HAGL - Đội bóng quốc dân

11/01/2015 08:56 GMT+7

(TNO) Trước đây, hai đội bóng Thể Công (ở miền Bắc) và Cảng Sài Gòn (ở miền Nam) thi đấu ở một số địa phương khác họ vẫn có một lượng khán giả riêng đến sân cổ vũ. Nhưng sự cuốn hút khán giả của hai đội bóng trên chưa chắc bằng cái lứa cầu thủ trẻ HAGL ngày nay...

(TNO) Trước đây, hai đội bóng Thể Công (ở miền Bắc) và Cảng Sài Gòn (ở miền Nam) thi đấu ở một số địa phương khác họ vẫn có một lượng khán giả riêng đến sân cổ vũ. Nhưng sự cuốn hút khán giả của hai đội bóng trên chưa chắc bằng cái lứa cầu thủ trẻ HAGL ngày nay...

>> Khán giả cả nước sẽ thấy không chỉ HAGL đá đẹp
>> HAGL khẩn trương gia cố sân Pleiku
>> Sốt vé trận ĐTLA - HAGL
>> HAGL phải đá sân trung lập nếu vỡ sân lần 2
>> HAGL bị phạt 10 triệu đồng vì để sân Pleiku quá tải
>> Cầu thủ HAGL làm gì ngay sau trận đấu?

 
Chỉ cần nghe thấy tên Công Phượng, Tuấn Anh, Đông Triều, Xuân Trường… đến thi đấu, ban tổ chức sân của các địa phương chỉ lo vỡ sân dù trận đấu chưa diễn ra - Ảnh: Khả Hòa

Ở xứ Hàn, khi nói đến giới nghệ sĩ showbiz, người dân nước này luôn bình bầu cho họ những danh hiệu ấn tượng như “Bà mẹ quốc dân”, “MC quốc dân”, “Em gái quốc dân”, “Ca sĩ quốc dân” và thậm chí cả “Con dâu quốc dân”, nghĩa là những hình tượng chỉ có trong phim ảnh này đã được đại diện cho cả nước như trong đời thực.

Vì sao họ được tôn vinh như thế? Đơn giản vì cách diễn xuất “ấn tượng như đời thật” của các diễn viên Hàn Quốc đã để lại hình ảnh khó phai trong lòng khán giả và giúp họ trở thành biểu tượng của văn hóa giải trí không chỉ ở xứ kim chi mà cả các nước trong khu vực.

Hôm rồi người viết có dịp ngồi cà phê với một người bạn là dân hâm mộ bóng đá, anh nói: “Nè ông, tôi thấy văn hóa giải trí ở xứ ta không có những kiểu bình chọn như thế, nên chúng ta cũng không quan tâm lắm đến những kiểu “danh hiệu” trên. Thế nhưng trong bóng đá, tôi thấy lứa cầu thủ U.19 của HAGL xứng đáng nhận danh hiệu “Đội bóng quốc dân”.

Người viết hỏi lại vì sao ông nghĩ thế, anh bạn nói liền: “Không tin ông cứ thử lục tìm trong quá khứ của bóng đá Việt Nam từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay xem có đội nào được quan tâm như thế không. Chắc chắn là không!

Trước đây, hai đội bóng Thể Công (ở miền Bắc) và Cảng Sài Gòn (ở miền Nam) từng được cho là có nhiều cổ động viên nhất vì ngoài sân nhà, khi thi đấu ở một số địa phương khác họ vẫn có một lượng khán giả riêng đến sân cổ vũ. Nhưng sự cuốn hút khán giả của hai đội bóng này tôi thấy chưa chắc bằng cái lứa U.19 HAGL ngày nay. Đơn cử, tôi đã từng được xem trận đấu tại giải A1 toàn quốc 1986 trên sân Thống Nhất giữa CLB Quân đội (Thể Công) và An Giang. Trận đấu này có khoảng hơn 15.000 người dự khán nhưng số CĐV của CLB Quân đội cũng không lấn át đội An Giang bao nhiêu.

 
Cảnh xếp hàng đông đúc chờ mua vé xem trận ĐTLA và HAGL - Ảnh: Minh Tính

Còn cái tên HAGL hiện nay thì sao? Chỉ cần nghe thấy tên Công Phượng, Tuấn Anh, Đông Triều, Xuân Trường… đến thi đấu, ban tổ chức sân của các địa phương chỉ lo vỡ sân dù trận đấu chưa diễn ra, một hiện tượng chỉ có trong mơ từ khi V-League được khai sinh. Không cần biết sân nhà hay sân khách, không cần biết đội nhà hay HAGL đá vào lưới, khán giả chỉ quan tâm làm thế nào để tìm chiếc vé vào sân.

Tại Long An, ban tổ chức sân đã phải đóng cửa phòng vé vì lượng người mua kéo đến quá đông trong ngày 9.1 vừa rồi.Thậm chí bình luận viên của một đài truyền hình quốc gia đã bị phê bình vì “thiên vị” HAGL trong trận gặp Khánh Hòa ở lượt trận đầu tiên của V-League”.

Nghe ông bạn thao thao bất tuyệt như thế, thử nhìn lại người viết thấy đúng thật. Lứa trẻ của bầu Đức không những nổi danh ở cấp CLB mà còn lấn át cả danh tiếng của đội tuyển và Olympic quốc gia. Tại giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên 2014 tổ chức tại Cần Thơ vừa rồi, HAGL mới là cái tên cuốn hút 50.000 khán giả đến kín sân chứ không phải đội U.21 tuyển chọn Việt Nam.

Còn nhớ tại giải U.19 Đông Nam Á vào tháng 9.2014, giải đấu có mặt U.19 HAGL, sân Mỹ Đình từng hứng chịu cơn giận dữ của khán giả ở bên ngoài sân do không mua được vé dù họ phải xếp hàng để chờ mua từ 4 giờ sáng tới chiều tối.

“Đội bóng quốc dân”, cái tên lạ lẫm với bóng đá Việt Nam ở V-League, giờ sẽ trở nên quen thuộc vì đã tìm được đội bóng sở hữu. Chỉ tiếc một điều, phải chi V-League có nhiều đối thủ cạnh tranh danh hiệu “Đội bóng quốc dân” với HAGL thì hay biết mấy. Bởi lúc đó, không chỉ V-League trở nên tầm cỡ mà đội tuyển quốc gia Việt Nam cũng hùng mạnh và đủ tự tin bước ra đấu trường châu lục.

Quốc Bảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.