'Vùng trũng' đi World Cup

19/10/2014 08:32 GMT+7

(TNO) Giấc mơ World Cup từng xuất hiện từ rất lâu ở Đông Nam Á và từng có những nền bóng đá 'vùng trũng' này vạch ra những chiến lược tấn công vào World Cup cực kỳ mạnh mẽ.

(TNO) Giấc mơ World Cup từng xuất hiện từ rất lâu ở Đông Nam Á và từng có những nền bóng đá 'vùng trũng' này vạch ra những chiến lược tấn công vào World Cup cực kỳ mạnh mẽ.

>> Hạ đối thủ mạnh UAE, U.19 Myanmar đoạt vé dự World Cup
>> Chia tay Myanmar, U.19 Việt Nam hội ngộ tại Cần Thơ
>> U.19 Việt Nam thắng Myanmar, vé chung kết... đội trời

 
U.19 Myanmar là đội tuyển duy nhất của Đông Nam Á giành quyền chơi ở vòng chung kết World Cup U.20 - Ảnh: AFP

Vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, người Singapore từng thuê những ông thầy danh tiếng người Đan Mạch rồi vạch ra các dự án phát triển bóng đá đặc biệt với quyết tâm có thể tham dự World Cup vào những năm 2000. Nhưng đến bây giờ thì quốc gia ấy mới chỉ có thể đứng đầu "vùng trũng" chứ chưa thể mon men tới một phần nhỏ giấc mơ.
 
Nhiệm kỳ 3 Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), các quan chức bóng đá  cũng hạ quyết tâm đội tuyển Việt Nam phải cố gắng dự World Cup vào năm 2018 và mới đây thì chủ tịch VFF cũng nói đến "giấc mơ 2018" gắn liền với sự trình làng của một thế hệ U.19 giàu triển vọng. Song ai cũng hiểu đấy chỉ là những giấc mơ xa vời.
 
Nếu như ở cấp độ đội tuyển quốc gia (ĐTQG) nam, việc tham dự World Cup của bóng đá "vùng trũng" có lẽ phải rất, rất lâu nữa mới thành thì ở cấp độ ĐTQG nữ và các ĐTQG trẻ, chỉ trong 2 năm "vùng trũng" lại có tới 2 đại diện hoàn thành giấc mơ. Đầu tiên là ĐTQG nữ Thái Lan với vòng chung kết (VCK) World Cup nữ 2015 và mới nhất, nóng nhất là đội tuyển U.19 Myanmar với VCK World Cup U.20.
 
Câu hỏi đặt ra: bóng đá Việt Nam có liên quan gì đến hai sự kiện này?
 
Ở phương diện bóng đá nữ, Thái Lan giành vé dự World Cup sau khi thắng chính tuyển nữ Việt Nam trên chính sân nhà của Việt Nam. Trận đấu mà ông chủ tịch Liên đoàn sau này cứ suýt xoa, và không ngại chia sẻ với dư luận: "Nếu dẫn dắt đội tuyển nữ ở trận đấu ấy là thầy nội Mai Đức Chung, chứ không phải thầy ngoại Trần Vân Phát thì có thể mọi chuyện đã khác rồi".
 
Ở cấp độ đội tuyển U.19, ngay trước thềm VCK U.19 châu Á thì U.19 Myanmar đã thua tan tác U.19 Việt Nam 1-4 trên sân Mỹ Đình, và thế là người ta lại nếu: "Nếu vòng chung kết U.19 không diễn ra ở đất khách, rồi nếu ở đấy, U.19 Việt Nam không rơi vào một bảng đấu tử thần với Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản...".
 
Thực ra tất cả những cái "nếu" với cả đội tuyển nữ lẫn tuyển U.19 đều có ít nhiều lý lẽ. Nhưng khách quan nhìn nhận phải thấy là thực lực chúng ta không mạnh bằng đối phương. Cứ nhìn lại cái cách người Thái hai lần liên tiếp đè ta từ chung kết nữ SEA Games đến trận play - off giành quyền đi World Cup bằng một thế trận trên cơ và một nền tảng thể lực vượt trội là đủ hiểu.

 
U.19 Myanmar từng thua U.19 Việt Nam vì sức nóng khán giả tại sân Mỹ Đình - Ảnh: Bạch Dương


Rồi cứ nhìn lại cái cách U.19 Myanmar thua ta, nhưng nói theo nhiều người là họ "thua khán giả", "thua cái sức nóng ở Mỹ Đình" chứ không thua về trình độ (bằng chứng là ở giải U.22 Đông Nam Á trước đó, khi đá ở sân trung lập Brunei họ thắng ta 4-3) hẳn cũng hiểu vấn đề.
 
Ở đây mọi so sánh đều là khập khiễng, và mọi phân tích sau khi bóng ngừng lăn đều rất dễ bị quy kết là "nói cho sướng miệng" nhưng rõ ràng là ở cả hai chiến dịch giành vé đi World Cup với Thái Lan (bóng đá nữ), Myanmar (U.19) thì chúng ta cũng không mạnh đến mức như chúng ta lầm tưởng.
 
Thôi thì hãy tạm quên đi nỗi đau của riêng mình để cùng sống với những ngày hạnh phúc của giấc mơ "vũng trũng". Giấc mơ mà với nó đã có tới 2 đại diện "vùng trũng" giành vé đi World Cup, nhưng sau World Cup thì bóng đá "vùng trũng" có đổi đời nổi không vẫn là một câu chuyện dài.
 
Nó dài như chuyện ở cái "vùng trũng" này thì ai cũng bảo SEA Games là ao làng, và ai cũng hô hào là hãy quên cái ao ấy đi, nhưng khi làm chủ nhà SEA Games thì ai cũng cố vơ vét để cố đứng đầu cái ao bằng mọi giá!

Phan Đăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.