Miura và cách dụng nhân

21/03/2015 08:02 GMT+7

(TNO) Đội tuyển U.23 Việt Nam ngày 22.3 chơi trận giao hữu cuối cùng trên đất Thái trước khi dự vòng loại U.23 châu Á mà không ai biết rõ ông Miura sẽ chơi theo kiểu gì...

(TNO) Đội tuyển U.23 Việt Nam ngày 22.3 chơi trận giao hữu cuối cùng trên đất Thái trước khi dự vòng loại U.23 châu Á mà không ai biết rõ ông Miura sẽ chơi theo kiểu gì...

>> HLV Miura sẽ tận dụng Thái Lan để tiếp tục thử nghiệm
>> Thắng nhẹ Myanmar, U.23 Thái Lan chờ nghênh chiến thầy trò Miura
>> Từ Calisto, Goetz đến... Miura
>> Giáo án tập luyện của HLV Miura coi vậy vẫn còn nhẹ
>> Vì đâu tâm trạng ông Miura rối bời?
>> HLV Miura loại 5 cầu thủ U.23 Việt Nam bị chấn thương
>> HLV Miura hoãn ngày chốt danh sách U.23 Việt Nam

 
Nụ cười rạng rỡ của HLV Toshiya Miura trước lúc cùng tuyển U.23 Việt Nam đến Thái Lan - Ảnh: Khánh Châu

Các đội tuyển Việt Nam dưới thời Miura đều có đặc điểm của một đội hình mở, khác hẳn với những thời tiền nhiệm luôn có sẵn một bộ khung làm nền cho lối chơi mặc định sẵn.

Ông Miura thông thường chỉ lên đội hình trước trận đấu vài giờ và không một ai biết chắc mình có ra sân hay không. Bốn trận giao hữu trong nước, chưa bao giờ ông thầy người Nhật sử dụng một đội hình khung và đều này đòi hỏi các cầu thủ phải luôn ở tư thế sẵn sàng cạnh tranh một cách lành mạnh từ trên sân tập lẫn chớp cơ hội trong mỗi lần đá chính.

Triết lý bóng đá cơ bản của ông Miura là cầu thủ chỉ cần chơi bóng đơn giản, ít chạm và tìm cách tiếp cận cầu môn đối phương càng nhanh càng tốt. Thế nên dễ thấy những cầu thủ của “lò” HAGL Arsenal JMG không hẳn có lối chơi yêu thích của thầy Miura, dù ông không thể phủ nhận sự gắn kết hơn của họ sau thời gian hơn 7 năm chơi chung với nhau.

Ví như thói quen hay giữ bóng đột phá của Công Phượng đã được ông Miura điều chỉnh nhiều, vì cái ông muốn là tính hiệu quả từ mỗi pha bóng tấn công chứ không bắt buộc phải gây đẹp mắt. Hoặc nếu cần phải chơi phòng ngự thật chặt chẽ để không thua, ông Miura không cần đến sự lắt léo mà thiếu sức mạnh của Tuấn Anh ở tuyến giữa và tập trung nhiều hơn trung vệ nhằm ngăn bóng từ khu trung tuyến.

Trong nhiều buổi đấu tập nội bộ hoặc thi đấu giao hữu, HLV Miura thích cầu thủ có cách chơi đa năng và thích nghi nhanh với mọi ý đồ chiến thuật của ông. Đấy cũng là lý do ông thầy người Nhật luôn xào xáo đội hình và thử nghiệm các cầu thủ đá “trái cựa” so với thói quen ở CLB của mình để tìm ra khả năng tối ưu nhất lẫn hoán chuyển vị trí có thể gây bất ngờ cho đối phương.

 
Cái hay của HLV Miura còn nằm ở chỗ ông luôn lấy bản thân thực nghiệm những bài tập do chính ông đưa ra - Ảnh: Trí Thiện 

Nếu như các đời tiền nhiệm Miura hay chọn giải pháp an toàn dựa vào khả năng của cầu thủ rồi giao việc và “đóng đinh” họ phải bộc lộ hết mình cả trong các trận đấu tập thì ông Miura lại chọn lối đánh lẫn con người khác nhau cho từng đối thủ.

Cách dụng nhân của HLV Miura từng gặt hái nhiều ưu thế trước các đối thủ mạnh hơn vì không thể bắt bài ông thầy Nhật. Chẳng hạn, ở đấu trường ASIAD 17, ông từng sử dụng cặp tiền đạo cao to Ngọc Thắng - Hồng Quân của đội Olympic Việt Nam nhằm tì đè lấn lướt hàng thủ Olympic Iran nhưng vũ khí sát thương lại nằm ở hai biên của Huy Toàn - Phi Sơn.

Hay như tại AFF Cup 2014, ông Miura luôn cho Văn Quyết giàu kỹ thuật đá cắm để quấy rối hàng phòng ngự đối phương rồi đặt Công vinh đá dạt biên để tận dụng những pha đi bóng chéo và dứt điểm…

Cho nên việc nhiều cầu thủ lên tuyển dưới thời thầy Nhật có khi chơi ở nhiều vị trí lạ mắt. Tuy nhiên, cái chính là ông Miura nhìn ra năng lực tiềm ẩn và muốn rèn luyện họ như một thứ vũ khí bí ẩn đánh bại đối phương.

Đội tuyển trẻ U.23 Việt Nam có thể còn nhiều khiếm khuyết và mệt mỏi vì vấn nạn chấn thương nhưng vẫn hy vọng các cầu thủ sẽ gây nên cơn địa chấn ở vòng loại U.23 châu Á từ cách dụng nhân của thầy Miura.

Thiên Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.