Ánh sáng cuối đường hầm cho bóng đá Việt Nam

05/11/2014 07:00 GMT+7

Suy thoái kinh tế kéo theo sự đổ vỡ của nhiều đội bóng bởi mất hẳn nguồn cung cấp 'dinh dưỡng' từ các doanh nghiệp. Nhưng trong vòng quay nghiệt ngã mà bóng đá Việt Nam đang phải hứng chịu, lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) vẫn có cái nhìn khá lạc quan.

Suy thoái kinh tế kéo theo sự đổ vỡ của nhiều đội bóng bởi mất hẳn nguồn cung cấp 'dinh dưỡng' từ các doanh nghiệp. Nhưng trong vòng quay nghiệt ngã mà bóng đá Việt Nam đang phải hứng chịu, lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) vẫn có cái nhìn khá lạc quan.

>> Hội Cổ động viên bóng đá VN sẽ khuấy động giải U.21
>> Bóng đá VN có cơ hội ở ASIAD
>> Bóng đá VN học gì từ World Cup ?

Ánh sáng cuối đường hầm
Cách làm đúng đắn của HAGL khi đôn U.19 lên đá V-League rất đáng để nhiều nơi học hỏi - Ảnh: Khả Hòa

“Lo chứ, nhưng cứ ngồi đó mà kêu lo hay bi quan thì An Giang, Kiên Giang và cả những đội bóng đã bỏ giải có quay lại được đâu. Điều quan trọng bây giờ là phân tích rõ bản chất về những nguy cơ mà bóng đá VN đang phải đối mặt rồi tìm cách tháo gỡ”, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng nói với phóng viên Thanh Niên.

Ông Dũng quả quyết:

“V-League không thể dừng vì bên cạnh những đội khó khăn, cũng có những đội đang có sự chuẩn bị rất tốt cả về tiền bạc lẫn chuyên môn. VFF không chạy đua theo số lượng CLB. Còn bao nhiêu đội đá bấy nhiêu, miễn là chất lượng các đội còn lại đều đảm bảo. Đá hay, đá nhiệt tình thì khán giả sẽ đến sân đông, kéo theo nguồn thu từ vé tăng, bản quyền truyền hình rồi cũng sẽ bán được, quảng cáo bảng biển trên sân rồi sẽ không ế.

Nói thật là tôi chẳng sửng sốt khi hay tin tỉnh Đồng Tháp (ĐT) không thể giữ đội bóng ở lại V-League vì thiếu tiền. Ngày họp Ban chấp hành VFF, tôi nói với Giám đốc điều hành CLB Lê Ngọc Chức là nếu kinh phí đá giải ngoại hạng hay thậm chí giải hạng nhất còn không đủ thì nên dừng lại. Đau thì đau thật nhưng còn hơn cứ cố chơi rồi lại tiếp tục chìm sâu vào nợ nần lương thưởng thì còn khổ gấp bội”.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) Võ Quốc Thắng đỡ lời: “Tôi đồng ý với chủ trương của VFF là còn bao nhiêu đội đá bấy nhiêu nhưng tôi cũng nói với anh Lê Hùng Dũng rằng VPF không khuyến khích đội bỏ giải. Cá nhân tôi vừa qua đã đích thân đi vận động Hội Doanh nghiệp (DN) trẻ ĐT để cứu đội bóng. Tôi cũng phân tích mọi nhẽ với lãnh đạo tỉnh ĐT là không nên bỏ cuộc khi chưa phải ở cuối đường hầm. Tôi thấy vẫn có ánh sáng ở cuối con đường, điều quan trọng là phải biết nắm lấy trước khi nó bị tắt”.

Ông Thắng nói tiếp: “Lời giải về bài toán kinh phí mà tôi đưa ra cho ĐT, cũng có thể xem như lời giải chung cho các đội bóng khác. Nếu kêu gọi sự chung sức của nhiều DN thì việc kiếm vài chục tỉ cho CLB không phải quá khó. Trước đây có thể dễ dàng nói một nhà tài trợ rót cho mình 3 đến 5 tỉ đồng. Bây giờ thì không thể vì DN làm ăn cũng vất vả lắm. Vì thế nên thay đổi cách vận động theo kiểu “tích tiểu thành đại”, kêu mỗi nhà tài trợ ủng hộ vài chục triệu đồng, 100 triệu đồng. Càng nhiều DN, số tiền thu được càng lớn. Một số DN cũng nói với tôi, họ sẽ cương quyết chung tay để giúp đỡ đội bóng tỉnh. Chẳng hạn như chi 1 tỉ hoặc mấy tỉ để mua vé xem đội nhà trong 1 năm. Khi tôi nói với anh Lê Hùng Dũng về chuyện ĐT sẽ được cứu, anh Dũng rất phấn khởi”. 

 

Mùa giải 2015 sẽ là mùa giải mang tính đặc thù nhất từ trước đến nay. VFF, VPF đã hỗ trợ các đội dự giải bằng chính sách giảm ngoại binh và cầu thủ nhập tịch. Đó là tiền đề giúp các CLB đầu tư cho bóng đá trẻ, cũng là tiền đề cho bóng đá VN ở tương lai

Ông Võ Quốc Thắng
(Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN)

Lấy đào tạo trẻ làm thước đo giá trị

Hai người đứng đầu VFF và VPF đều có quan điểm rất giống nhau về lộ trình phát triển của bóng đá VN: Lấy đào tạo trẻ làm thước đo giá trị mỗi đội bóng. Ông Lê Hùng Dũng phát biểu: “Vài năm trước đây, khi tài chính còn dư dả, các nhà đầu tư đổ tiền vào bóng đá, mua CLB, đổi tên rồi dán tên doanh nghiệp vào để quảng bá. Hầu hết họ chọn cách mua cầu thủ giỏi từ các đội khác và đẩy giá cầu thủ lên mức cao khó tưởng tượng và nạn “lót tay lót chân” nảy sinh từ ấy. Các CLB tìm mọi cách để giành giật vị trí tại V-League nhưng lại không màng đến đào tạo trẻ. Vì đào tạo trẻ là công việc gian khổ, đòi hỏi không chỉ tiền bạc mà còn công sức, thời gian.

Quy chế, điều lệ của VFF cũng có những quy định khắt khe về việc các CLB phải có tỷ lệ đầu tư thích đáng cho công tác đào tạo trẻ. Có CLB làm nhưng đa phần là làm cho có, làm để đối phó, chứ không trở thành sách lược thật sự. Sự “ăn xổi” đã tạo nên giá trị ảo cho bóng đá Việt.

Giữa thực trạng đáng buồn đó, anh Đoàn Nguyên Đức đã dũng cảm chọn cách làm không cắt ngọn mà chăm cây từ gốc. Mô hình đào tạo bóng đá của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) quá đúng đắn khi hợp tác bền chặt với Arsenal, tuyển chọn cầu thủ một cách khắt khe và đào tạo với một giáo trình khoa học, bài bản suốt 7 năm trời. Lứa cầu thủ trẻ không chỉ được rèn luyện bóng đá mà còn được học văn hóa, học những bài học về đạo đức và không bị đốt cháy giai đoạn. Anh Đức hoàn toàn có lý khi đôn lứa U.19 đá V-League 2015. Đó là hướng đi cực kỳ đúng đắn”.

Còn ông Võ Quốc Thắng kể ra một câu chuyện thời sự: “Bình Dương vừa có được chữ ký của Công Vinh. Sông Lam Nghệ An hết thích Vinh à? Đâu phải, họ vẫn thích Vinh nhưng không đủ điều kiện để giữ chân. Tuy nhiên, suy cho cùng, SLNA khôn ngoan khi để Vinh ra đi vì sẽ tiết kiệm được một khoản tiền. Tại sao ĐT không học tập SLNA bằng cách chia sẻ cầu thủ giỏi của mình cho đội khác. Trường hợp Kiên Giang bỏ giải có thể hiểu được do họ hoàn toàn không có tuyến trẻ, nhưng ĐT không lý gì bỏ giải vì đào tạo trẻ của họ quá tốt, có truyền thống đã mấy chục năm rồi.

Tôi xin nói một điều thế này, mùa giải 2015 sẽ là mùa giải mang tính đặc thù nhất từ trước đến nay. VFF, VPF đã hỗ trợ các đội dự giải bằng chính sách giảm ngoại binh và cầu thủ nhập tịch. Đó là tiền đề giúp các CLB đầu tư cho bóng đá trẻ, cũng là tiền đề cho bóng đá VN ở tương lai. SLNA, HAGL và cả Đồng Tâm Long An sẽ đôn lứa trẻ lên đá”.

Ông Thắng chưa hết trăn trở về đội ĐT: “Tôi đi công tác ĐT và thấy cảm động vô cùng trước niềm đam mê bóng đá của bà con. Nhiều khán giả nói với tôi trong dòng nước mắt vì lo sợ CLB ĐT mất hẳn. Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo Sở VH-TT-DL nuôi các tuyến U nhưng tôi hỏi thật, nuôi làm gì nếu không có mục đích rõ ràng là để phục vụ tuyến cao nhất. Hãy nhìn sang giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên, khi đội U.19 HAGL thi đấu, sân Cần Thơ không còn chỗ trống.

Đôn lứa trẻ lên đá, tranh chức vô địch với Bình Dương thì khó, nhưng nếu cầu thủ trẻ ĐT cũng chơi cống hiến, lăn xả thì lo gì sân Cao Lãnh không kín chỗ. Khán giả ĐT và cả khán giả các nơi khác nữa, sẽ không bao giờ quay lưng với đội bóng của chính quê hương mình khi đội bóng sử dụng cầu thủ do chính địa phương đào tạo. Nói cách khác, có sản phẩm mang tính địa phương thì rất dễ kéo khán giả đến sân. Mà đông khán giả đến sân thì bóng đá VN không thể chết một cách dễ dàng được!”.

Đừng xài hết mấy chục tỉ trong nửa mùa rồi bỏ

Ông Võ Quốc Thắng nói: “Thời buổi khó khăn, VPF không ép các đội phải trả lương thật cao, hứa thưởng thật lớn đến 500 triệu đồng/trận. Các đội bóng phải tự cân đối các khoản chi tiêu. Cầm trong tay 20 tỉ hay 35 tỉ, phải tính toán thật kỹ, đừng xài hết cả chỉ trong nửa mùa rồi bỏ giải thì VPF sẽ chết mất.

VPF đưa ra mức chuẩn 20 tỉ cho đội hạng nhất và 35 tỉ cho các đội V-League là đã có tính toán kỹ để các đội chứng minh có nguồn tài chính đủ chơi chứ không phải ký quỹ gì cả. Các đội nào nhiều tiền thì chơi kiểu nhiều tiền, còn ít tiền thì chơi ít. Như HAGL mùa tới tôi tin là họ chỉ xài khoảng hơn 10 tỉ là cùng”.

Lan Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.