Những gia đình thể thao nổi tiếng: Cha bóng chuyền, 3 con bóng đá

25/03/2015 06:17 GMT+7

Hiếm có gia đình nào mà người cha sinh ra chỉ để chơi bóng chuyền, còn 3 đứa con trai thì lại là những cầu thủ không thể thiếu của các đội bóng đá. Đó chính là gia đình nhà thể thao họ Quản.

Hiếm có gia đình nào mà người cha sinh ra chỉ để chơi bóng chuyền, còn 3 đứa con trai thì lại là những cầu thủ không thể thiếu của các đội bóng đá. Đó chính là gia đình nhà thể thao họ Quản.

Những gia đình thể thao nổi tiếng: Cha bóng chuyền, 3 con bóng đá
Quản Quốc Hương và Quản Trọng Bắc - Ảnh: nhân vật cung cấp

Ông Quản Trọng Hải là dân Hà Nội gốc, thuở trai trẻ ông là tay mê thể thao và biết chơi nhiều môn, tuy nhiên năng khiếu bóng chuyền bộc lộ rõ nhất. Ngay sau khi hòa bình được lập lại, ngành TDTT bắt đầu hoạt động, các đội bóng ở thủ đô đã hình thành và rất được ưu ái, nhất là ở 2 môn bóng đá và bóng chuyền. Đội bóng chuyền nam Điện lực Hà Nội có cầu thủ Quản Trọng Hải và chỉ ít năm sau, ông được trung ương điều về tập trung làm nhiệm vụ quốc tế ở giải Việt - Trung - Triều - Mông, là người cầm lá cờ đỏ sao vàng khi diễu hành tại lễ khai mạc giải.

Quản Trọng Hải tuy chỉ cao 1 m 70 - thuộc diện hơi lùn so với mặt bằng bóng chuyền VN hồi bấy giờ, nhưng bù lại ông có sức mạnh và kỹ thuật đánh bóng hết sức ghê gớm: bật cao, tầm bóng rất tốt và truyền lực từ bả vai qua cánh tay rồi lên cổ tay để vít trái bóng cắm xuống sân đối phương. Thế nên chỉ sau một thời gian, ông được tặng danh hiệu Hải “quắp”.

Hải “quắp” đầu quân về Trường Huấn luyện TDTT trung ương từ năm 1960 và đóng tại Nhổn. Đầu năm 1962, ông đi Campuchia thi đấu đợt đầu tiên. Trước ngày lên đường, thượng tướng Hoàng Văn Thái đã trực tiếp xem đội bóng chuyền nam đấu tập và ông đã tỏ ra ngạc nhiên khi thấy sức tấn công của cầu thủ thấp nhỏ này, sau đó ông bước ra sân bắt tay Hải “quắp” và ân cần động viên toàn đội.


Ông Quản Trọng Hùng (trái) trong trận Thể Công gặp Công an Hà Nội năm 1971 và 20 năm sau vẫn còn thi đấu (1991) - Ảnh: Ngọc Thắng

Tại Đại hội TDTT các nước mới trỗi dậy (Ganefo) năm 1963, tổ chức tại Jakarta, thủ đô Indonesia, đội tuyển nam VNDCCH xuất trận với đội hình chính thức gồm có Tín, Uyển, Phụng, Giang, Hải, Thưởng, trong đó chuyền hai Đào Hữu Uyển thường kiến tạo bóng cho Hải “quắp” lên lưới. Dáng nhanh nhẹn và kỹ thuật chơi bóng của cầu thủ thấp nhất đội VN được bạn bè khâm phục, nhất là khi thắng chủ nhà 3-0 ngay trên sân khách. Trận thắng ấy trở thành một tiếng kèn trên quê hương vạn đảo, là niềm vinh dự cho bóng chuyền VN đến tận ngày nay.

Năm 1967, ông được bổ nhiệm là HLV phó đội tuyển nữ đi tập huấn và thi đấu tại Thượng Hải, Trung Quốc, bên cạnh HLV trưởng Lý Đức Kim. Về nước, Hải “quắp” tiếp tục là HLV bóng chuyền tại Trường Huấn luyện TDTT trung ương cho đến ngày trường giải thể, ông về công tác tại cơ quan cũ là ngành bưu điện, tham gia nhiều hoạt động, vừa thi đấu lại vừa là trọng tài bóng chuyền hạng A miền Bắc.

Con trai đầu của Hải “quắp” là Quản Trọng Hùng, trung vệ nổi tiếng của Thể Công và của đội tuyển VN, một mẫu trung vệ thòng tiêu biểu. Quản Trọng Hùng từng in dấu giày trên nhiều quốc gia, tham dự hàng trăm trận trên sân bãi cả trong, ngoài nước và luôn xứng danh là trung vệ thép của bóng đá VN. Năm 35 tuổi Quản Trọng Hùng vẫn được triệu tập lên tuyển tham dự SEA Games 1991. Con trai thứ hai của Hải “quắp” là Quản Trọng Bắc, tiền vệ tấn công của đội Phòng không - Không quân.

Bắc dáng cao dong dỏng, không điệu nghệ như em trai và cũng chẳng quyết liệt được như anh của mình. Anh được xem là cầu thủ có lối chơi ổn định, đều đặn và luôn tròn vai. Khác anh trai ở chỗ, lối chơi của Bắc ít bị chấn thương, vì thế anh có “tuổi thọ” cầu thủ tương đối dài. Con trai út của Hải “quắp” là Quản Quốc Hương, tiền vệ xuất sắc của đội bóng Công an Hà Nội - đối thủ một thời của Thể Công. Quản Quốc Hương mang nét trắng trẻo và có lối chơi thông minh, khôn ngoan, lại sắc sảo trong những pha ghi bàn điệu nghệ nên danh nổi như cồn.

Các thành viên gia đình họ Quản đều có những nét riêng khó lẫn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong sắc áo của các đội bóng thuộc lực lượng vũ trang và cho tới nay, họ luôn là tấm gương cho các cầu thủ trẻ...

Amalâm

>> Những gia đình thể thao nổi tiếng: Ba cha con ở hàng phòng ngự
>> Những gia đình thể thao nổi tiếng: Từ đường đua xanh đến trái banh nỉ
>> Những gia đình thể thao nổi tiếng: Hai mẹ con, hai người đẹp thể thao
>> Những gia đình thể thao nổi tiếng: Vào top 48 Olympic từ bàn bóng gia đình
>> Những gia đình thể thao nổi tiếng: Nhà của những người vô địch
>> Những gia đình thể thao nổi tiếng: Lừng lẫy với 7 thủ môn ĐTQG

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.