Bóng đá Việt Nam, biết ra sao ngày mai?

02/11/2014 10:00 GMT+7

Bóng đá Việt Nam đang lập một “kỷ lục” mà có lẽ không một nền bóng đá nào trên thế giới có thể bắt kịp - đó là số lượng đội bỏ cuộc tại các giải đấu lớn nhất nước. Vì thế, bóng đá Việt Nam luôn ở thế chông chênh, không biết ngày mai sẽ ra sao!

Bóng đá Việt Nam đang lập một “kỷ lục” mà có lẽ không một nền bóng đá nào trên thế giới có thể bắt kịp - đó là số lượng đội bỏ cuộc tại các giải đấu lớn nhất nước. Vì thế, bóng đá Việt Nam luôn ở thế chông chênh, không biết ngày mai sẽ ra sao!

>> Bóng đá VN có cơ hội ở ASIAD
>> Bóng đá VN học gì từ World Cup ?
>> Bầu Trường: Ninh Bình trả lại sự trong sạch cho bóng đá VN

 Bóng đá VN, biết ra sao ngày mai ?
Niềm vui ngắn chẳng tày gang của Đồng Tháp khi rút khỏi V-League chỉ vì thiếu tiền - Ảnh: Dương Thu

Món “đồ chơi” trong tay đại gia

Trước tiên xin thống kê lại những CLB đã tự xóa tên mình khỏi bản đồ bóng đá từ đầu năm 2013 đến thời điểm hiện tại: Ở V-League có Kiên Long Bank Kiên Giang, CLB Hà Nội; Cao su Đồng Tháp; ở giải hạng nhất có SQC.Bình Định, XSKT Lâm Đồng, Trẻ Khacoto Khánh Hòa, Trẻ SHB Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Trẻ Hà Nội, Hùng Vương An Giang. Vì đâu nên nỗi? Vì điểm chung mà cũng là điểm yếu lớn nhất của 10 CLB này là vấn đề tiền. Thiếu tiền nên đành giải thể. Chưa kể Ninh Bình cũng đang tạm giải tán (chưa rõ ngày quay lại) vì cầu thủ dính bán độ tại đấu trường AFC Cup.

Bộ mặt của bóng đá VN, nếu nhìn vào số lượng đội bỏ cuộc hay tạm bỏ cuộc như trên quả là đáng buồn. Nhiều năm trước, khi còn giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá VN (VFF), ông Nguyễn Trọng Hỷ đã từng phát biểu: “Bóng đá VN đang tiến lên chuyên nghiệp, để thực hiện điều này VFF rất cần sự hỗ trợ tích cực từ phía doanh nghiệp (DN). V-League sẽ không thành chuyên nghiệp nếu thiếu vắng DN”.

Nhưng rồi sau đó một thời gian không dài, cũng chính ông Hỷ nhận ra một sự thật cay đắng: “Tôi cảm ơn các DN đã cứu bóng đá trong cơn nguy khốn khi các địa phương không còn tiền để đầu tư cho các đội bóng. Nhưng khi nền kinh tế bắt đầu suy thoái thì chính nhiều DN đã giết bóng đá. Thua lỗ triền miên, họ phải tìm mọi cách để không bị phá sản thì đào đâu kinh phí hàng chục tỉ nuôi CLB. Với đà này, sẽ còn đội bỏ cuộc vì sẽ còn có DN buông tay”. Ông Hỷ cũng thừa nhận một bi kịch là với một số đại gia, bóng đá như món “đồ chơi”, thích thì chơi, chán thì bỏ, không có quy định hay chế tài ràng buộc.

 
Anh có nhiều tiền thì chơi theo kiểu nhiều tiền, tôi có ít tiền thì chơi theo kiểu ít tiền, đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật, tổ chức đối với giải đấu là được, cớ gì đòi tôi phải có bao nhiêu tiền?

 Một chuyên gia bóng đá

Thực tế đã chứng minh điều ông Hỷ lo sợ. Sự kiện thời sự nóng hổi là ngày 31.10.2014 là ngày cuối cùng của CLB Cao su Đồng Tháp - đội bóng giàu thành tích nhất nhì bóng đá Việt, do các nhà tài trợ không kham nổi khoản tiền 35 tỉ đồng mà Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) đòi hỏi. Nhưng dù sao Đồng Tháp vẫn còn… may mắn vì Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp không xóa sổ hoàn toàn hoạt động bóng đá mà “thu hồi” lại tuyến trẻ giao cho Sở VH-TT-DL tỉnh. Một vài địa phương khác không chỉ đặt dấu chấm hết cho đội bóng mà còn xóa luôn cả đào tạo trẻ mà lý do cũng vì thiếu tiền. 

“Co rúm” vì quy định của VPF

Nhưng dựa theo quy chuẩn nào mà bị coi là thiếu tiền? Đây là câu hỏi mà nhiều CLB đã đặt ngược lại với chúng tôi. Đại diện một CLB V-League nêu rõ quan điểm: “Theo tìm hiểu của tôi, ban tổ chức giải ở các nước không đặt ra các mức hạn tối thiểu về kinh phí hoạt động ở một mùa của mỗi đội bóng. Kể cả Nhật Bản là nước mà VN đang thuê chuyên gia sang làm trưởng giải. Mỗi địa phương có sự đầu tư khác nhau cho bóng đá, đó là chưa kể đặc thù vùng miền, có nơi dễ thu hút tài trợ vì người dân đam mê bóng đá và ngược lại. Chưa kể mỗi đội lại có kế hoạch hoạt động khác nhau.

Vậy tại sao phải áp đặt con số 35 tỉ đồng cho đội dự V-League, còn 20 tỉ đồng cho đội hạng nhất. VFF và VPF căn cứ vào đâu? Đội nào nhiều tiền thì tham vọng lớn như vô địch hay top 3, đội nào ít tiền thì tham vọng ít thôi. Tôi biết có đội cần đến 50 tỉ đồng nhưng cũng có đội chỉ cần 20 tỉ là sống khỏe rồi. Con số cụ thể là 35 tỉ khiến nhiều đội co rúm cả lại”.

Một chuyên gia bóng đá phân tích: “Anh có nhiều tiền thì chơi theo kiểu nhiều tiền, tôi có ít tiền thì chơi theo kiểu ít tiền, đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật, tổ chức đối với giải đấu là được, cớ gì đòi tôi phải có bao nhiêu tiền? Phải có ràng buộc tài chính nhưng ràng buộc đó đều được xem xét dựa trên đòi hỏi hợp lý của nó. Chẳng hạn một đội bóng nợ lương cầu thủ 4 tháng liên tiếp thì bị loại khỏi La Liga, là cách để bảo vệ quyền lợi của các cầu thủ, những người tạo ra trận đấu.

UEFA đặt ra luật Công bằng tài chính giới hạn mức thua lỗ của các CLB, với mục đích “nhằm giúp duy trì sự ổn định của các câu lạc bộ bóng đá”, vì việc vung tay quá trán khiến nhanh chóng lên đỉnh cao có thể dẫn đến phá sản như Leeds United, và quan trọng hơn là ngăn chặn việc các ông chủ giàu có bơm tiền vô tội vạ vào CLB mình sở hữu như Manchester City, Paris Saint Germain, phá vỡ sự cạnh tranh lành mạnh, làm suy yếu các CLB hoạt động theo mô hình bền vững khác. Các CLB vi phạm có thể bị loại ra khỏi các giải đấu do UEFA tổ chức, hoặc bị phạt tiền để… chia cho các CLB không vi phạm để bù đắp sự bất công mà họ phải hứng chịu”. 

Tuần trước, khi Đồng Tháp chưa giải thể, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Ngọc Viễn, Tổng giám đốc VPF, Phó ban Cấp phép hành nghề VFF. Ông Viễn nói: “Trước khi quy định những con số về tài chính, chúng tôi đã phải cân nhắc rất kỹ và dựa vào những tính toán cụ thể. Số tiền 35 tỉ và 20 tỉ không cao vì đó là khoản tiền cần thiết để mỗi đội đầu tư cho đội A (trong đó riêng lương trả cho đội đã chiếm 40%) và cả cho đào tạo trẻ. Năm nay, VPF đã xin chủ trương của VFF là giảm cầu thủ ngoại và cầu thủ nhập tịch nên các đội cũng không còn bị quá áp lực về gánh nặng trả lương, phí chuyển nhượng như trước nữa. Báo chí đã nhiều lần phê phán là VPF hay nương tay, du di với các CLB nên lần này chúng tôi phải làm mạnh tay. CLB bắt buộc thực hiện đầy đủ quy định kiểm toán. Đội nào không đáp ứng được thì tùy mức độ sẽ phải xử lý”.

 Lan Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.