Bạn biết gì về 'cây vợt thông minh' của Nadal?

20/01/2015 15:28 GMT+7

(TNO) Rafael Nadal trở lại Úc mở rộng với trang phục màu hồng khá nổi và cây vợt mới có màu sắc sặc sỡ hơn cây vợt anh sử dụng trước đây.

(TNO) Rafael Nadal trở lại Úc mở rộng với trang phục màu hồng khá nổi và cây vợt mới có màu sắc sặc sỡ hơn cây vợt anh sử dụng trước đây.

>> Năm 2015 bản lề của Rafael Nadal
>> Bar Refaeli khoe ảnh tình tứ với Rafael Nadal
>> Chuyện lạ thể thao: Cây vợt bí mật
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 44: Nhà vô địch và cây vợt gỗ

 
Rafael Nadal xuất hiện ở Úc mở rộng với trang phục màu hồng cùng cây vợt có màu sắc sặc sỡ - Ảnh: Reuters

Thực ra, cây vợt này có trọng lượng và kích cỡ giống như cây trước Nadal dùng. Nhưng ngoại trừ màu sắc khác biệt, nó còn có thêm nút on-off, một bộ cảm ứng. Thời đại mà dụng cụ nào trong đời sống cũng đua nhau gắn tính từ “thông minh” (smartphone, smartwatch…) vào phía trước thì hà cớ gì cây vợt tennis không được quyền thông minh?

“Smartracket” cho phép bạn biết điểm đánh bóng trên sân ở đâu, bạn sử dụng cú quả nào… Bộ cảm ứng gắn ở cán vợt thu thập các dữ liệu. Cuối buổi tập, bạn tải dữ liệu về máy tính hoặc smartphone, tablet để phân tích xem điểm mạnh và yếu của bạn.

“Tôi biết để chơi tốt, tôi phải đánh hơn 70% cú forehand và dưới 30% cú backhand”, Nadal nói, “Nếu tôi không đạt được mức đó nghĩa là tôi không làm đúng những gì tôi muốn. Thiết bị gắn trên cây vợt cho tôi biết mình chơi ra sao”. Trận vòng 1 Úc mở rộng 2015, Nadal có lẽ làm đúng khi anh hạ Mikhail Youzhny 6-3, 6-2, 6-2.

Trước đây, Liên đoàn quần vợt quốc tế (ITF) cấm các thiết bị “phân tích kỹ thuật” trong thời gian diễn ra giải đấu nhưng từ tháng 1 năm ngoái, ITF ban hành luật mới cho phép các tay vợt đeo hay sử dụng thiết bị “thông minh” như cây vợt của Nadal hay bộ đo các chỉ số sinh học của cơ thể khi họ thi đấu.

Chỉ có điều, các dữ liệu này chỉ được tải và dùng để phân tích sau trận đấu, chứ không sử dụng ngay khi trận đấu đang diễn ra. Đến nay, ITF vẫn còn cấm các HLV chỉ đạo các tay vợt giữa trận đấu nữa là.

Hãng sản xuất vợt Babolat là hãng đầu tiên đưa công nghệ này vào dòng vợt “Pure Drive” mà các tay vợt như Karolina Pliskova, Julia Goerges, Yanina Wickmayer sử dụng và dòng vợt “Aero Pro Drive” mà Nadal, Jo Wilfried Tsonga, Caroline Wozniacki dùng.

 
Cây vợt của Nadal đang dùng tại Úc mở rộng có thêm nút bật - mở của bộ cảm ứng - Ảnh: Reuters

Cách sử dụng khá đơn giản, theo người phát ngôn Thomas Otton của công ty. “Có 2 nút bấm ở chuôi vợt, khi bạn bấm nút ‘on’, đèn LED xanh hiện lên và bạn chơi bóng”, Otton nói”, “Khi kết thúc, bạn bấm nút thứ hai kích hoạt Bluetooth để truyền dữ liệu từ cảm ứng sang smartphone hay các thiết bị khác”.

Buổi tập trước ngày đấu của Nadal kéo dài 1 giờ 31 phút. Trong thời gian đó, anh đánh 572 cú trong thời gian thực 22 phút, trong đó có 156 cú backhand, 222 cú forehand, 118 cú giao bóng và 76 cú smash. Chi tiết hơn nữa: trong 222 cú forehand thì có 133 cú topspin (xoáy cồng), 49 cú cắt bóng và 40 cú flat (đánh thẳng bóng).

Và chi tiết nữa là điểm bóng chạm vào mặt vợt: trong buổi tập của Nadal, 42% cú đánh của anh rơi vào phần trung tâm vợt, 20% vào phần đỉnh vợt, 38% còn lại rơi vào đáy vợt và hai bên. Có nghĩa là những người “pờ-rồ” chẳng đánh trúng bóng vào phần tâm vợt nhiều lắm như ta thường nghĩ.

“Chúng tôi cứ tưởng mình đánh vào tâm vợt nhiều lắm, nhưng số liệu chứng minh chúng tôi đánh bóng chẳng ngọt như mọi người tưởng”, Wozniacki cười. Lần tới, nếu cầm “smartracket” ra sân, bạn mà đạt 50% đánh bóng vào tâm vợt thì bạn có thể tự hào hơn Nadal ở một khía cạnh nào đó rồi đấy.

Toni Nadal, ông chú và là HLV của Rafael Nadal nói đùa rằng bộ cảm là đồng minh mới của mình: “Thỉnh thoảng, khi tôi chỉnh Rafa về cách đánh bóng, nó không đồng ý với tôi, nay tôi có dữ liệu làm bằng chứng rồi”.

Rafa “bật” lại ông chú: “Giờ chú ấy có dữ liệu để biết chú ấy sai thế nào rồi”.

Khúc Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.