Không để U.19 Việt Nam thiệt thòi, nhưng không ưu ái thi cử

01/10/2014 10:05 GMT+7

(TNO) Trước việc nhiều cầu thủ U.19 Việt Nam trở thành tân sinh viên, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Phó giáo sư - Tiến sĩ (PGS-TS) Huỳnh Trọng Khải, hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm TDTT TP.HCM.

(TNO) Trước việc nhiều cầu thủ U.19 Việt Nam trở thành tân sinh viên, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Phó giáo sư - Tiến sĩ (PGS-TS) Huỳnh Trọng Khải, hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm TDTT TP.HCM.

>> Bầu Đức: U.19 Việt Nam phải học đến nơi đến chốn
>> Bầu Đức phấn khởi với lứa cầu thủ mới của Học viện HAGL JMG Arsenal
>> Bầu Đức: U.19 Học viện sẽ 'hút' khán giả đến với V-League

 
Phó giáo sư - Tiến sĩ (PGS-TS) Huỳnh Trọng Khải, hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm TDTT TP.HCM - Ảnh: Độc Lập

* Thưa ông, đâu là nguyên do để nhà trường nhận đào tạo nhiều cầu thủ U.19 VN và các cầu thủ từ học viện, năng khiếu HAGL?

PGS-TS Huỳnh Trọng Khải: Xem U.19 Việt Nam thi đấu tại Giải U.19 Đông Nam Á 2013, chúng tôi có suy nghĩ rằng đây là một lứa cầu thủ tài năng, nên không thể để họ thiệt thòi như các thế hệ đàn anh của mình.

Vận động viên Việt Nam còn nhiều thiệt thòi bởi ở thời kỳ đỉnh cao họ phải cống hiến, không được tạo điều kiện đi học đại học vì địa phương sợ ảnh hưởng thành tích. Đến khi họ giả từ sàn đấu, lúc đã lớn tuổi thì mới được đi học. Ở tuổi này, họ rất khó tiếp thu bài vở, đó là chưa kể phải lo cơm áo gạo tiền của gia đình, nên khó toàn tâm toàn ý với việc học.

 

Khi cầu thủ tập luyện tại Gia Lai, trường sẽ cử giáo viên lên Gia Lai để dạy cho các em. Nếu các cầu thủ có thời gian tập huấn dài hạn tại TP.HCM, trường cũng sắp xếp để tổ chức lớp học. Chúng tôi sẽ nỗ lực để các em có thể học một cách hợp lý nhất.

Đội ngũ giáo viên của trường đã từng thỉnh giảng ở khắp 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nên chúng tôi đủ giáo viên để cử lên Gia Lai dạy các môn học cho cầu thủ U.19 Việt Nam và các sinh viên khác

PGS-TS Huỳnh Trọng Khải
Vì thế, để thế hệ cầu thủ U.19 Việt Nam không thiệt thòi, chúng tôi đã suy nghĩ tìm phương án để các em có thể học đại học ngay lúc còn thi đấu, đúng độ tuổi với các bạn cùng trang lứa, để ít ra các em cũng có một nghề khi nghỉ thi đấu. Rất may chúng tôi và HAGL cùng nghĩ đến việc này, nên cả hai đã nhanh chóng bắt tay hợp tác với nhau.

* Thưa ông cầu thủ vừa thi đấu vừa học đại học ắt hẳn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp thời gian?

PGS-TS Huỳnh Trọng Khải: Đây cũng là điều lo ngại với chúng tôi, nên chúng tôi đã ngồi lại với nhau để tìm phương án tối ưu nhất. Trường chúng tôi là đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện phương án này, nên ắt hẳn sẽ có nhiều trở ngại, nhưng chúng tôi sẽ thu xếp thời khóa biểu cho các cầu thủ một cách hợp lý nhất.

Khi cầu thủ tập luyện tại Gia Lai, trường sẽ cử giáo viên lên Gia Lai để dạy cho các em. Nếu các cầu thủ có thời gian tập huấn dài hạn tại TP.HCM, trường cũng sắp xếp để tổ chức lớp học. Chúng tôi sẽ nỗ lực để các em có thể học một cách hợp lý nhất.

Đội ngũ giáo viên của trường đã từng thỉnh giảng ở khắp 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nên chúng tôi đủ giáo viên để cử lên Gia Lai dạy các môn học cho cầu thủ U.19 Việt Nam và các sinh viên khác.

* Chương trình học đại học thường khá nặng nề, ông có lo ngại cầu thủ sau khi tập luyện mệt mỏi khó có thể tiếp thu tốt bài học?

PGS-TS Huỳnh Trọng Khải: Chúng tôi đang nghiên cứu để bố trí giáo án hợp lý nhất để làm sao những buổi học cũng là lúc các em hồi phục sau những buổi tập. Điều quan trọng là không tạo nên sức ép bài vở vì sẽ phản tác dụng nếu các cầu thủ bị áp lực dẫn đến việc chán nản. Điều này vừa ảnh hưởng chuyên môn mà cũng không tiếp thu được bài vở. Chúng tôi sẽ có giáo án hợp lý nhất để các buổi học luôn tạo hứng thú với cầu thủ.

* Thời gian học đại học của các cầu thủ sẽ kéo dài bao lâu thưa ông?

PGS-TS Huỳnh Trọng Khải: Các sinh viên bình thường chỉ học khoảng 140 tín chỉ, thì các cầu thủ này sẽ phải học hơn 150 tín chỉ, vì các em phải học thêm những môn học mà HAGL yêu cầu như: Kinh doanh thể thao, truyền thông trong thể thao…

 
Công Phượng (trái) và đồng đội ở U.19 Việt Nam sẽ không được ưu ái trong thi cử khi học đại học - Ảnh: Minh Trần

Các cầu thủ đã giỏi bóng đá nên giáo án về môn bóng đá sẽ được rút gọn lại. Tương tự, nếu cầu thủ nào đã giỏi ngoại ngữ thì chúng tôi cũng giảm bớt các tiết học ngoại ngữ. Chúng tôi được biết rằng cầu thủ ở Học viện HAGL Arsenal JMG đều có học lực khá trở lên, nên tin tưởng họ sẽ tiếp thu bài vở tốt. Với việc bố trí thời gian hợp lý, tôi nghĩ thời gian để các em tốt nghiệp đại học sẽ không quá 5 năm.

* Liệu cầu thủ có được ưu ái trong việc thi cử không thưa ông?

PGS-TS Huỳnh Trọng Khải: Chúng tôi và anh Đoàn Nguyên Đức đều quán triệt là cầu thủ phải học đến nơi đến chốn, nên các buổi thi cử sẽ rất nghiêm túc. Cầu thủ nào không làm bài tốt thì buộc phải học lại, thi lại như bao sinh viên khác, chứ không hề được ưu ái.

* Thời điểm nào các cầu thủ sẽ học học kỳ đầu tiên thưa ông?

PGS-TS Huỳnh Trọng Khải: Lịch thi đấu của các cầu thủ khá dày, nên sau vòng chung kết U.19 châu Á, chúng tôi sẽ tranh thủ thời gian để cho các em học những môn đầu tiên, bởi đến tháng 12 các em lại thi đấu tại Giải Sinh viên Đông Nam Á và sau đó là V-League.

* Cầu thủ sẽ theo học chuyên ngành nào tại trường thưa ông và với tấm bằng này, khi ra trường họ thể làm việc gì?

PGS-TS Huỳnh Trọng Khải: Với tấm bằng tốt nghiệp chuyên ngành Giáo dục thể chất, các em có thể dạy giáo dục thể chất từ bậc tiểu học cho đến đại học. Ngoài ra, chuyên sâu ngành bóng đá sẽ giúp các em có thể trở thành HLV nếu có thêm các bằng cấp khác theo quy định.

Quang Huy (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.