Từ chung kết AFF Cup 2014: Người tầm thường không thể làm nên chiến công phi thường!

21/12/2014 15:07 GMT+7

(TNO) Xem hai trận chung kết AFF Cup năm nay dễ thấy Thái Lan và Malaysia xứng đáng là đối thủ lớn của nhau và cũng thấy, xét về mặt bản lĩnh thì đội tuyển Việt Nam chúng ta thua cả hai đội này một bậc.

(TNO) Xem hai trận chung kết AFF Cup năm nay dễ thấy Thái Lan và Malaysia xứng đáng là đối thủ lớn của nhau và cũng thấy, xét về mặt bản lĩnh thì đội tuyển Việt Nam chúng ta thua cả hai đội này một bậc.

>> Kiatisak - Người viết mộng đẹp cho Bóng đá Thái Lan
>> Thua 2-3 tại Bukit Jalil, Thái Lan vẫn đăng quang AFF Cup 2014
>> AFF Cup 2014: Thái Lan hạ gục Malaysia 2-0 tại Bangkok
>> Thắng Việt Nam 4-2, Malaysia vào chung kết AFF Cup 2014 gặp Thái Lan
>> HLV Kiatisak: 'Thái Lan không sợ phải đối đầu với Việt Nam
>> HLV Kiatisak: 'Hiểm nguy chào đón tuyển Thái Lan tại Manila

 
Malaysia đã thua nhưng họ đã thể hiện bản lĩnh lớn - Ảnh: Reuters

Trận chung kết lượt đi ở đất Thái, mặc dù Malaysia bại trận nhưng theo quan điểm của tôi Malaysia đã thể hiện một bản lĩnh lớn của mình. Đá trên sân đối phương, trước một đối phương vừa trẻ vừa khoẻ vừa khéo hơn mình thế mà người Mã đã có tới hơn 60 phút khiến đối phương... khó chịu.

Đấy là 60 phút họ dùng thể lực băm nát khu trung tuyến, khiến Thái Lan lần đầu tiên kể từ đầu giải không thể thi triển lối chơi kỹ thuật, còn thầy trẻ Kiatisak ở ngoài cứ thế mà nhăn mặt. Trận đấu ấy Malaysia thua một quả penalty, rồi cuối trận thua tiếp một bàn nữa sau một tình huống ăn phản đòn, nhưng trong bóng đá, có những cái thua đem lại khoái cảm chẳng khác gì chiến thắng.

Và thứ khoái cảm ấy lại được người Mã thực hiện, nhưng thực hiện với một kịch bản tỷ số đầy tích cực trong trận lượt về. Sau khoảng 60 phút lượt về, Mã lại dẫn ngược Thái 3-0, tỷ số vừa đủ giúp họ lên ngôi vô địch. Rõ ràng, phải khôn ngoan, bản lĩnh lắm Mã mới thực hiện được những điều không tưởng như vậy.

 
Thái Lan còn bản lĩnh hơn Malaysia rất nhiều - Ảnh: Reuters

Nhưng Mã bản lĩnh một thì quân trẻ Thái Lan bản lĩnh tới hai, ba. Nói như HLV Kiatisak thì cái áp lực của 100.000 khán giả ở Bukit Jalil thật kinh khủng. Cái áp lực khiến cầu thủ của "Sắc" bị cuốn theo lối chơi đối thủ, khiến "Sắc" phải nói trong giờ nghỉ giữa hiệp: "Các anh muốn đá tiếp hay muốn cuốn gói về nhà sớm?".

Và chính câu nói giống như sự kích tướng giữa trận tiền đã giúp các cầu thủ Thái vùng lên đúng vào những lúc ai cũng nghĩ cúp vô địch đã nằm trọn trong tay chủ nhà. 1-3 rồi 2-3, cứ nhìn cái cảnh Kiatisak dang rộng cánh tay chao lượn, hạnh phúc tột độ sau những bàn định mệnh ấy là đủ hiểu kỳ tích của người Thái lớn lao, có giá trị nhường nào.

Tôi cho rằng, chung kết AFF Cup năm nay, từ lượt đi đến lượt về, từ chỗ Thái ăn trước 2-0 đến chỗ bị dẫn ngược 3-0. rồi lại lạnh lùng thu ngắn cách biệt xuống 2-3 để đoạt ngôi vô địch thực sự là một cuộc đấu lớn về bản lĩnh. Và cả hai đội, người thắng lẫn kẻ thua đều khiến cho phần còn lại của bóng đá Đông Nam Á phải học tập về tinh thần, bản lĩnh trong những thời khắc sống còn.

 
Malaysia sử dung một dàn cầu thủ đầy kinh nghiệm - Ảnh: Reuters

Chỗ này thì cầu thủ Việt Nam chúng ta chưa có được. Sau 90 phút bán kết lượt đi thắng Mã ngay trên đất Mã chúng ta đã có chút lầm tưởng vào sự lì lợm, bản lĩnh của quân mình. Nhưng đến lượt về, khi ta thua nhanh 0-2 rồi 1-3 ở Mỹ Đình và khi cầu thủ của ta cũng sụp đổ tâm lý rất nhanh sau mỗi bàn thua không tưởng thì chúng ta chợt nhận ra: xét về bản lĩnh, chúng ta thực sự không bằng đối thủ.

Câu hỏi đặt ra: cái gì tôi luyện nên bản lĩnh? Tuổi tác và kinh nghiệm thi đấu ư? Đúng, hoàn toàn đúng nếu nhìn vào một Malaysia với rất nhiều các cầu thủ đã hoặc sắp chạm ngưỡng 30. Nhưng với phần lớn những cầu thủ Thái đang ở độ tuổi U.23 thì sao nhỉ?

Với Thái, câu chuyện nằm ở chỗ: đấy là một lứa cầu thủ đã được sát cánh cùng nhau qua một loạt giải trẻ, từ U.17, U.21, và trong mỗi bước thăng trầm của mình, lứa cầu thủ này đều nhận được sự chăm bẵm của một ông thầy - một thần tượng của giới quần đùi áo số Thái Lan: "Zico" Kiatisak.

 
Kiatisak đã đi vào lịch sử của bóng đá Đông Nam Á - Ảnh: AFP

Bóng đá Việt Nam hiện nay cũng có một lứa U.19 dự kiến rồi sẽ phát triển theo kiểu này. Nhưng có một chút khác biệt: lứa U.19 của ta là sản phẩm chủ đạo của chỉ một học viện bóng đá, khác với việc người Thái tuyển quân từ nhiều lò đào tạo khác nhau. Và HLV trưởng của lứa U.19 Việt Nam là một người Pháp, còn với Thái, đấy lại là một tài năng lớn, một thần tượng lớn xứ mình.

Một câu hỏi tiếp tục phải đặt ra: Vậy xứ ta không có những thần tượng cỡ ấy sao? Chắc chắn là có chứ, như Huỳnh Đức - người cũng đá bóng cùng thời với Kiatisak chẳng hạn. Tuy nhiên, nếu Huỳnh Đức năm lần bảy lượt từ chối ý định cầm quân đội tuyển thì với "Sắc" đấy lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Dĩ nhiên, người ta có thể nói: Các làm việc, cách đối xử của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và Thái Lan khác nhau, môi trường bóng đá Việt Nam và Thái Lan cũng khác nhau, nên đặt cái "lắc" của Đức bên cạnh cái "gật" của "Sắc" là cực kỳ khiên cưỡng. Nhưng nói theo ngôn ngữ người xưa, trong bất luận hoàn cảnh tình huống nào thì cũng phải từ những quyết sách phi thường, những con người phi thường (hiểu theo nghĩa đấy là những con người dám vượt lên hoàn cảnh) mới hy vọng có được chiến công phi thường.

Xét cho cùng, chúng ta đang thiếu những sự phi thường và đang thừa, nếu không muốn nói là bội thực những con người hoặc bình thường, hoặc bất thường, thậm chí phảng phất cả màu sắc của sự... tầm thường.

Phan Đăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.