Những tượng đài đã mất: Ngọn cờ đầu của bóng chuyền Việt Nam

09/02/2015 07:25 GMT+7

Đội bóng chuyền Seaprodex được thành lập năm 1989 và đoạt chức vô địch quốc gia ngay trong năm này.

Đội bóng chuyền Seaprodex được thành lập năm 1989 và đoạt chức vô địch quốc gia ngay trong năm này.

 
 
 Đội bóng chuyền Seaprodex, niềm tự hào một thời của người hâm mộ bóng chuyền cả nước - Ảnh: Tư liệu
Đội bóng chuyền Seaprodex, niềm tự hào một thời của người hâm mộ bóng chuyền cả nước - Ảnh: Tư liệu
 
 
HLV Phan Phước Điền cùng dàn VĐV từ lứa năng khiếu của TP.HCM không chỉ bảo vệ được ngôi vị này cho đến năm 1994 mà còn góp công lớn để đưa lối đánh hiện đại và hiệu quả đến với nhiều đội bóng trong cả nước.
 
 
Kỷ lục giành ngôi số 1
 
 
Sau khi đoạt chức vô địch hạng B toàn quốc năm 1988, các VĐV tốt nghiệp khóa 1 năng khiếu tập trung của Trường Năng khiếu nghiệp vụ thể thao TP.HCM gồm Châu Văn Lễ, Nguyễn Văn Hòa, Lê Hồng Hảo, Lê Văn Oanh, Nguyễn Văn Hùng, Lại Minh Thông... được Tổng công ty xuất nhập khẩu thủy sản VN (Seaprodex) nhận về thi đấu từ đầu năm 1989, trực tiếp quản lý đội là Xí nghiệp vật tư thủy sản.
 
 
Được cơ quan lo đầy đủ chế độ cao hơn hẳn các đội khác, anh em yên tâm tập luyện nên ngay trong năm đó, đội Seaprodex đoạt tiếp chức vô địch hạng A2 toàn quốc và gây ngạc nhiên lớn cho cả làng bóng chuyền quốc gia khi cuối năm 1989 lên ngôi vô địch hạng A1 (giải đấu cao nhất quốc gia lúc đó). Ngôi số 1 toàn quốc này không phải chỉ đến với Seaprodex một lần mà còn tiếp tục được các VĐV trẻ măng cả tuổi đời và tuổi nghề bảo vệ thành công bằng các chiến thắng thuyết phục liên tiếp cho đến hết năm 1994, giành thắng lợi hầu hết các giải đấu trong nước và cung cấp nhiều VĐV giỏi cho đội tuyển quốc gia. Đây là một kỷ lục khó đội bóng nào vượt qua được!
 
 
Seaprodex không chỉ giành thắng lợi cho riêng mình mà còn gây cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều đội bóng, đặc biệt là các đội bóng phía nam như Dệt Thành Công, Công an TP.HCM, Vĩnh Long cùng lần lượt giữ vững ngôi đầu quốc gia trong gần suốt thập niên 1990, trước đó các đội phía bắc gần như thống lĩnh làng bóng chuyền trong nước.
 
 
Thầy giỏi, trò hay
 
 
Lý giải cho bước ngoặt chiến thắng 26 năm trước, hầu hết VĐV đều cho rằng “yếu tố trẻ khỏe và được huấn luyện cơ bản tốt cùng với dấu ấn của HLV Phan Phước Điền giúp cả đội chơi thăng hoa. Bên cạnh đó, nhiều vị trí trong đội hình chính có khả năng toàn diện và có nét độc đáo riêng nên tạo được bất ngờ và sáng tạo trong lối chơi. Chẳng hạn như đội trưởng Châu Văn Lễ đánh tay trái có những cú dứt điểm rất lạ khiến đối thủ không thể bắt bài hay Lê Hồng Hảo có những quả đập sấm sét cắm xuống sàn đấu ngay vạch 3 m. Mũi đánh nhanh Lê Văn Oanh di chuyển linh hoạt, chạy hút chắn tốt, chuyền hai Văn Hòa luôn có những đường chuyền rất đúng tầm cho các chủ công trên ra tay ghi nhiều điểm... Có nhiều năm ăn tập chung với nhau trong trường nên cả đội thi đấu rất ăn ý, thắng được đội mạnh CLB Quân đội thời đó cũng do có chiến thuật thi đấu đa dạng và khéo léo.
 
 
Thành công của Seaprodex không tách rời công sức của HLV Phan Phước Điền. Rất chịu khó cầu tiến nên sau khi dẫn dắt đội tuyển quốc gia thi đấu ASIAD tại Bắc Kinh năm 1990 và học hỏi ở Nhật Bản về, ông là người đầu tiên mạnh dạn cho đội Seaprodex tập và áp dụng thành công chiến thuật 5:1 theo hướng chuyên môn hóa từng vị trí trên sân tại VN. Rất tiếc, “công chưa thành, danh chưa toại”, đầu năm 1994, sau cơn bệnh nặng HLV tài năng này đã ra đi mãi mãi trong niềm thương tiếc và kính phục của giới chuyên môn và học trò.
 
 
Tan rã vì khó khăn
 
 
Ngay sau khi đoạt chức vô địch quốc gia lần đầu, chính Bộ trưởng Bộ Thủy sản đã chỉ thị cho Tổng giám đốc Seaprodex “nếu vô địch 3 năm liền, phải cấp nhà cho HLV và VĐV”. Cả đội đã làm vượt yêu cầu, thế nhưng chờ đợi rất lâu mà vẫn chưa được cấp nhà, đấu tranh mãi mới được cơ quan cho ở tập thể tại 28 Lê Thánh Tôn (Q.1, TP.HCM). Cuối cùng, khi làm giấy chủ quyền thì được trả lời “cả 1.800 công nhân của cơ quan, làm sao lo hết được!”, rồi căn nhà tập thể cũng bị cơ quan đem ra cấn nợ nên cuối cùng đều... trắng tay.
 
Nản lòng cộng với khó khăn chung của Seaprodex vào những năm 1995 - 1997 nên đến năm 1997, đội chính thức bị xóa tên, anh em VĐV chuyển sang đội Bưu điện TP.HCM và sau đó một thời gian cũng xóa nốt tên của đội mới.
 
 
Đến nay, còn 3 người vẫn theo nghiệp thể thao là Văn Hòa (sau một thời gian làm HLV cho đội Bình Dương, ông vừa mới về tham gia công tác huấn luyện ở đội Maseco), Hồng Hảo (HLV phó đội tuyển quốc gia) và Văn Oanh (Trưởng bộ môn bóng chuyền Q.10, TP.HCM); những VĐV khác phải chuyển nghề sinh sống và mới đây họ lại có dịp tụ hội khi Hội Cựu cầu thủ bóng chuyền TP.HCM được thành lập.
 
 
 
Nhựt Quang
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.