú Khánh chia tỉnh thì gần như toàn bộ đội trẻ vô địch Hội khỏe Phù Đổng năm 1987 thay thế lớp cầu thủ cũ nên Dương Quang Long cũng nghỉ. Chỉ có Dương Quang Hổ do khả năng thi đấu còn tốt nên được yêu cầu ở lại để dìu dắt lứa đàn em cho đến hết năm 1991 mới chính thức nghỉ thi đấu khi đã ở tuổi 34.
 
 
Sau khi đi học một thời gian, ông Hổ bắt đầu làm công tác huấn luyện, năm 1995 dẫn dắt đội nhi đồng của tỉnh giành chức á quân toàn quốc, 1996 làm HLV phó cho HLV Vũ Văn Tư ở đội tỉnh. Tháng 8.1997, do có những biểu hiện tiêu cực của một số cầu thủ nòng cốt ở giải VĐQG, Sở TDTT Khánh Hòa đình chỉ thi đấu một số VĐV và quyết định ông Hổ thay thế ông Tư làm công tác huấn luyện đội bóng cho đến năm 2000 khi HLV Alfred Riedl về thay.
 
 
Năm 2001 và 2002 là hai năm đen tối của đội Khánh Hòa khi từ hạng đội mạnh quốc gia xuống hạng nhất rồi hạng nhì, tưởng đi đến xóa sổ. Khi đó, Dương Quang Hổ đang làm HLV đội U.18 Khánh Hòa và phát hiện khả năng của Lê Tấn Tài nên triệu tập lên đội U.18 của tỉnh. Chỉ một năm sau, Tài được đôn lên đội 1, thi đấu tỏa sáng trong hai mùa 2004 và 2005 (lúc này Dương Quang Hổ đã trở lại huấn luyện đội tuyển Khánh Hòa). Rồi từ đó Khánh Hòa thăng hạng hai mùa liên tiếp, trở lại thi đấu ở V-League suốt 6 năm tiếp theo. Tuy nhiên sự nghiệp cầm quân của ông Hổ lại trầy trật khi với bản tính hiền lành, ít va chạm, chưa thể hiện mạnh mẽ cá tính nên ông không thể kéo dài con đường huấn luyện đỉnh cao của mình.
 
 
Nhựt Quang
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.