Bóng đá... không quay lưng

30/10/2014 18:37 GMT+7

(TNO) Mặc dù thời gian qua U.19 HAGL đã có được sức hút đáng kể đối với dư luận và người hâm mộ, nhưng thú thật là với trận chung kết Giải bóng đá U.21 quốc tế Báo Thanh Niên 2014 trên sân vận động Cần Thơ vào tối 28.10, lần đầu tiên tôi xem trọn vẹn suốt 90 phút U.19 HAGL thi đấu với U.21 Thái Lan. Cảm xúc thật trọn vẹn...

(TNO) Mặc dù thời gian qua U.19 HAGL đã có được sức hút đáng kể đối với dư luận và người hâm mộ, nhưng thú thật là với trận chung kết Giải bóng đá U.21 quốc tế Báo Thanh Niên 2014 trên sân vận động Cần Thơ vào tối 28.10, lần đầu tiên tôi xem trọn vẹn suốt 90 phút U.19 HAGL thi đấu với U.21 Thái Lan. Cảm xúc thật trọn vẹn... 

>> Xúc động với cảnh fan bại liệt nằm xem U.19 HAGL
>> U.19 HAGL vô địch bằng niềm tin tất thắng
>> Không có bầu Đức, sẽ không có chiến thắng của U.19 HAGL
>> CĐV phát cuồng với chức vô địch của U.19 HAGL
>> U.19 HAGL xứng đáng với ngôi vô địch

 
Người hâm mộ bóng đá Việt Nam không quay lưng với bóng đá sạch, đẹp - Ảnh: Độc Lập

Trọn vẹn vì các cầu thủ của chúng ta thì đấu rất tuyệt vời, hiệu quả. Trọn vẹn vì người dân đã thể hiện tuyệt vời sự mến mộ nồng nhiệt. Trọn vẹn vì chúng ta có dịp để khơi lên niềm hy vọng mới mẻ, niềm khao khát chiến thắng cho bóng đá Việt Nam.

Thử nói về một công thức thành công

Phải nói như thế nào cho đúng về chiến thắng 3-0 của U.19 HAGL trước U21 Thái Lan? Tôi nghĩ đây là một chiến thắng thuyết phục. Ngoại hình U.21 Thái Lan cao to hơn hẳn, kỹ thuật chơi bóng được đánh giá đẳng cấp hơn, kinh nghiệm trận mạc dày dạn hơn, từng có nhiều chiến tích hơn…, nhưng thực tế trong trận đấu này, họ đã “lép vế” trước các cầu thủ của chúng ta vốn thua kém họ 2-3 tuổi đời.

U.21 Thái Lan hầu như không có cơ hội triển khai lối đá sở trường giàu chất kỹ thuật, mạnh mẽ sức bền thể lực trong từng cầu thủ của họ. Nếu nói U.21 Thái Lan “buông” sẽ là cách nói hoàn toàn thiếu thuyết phục, sẽ không hợp lý và hợp tình. Dù chơi trong một giải đấu không chính thức mang tầm khu vực, nhưng một đội bóng được đánh giá là “đàn anh” thì điều hẳn nhiên là cần phải thắng. Thắng không phải để tự hào mà thắng vì danh dự, thắng để bảo vệ tầm vóc của một bậc đàn anh.

Thật buồn khi thời gian gần đây U.19 HAGL dù được khen đá đẹp, đá hay nhưng đã chưa một lần “đến được đỉnh vinh quang”. Có thể những lần mang chuông đi đánh xứ người phải đối đầu với những đội bóng vượt trội đẳng cấp. Có thể do thi đấu xa nhà rồi yếu tố ăn uống thay đổi, việc đi lại mất sức. Có thể do bị khớp vì trên sân thiếu sức mạnh cổ vũ tinh thần của người hâm mộ nước nhà…, khiến các cầu thủ trẻ không tạo được thành tích hoặc không bảo vệ được thành tích của mình.

Lý do thua thì có thể là vô vàn. Nhưng cụ thể trong trận đấu lần này với U.21 Thái Lan, tôi nghĩ các cầu thủ trẻ thắng được nhờ ào ạt thi đấu, ào ạt tấn công, ào ạt quyết tâm. Những sự ào ạt đó dựa trên một nền tảng kỹ thuật vốn có tương đối tốt đã tạo nên một chiến thắng thuyết phục. Liệu có thể xem đây là một công thức thành công cho các đội bóng của chúng ta?

Thử nói về một cách làm bóng đá

 
Bầu Đức được các cầu thủ U.19 HAGL công kênh sau chiến thắng trước U.21 Thái Lan - Ảnh: Độc Lập

Bầu Đức là một người làm ăn lớn nhưng có lẽ chưa hẳn đã giàu có lớn nhất. Ông đầu tư cho bóng đá cũng không có gì lạ, không có gì là quá khác biệt cả. Không ít đại gia Việt cũng đã đầu tư nhiều tiền lắm của cho bóng đá. Nhưng tôi nghĩ, ông chủ của U.19 HAGL đã có được thành công, chí ít là thành công bước đầu.

Sự thành công của bầu Đức là tạo được hình ảnh bóng đá đẹp. Đẹp từ phẩm chất kỹ thuật trong lối chơi. Đẹp từ lối sống bài bản của mỗi cầu thủ. Đẹp từ việc anh bỏ tiền ra nuôi dạy người ta nhưng không hề xem nhẹ tình yêu thương và vấn đề trách nhiệm. Những cái đẹp này chưa dám chắc sẽ được bền lâu hay không về sau này, nhưng với những gì đang diễn ra ở thì hiện tại, có thể khẳng định “ĐẸP” một cách chắc chắn được.

Cũng chính nhờ những cái đẹp đó, người hâm mộ đã thể hiện tình yêu nồng nhiệt với chính đội bóng U.19 HAGL nói riêng và với bóng đá nói chung. U.19 HAGL thi đấu trong nước, khán giả ào ạt đến sân cổ vũ, ngay cả khán giả ở một số nơi trước đó chưa từng “ăn với bóng đá, ngủ với bóng đá”, khi đi thi đấu quốc tế thì nhà nhà chờ đợi đến lúc mở màn trận đấu để bật tivi theo dõi.

Tôi nghĩ có lẽ khán giả không hẳn cần hay đòi hỏi vì sự mến mộ đó của mình mà buộc các cầu thủ phải ra sức mà đá. Chỉ cần mỗi cầu thủ đá vì danh dự của bản thân họ, vì cuộc sống, vì sự nghiệp của một cầu thủ chuyên nghiệp là đủ rồi. Anh không lo đá cho anh mà chỉ lo đá cho khán giả là một điều rất xa xỉ. Nói xa xỉ là vì nếu như thế - chỉ đá cho khán giả không thôi - thì thực ra là hô hào, chẳng bao giờ có hiệu quả thực tế được.

Không mê lắm bóng đá nhưng tôi thấy lo lo khi hiện có nhiều đội bóng xin rút khỏi V-League vì thiếu tiền hoạt động. Bóng đá Việt Nam sẽ ra sao khi giải đấu cao nhất quốc gia lại lèo tèo vài đội đá kiểu cho có, trong khi năm nào đội tuyển chúng ta cũng phải tham gia thi đấu năm bảy giải chính thức tầm khu vực và châu lục?

Tôi thử nói một chút về thực trạng bóng đá Việt Nam hiện nay. Lâm vào tình cảnh như bây giờ, hình như chúng ta mất quá nhiều năm “đi bằng 2 tay”, dù mang tiếng là đã tiến lên chuyên nghiệp?! Bóng đá phải sống được bằng chính bóng đá. Đó là một nguyên tắc sinh tồn của môn thể thao vua. Nhìn vào các CLB, các nền bóng đá lớn thì sẽ hiểu ngay chuyện này. Ở ta, bản thân bóng đá, bản thân CLB không làm ra đủ tiền mà nó “sống được” nhờ sự hào phóng của những ông bầu biết chắt chiu, dành dụm tiền lợi nhuận từ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thời buổi khó khăn đang kéo dài, thử hỏi liệu sẽ còn bao nhiêu ông bầu chắt chiu, dành dụm được đủ tiền để mà chi hào phóng, nuôi cầu thủ trong khi mỗi lần đội bóng ra sân thi đấu thì khán đài vắng tanh?

Nói về cách làm thì mỗi người sẽ có một cách. Nhiều vị nói nhiều, bàn nhiều, chê nhiều, hơn thua với nhau nhiều nhưng thực tế không chuyển biến đáng kể gì cả vì cách làm thiếu thực chất, thiếu độ đẹp nên đã khiến cho người hâm mộ quay lưng với bóng đá.

Tôi thì nghĩ có một cách đơn giản nhất, là làm gì thì làm nhưng các CLB ở V-League mỗi lần ra sân luôn đầy ắp người hâm mộ như đội U.19 HAGL ra sân. Mỗi cầu thủ ở V-League là một thần tượng trong mắt người hâm mộ, chí ít là với một vài người cũng được. Đầy ắp khán giả, chí ít cũng thu được tiền vé, tiền tài trợ sẽ nhiều hơn, tiền bản quyền truyền hình sẽ có giá hơn, áo thi đấu có chữ ký của thần tượng cũng sẽ bán được nhiều hơn...

Nghĩ đơn giản là thế nhưng thực tế thì sẽ không đơn giản đâu. Tôi mong sẽ có nhiều ông bầu giống như bầu Đức. Không cần phải giống về mặt “con người” mà cần giống về cách làm. Cách làm bóng đá đẹp. Cách làm bóng đá thiện cảm. Cách làm bóng đá để khán giả không quay lưng.

Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.