Từ U.19 đến Olympic Việt Nam: Trong chu kỳ 'rốt đa'

16/09/2014 12:53 GMT+7

(TNO) Bạn buồn lắm với thất bại của U.19 Việt Nam trong trận chung kết U.19 Đông Nam Á trước Nhật Bản? Bạn sốc và hạnh phúc lắm với chiến thắng 4-1 của Olympic Việt Nam trước Iran? Là người hâm mộ, bạn có quyền sống trong những thứ cảm xúc rất nhất thời như thế.

(TNO) Bạn buồn lắm với thất bại của U.19 Việt Nam trong trận chung kết U.19 Đông Nam Á trước Nhật Bản? Bạn sốc và hạnh phúc lắm với chiến thắng 4-1 của Olympic Việt Nam trước Iran? Là người hâm mộ, bạn có quyền sống trong những thứ cảm xúc rất nhất thời như thế.

>> Cầu thủ Olympic Việt Nam: Nghe tin Iran có cầu thủ dự World Cup càng sung hơn
>> HLV Olympic Iran: Từ đầu tôi đã nói tuyển Olympic Việt Nam rất khó chơi
>> Nhà báo Quang Tuyến: Iran hoảng loạn trước lối chơi linh hoạt của Olympic Việt Nam

 
Cổ động viên U.19 Việt Nam tại sân Mỹ Đình - Ảnh: Bạch Dương

Nhưng điềm đạm suy xét lại hẳn bạn sẽ thắc mắc: cái giải U.19 kia là của Đông Nam Á, hà cớ gì lại mời thêm Nhật Bản, và cả Úc cho... rách việc? Hà cờ gì mà chủ nhà Việt Nam lại nằm ở một bảng đấu có cả hai ông kẹ này?

Câu trả lời thật đơn giản: Chúng ta mời họ đến đây để được đá, được cọ xát, được học hỏi trước khi chính thức bước vào sân chơi quan trọng nhất là vng chung kết U.19 châu Á vào tháng sau. Nếu đã mời người ta đến với mục đích được cọ xát, học hỏi như vậy thì thắng hay thua đều hữu ích với ta.

Riêng với đội tuyển Olympic Việt Nam, chiến thắng 4-1 trước Iran "oách" thật, nhưng nếu nhìn lại dòng lịch sử và thấy rằng đội tuyển U.23 Việt Nam từng thắng cả đội tuyển quốc gia Hàn Quốc thì cái "oách" này chưa thấm vào đâu.

Vũ Như Thành - một trong những trụ cột tạo nên chiến thắng lịch sử trước Hàn Quốc năm 2003 kể rằng trên máy bay từ xứ Muscat (Oman) - nơi diễn ra trận đấu trở về Hà Nội thì anh và các đồng đội của anh đã ở vào trạng thái lâng lâng, chếnh choáng.

Và hậu quả của cái trạng thái lâng lâng chếnh choáng là ở JVC Cup - một giải đấu diễn ra ngay sau đó, đã có hơn một tuyển thủ "có vấn đề" khiến đội tuyển tự chết ở vòng bán kết. Nói lại câu chuyện này để thấy một cái "oách" trong một khoảnh khắc nào đó có thể lại là mầm hoạ.


Cổ động viên Olympic Việt Nam tại sân Ansan (Hàn Quốc) - Ảnh: Quang Tuyến

Trở lại với chiến thắng gây sốc của Olympic Việt Nam tại ASIAD 17, ai cũng hiểu ASIAD không phải là sân chơi mà bóng đá Việt Nam quyết ăn thua tới cùng. Trái lại, ngay từ đầu và rất thực tế: nó được xác định là một cuộc tập dượt cho chiến trường SEA Games vào năm sau.

Hiểu rõ tính chất tập dượt ấy nên khi những lá thăm đưa đội tuyển Olympic Việt Nam vào một bảng đấu chỉ có 3 đội (thay vì 4 đội như phần lớn các bảng còn lại) thì HLV trưởng Toshya Miura đã tỏ ra tiếc nuối. Bởi ở một bảng 3 đội sẽ đá ít hơn bảng 4 đội 1 trận, và vì thế mà cơ hội cọ xát, tập dượt sẽ ít đi.

Cũng vì hiểu rõ tính chất tập dượt ấy nên sau khi đại thắng Olympic Iran, ông Miura một mặt khen ngợi cầu thủ, mặt khác không quên nhắc nhở cái đích chính mà các cầu thủ phải hướng đến là ở đâu.

U.19 có nhiệm vụ chiến lược của U.19, Olympic có nhiệm vụ chiến lược của Olympic. Và trong quá trình tập dượt, chuẩn bị cho nhiệm vụ chiến lược đó thì một trận thắng (cho dù là thắng Iran) hay một trận thua (cho dù là thua ở lần vào chung kết thứ ba trong hai năm) xét cho cùng cũng phải được nhìn nhận, tiêu hóa một cách vừa phải.

Bi kịch hóa một cái thua hay tô vẽ, thần thánh hóa một chiến thắng trong giai đoạn "rốt đa" này chắc chắn sẽ dẫn đến lợi bất cập hại.

Ở giai đoạn "rốt đa", người ta cần sự tích luỹ, điềm đạm trong chính nội lực của mình và trong cả cái cách mà dư luận nhìn nhận, đánh giá mình.

Ở giai đoạn "rốt đa" chớ dại mà tắt máy giữa chừng hay bỗng nhiên rồ ga, phóng vèo một cái!

Phan Đăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.