Nhà thi đấu dột, vận động viên chấn thương

08/11/2014 10:00 GMT+7

Nhà thi đấu đa năng tỉnh Thái Bình có quy mô gần 5.000 chỗ ngồi, được đầu tư xây dựng với kinh phí gần 650 tỉ đồng, phục vụ thi đấu môn cầu lông, bóng chuyền và vật tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7. Thế nhưng, ngay môn thi đầu tiên là cầu lông, các VĐV đã phải ngửa cổ kêu trời vì... trần nhà bị dột.

Nhà thi đấu đa năng tỉnh Thái Bình có quy mô gần 5.000 chỗ ngồi, được đầu tư xây dựng với kinh phí gần 650 tỉ đồng, phục vụ thi đấu môn cầu lông, bóng chuyền và vật tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7. Thế nhưng, ngay môn thi đầu tiên là cầu lông, các VĐV đã phải ngửa cổ kêu trời vì... trần nhà bị dột.

>> Báo chí quốc tế đưa tin dồn dập vụ sập trần Nhà thi đấu Phan Đình Phùng
>> Sự cố sập trần nhà thi đấu Phan Đình Phùng: Kiểm tra chất lượng các nhà thi đấu ở TP.HCM
>> Bộ Xây dựng đề nghị làm rõ vụ sập trần Nhà thi đấu Phan Đình Phùng

 Nhà thi đấu dột, vận động viên chấn thương
Nhà thi đấu tỉnh Thái Bình mới hoàn tất với kinh phí 650 tỉ đồng nhưng hễ trời mưa là bị dột - Ảnh: Nguồn đại hội TDTT toàn quốc

Các HLV, VĐV dự giải cho biết trong 2 ngày thi đấu vừa qua ở nội dung đồng đội nam, đồng đội nữ, trần Nhà thi đấu tỉnh Thái Bình do xây dựng không tốt nên khi trời mưa, nước rơi xuống khiến thảm đẫm nước, ảnh hưởng lớn đến chất lượng chuyên môn và gây nguy hiểm cho VĐV của 21 đoàn tham dự.

Vận động viên ngã “lạch bạch”

Trưởng đoàn cầu lông TP.HCM Huỳnh Ngọc Liên cho biết, tay vợt nữ Lê Ngọc Nguyên Nhung của đơn vị này đã bị tét cơ đùi, phải bỏ cuộc trong trận đấu đồng đội nữ gặp đội Hải Phòng. Thảm đấu bị thấm nước gây trơn trượt khiến Nguyên Nhung gặp chấn thương sau tình huống rướn người cứu cầu khá đơn giản.

Không chỉ Nguyên Nhung, nhiều tay vợt khác như Bùi Quang Tuấn (Hà Nội), Tôn Nữ Khải Siêu (TP.HCM)... cũng ngã “lạch bạch” khi thi đấu trong điều kiện tồi tệ. Ngay cả tay vợt số 1 VN Nguyễn Tiến Minh cũng không mạo hiểm phô diễn tài năng mà chỉ chơi an toàn nhằm tránh chấn thương.

Trao đổi với Thanh Niên hôm qua, Tổng thư ký Liên đoàn Cầu lông VN Lê Thanh Sang cho biết khi sự cố xảy ra, BTC địa phương đã cố gắng khắc phục bằng việc lau sàn, thảm, thấm nước, đồng thời lót thêm một lớp tôn trên nóc nhà thi đấu nhưng hễ mưa lại bị dột. BTC tiếp tục gia cố trần nhà và thay toàn bộ thảm đấu để các VĐV an tâm thi đấu những trận quyết định của nội dung đồng đội.

Trước câu hỏi của PV Thanh Niên: “Dự báo thời tiết ở Thái Bình sẽ còn mưa những ngày tới trong khi giải vẫn tiếp tục diễn ra nội dung cá nhân, nhưng lại chưa có gì đảm bảo trần nhà sẽ hết dột, liệu BTC có phương án khác?”, ông Lê Thanh Sang trả lời nếu đang thi đấu mà trời mưa thì sẽ đắp bạt để bảo vệ thảm, đó cũng là giải pháp bảo vệ thảm đấu sau mỗi ngày tranh tài. Tình huống xấu nhất, nếu trời mưa triền miên thì sẽ dời địa điểm thi đấu đi nơi khác.

“Nhờ mưa mới biết bị thấm, dột”

Chiều 7.11, ông Bùi Công Phượng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Thái Bình, xác nhận với Báo Thanh Niên việc Nhà thi đấu tỉnh Thái Bình bị dột là có thật. Ông Phượng kể, sau khi tiếp nhận thông tin này, ông đã đích thân kiểm tra và làm rõ sự việc. Nguyên nhân là mặt bằng mái nhà thi đấu quá lớn, lên tới trên 2.000 m2, trong khi đó hệ thống ống thoát nước dù được thiết kế với mức lớn, ống phi 20 nhưng cũng không đủ để thoát được lượng nước đổ xuống nên nước mưa bị tràn ra, chảy xuống sàn thi đấu. Theo ông Phượng, nhờ trận mưa vừa qua nước tràn qua ống thoát nước nên mới phát hiện ngoài việc bị tràn, trần nhà thi đấu cũng bị thấm, dột ở một số điểm. Lãnh đạo Sở VH-TT-DL đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo Công ty xây dựng Thăng Long là đơn vị trúng thầu xây dựng nhà thi đấu và đơn vị thi công đã thừa nhận việc bị thấm, dột này.

Do chưa bàn giao, lại sắp đến thời điểm khai mạc Đại hội TDTT toàn quốc nên Sở xác định việc đầu tiên là phải khắc phục sự cố, sau đó mới bàn đến trách nhiệm của đơn vị thi công. "Hiện nay, chúng tôi yêu cầu đơn vị thi công phải đảm bảo để khi đại hội diễn ra không còn hiện tượng này. Trước mắt, giải pháp của nhà thầu là lắp thêm một tấm tôn che trên toàn bộ diện tích của nhà thi đấu, sau đó nhà thầu sẽ phải có giải pháp khắc phục một cách toàn diện”, ông Phượng nói.

Còn ông Nguyễn Văn Nật, Giám đốc Trung tâm HLTT Thái Bình, giải thích do công trình chưa hoàn chỉnh nhưng đã phải bàn giao nên mới để xảy ra tình trạng không hay này.

Gánh nặng với cả nhà nước lẫn địa phương đăng cai

Sự cố đáng tiếc xảy ra tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh Thái Bình e rằng không phải là điều đáng lo nhất tại đại hội lần này. Đại hội TDTT lần thứ 7 sẽ có 36 môn thể thao tổ chức tại địa điểm chính là Nam Định cùng 7 tỉnh, thành phố lân cận khác gồm: Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Hòa Bình, Hà Nội. Trong bối cảnh nền kinh tế VN chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc, việc “thu gom” tiền từ nguồn xã hội hóa gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, công tác tổ chức, nâng cấp cơ sở vật chất thực sự trở thành gánh nặng của các địa phương được giao đăng cai.

Ngân sách tỉnh vốn đã eo hẹp, giờ phải chi bộn tiền để cùng phối hợp với nhà nước nâng cấp hoặc xây dựng nhà thi đấu. Đến thời điểm hiện tại, khoản tiền dành cho đại hội lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Trong đó, ngân sách T.Ư chi hỗ trợ đầu tư xây dựng Nhà thi đấu đa năng Nam Định vào khoảng 855 tỉ đồng. Công trình trọng điểm của đại hội là Cung thể thao Nam Định gồm nhà thi đấu đa năng và bể bơi có mái che. Để hoàn tất hai công trình quy mô này, Nam Định phải bỏ thêm vài trăm tỉ đồng nữa mới đủ. T.Ư cũng chi khoảng 400 tỉ đồng hỗ trợ đầu tư xây dựng Nhà thi đấu đa năng tỉnh Thái Bình (phần gần 250 tỉ còn lại do địa phương tự lo). Ngoài ra, việc chi hỗ trợ xây dựng nhà thi đấu đa năng tại Hà Nam và xây dựng Trung tâm huấn luyện và thi đấu đua thuyền, khu bắn súng, bắn cung thuộc Khu liên hợp thể thao Hải Phòng cũng lên đến vài chục tỉ đồng.

L.P

Quỳnh Anh - Hoàng Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.