Điều mong ước cho ông Miura

05/09/2014 08:41 GMT+7

(TNO) Ông Toshiya Miura cùng người trợ lý ngôn ngữ đứng sát đường biên theo dõi hai đội tuyển (quốc gia và Olympic) của mình 'nội chiến'. Và sau cuộc 'nội chiến' ấy thì ông thừa nhận còn rất nhiều việc phải làm, trong đó quan trọng nhất là làm sao để cả hai đội tuyển đều chơi bóng nhanh hơn, hiện đại hơn, bớt 'Việt Nam' hơn.

(TNO) Ông Toshiya Miura cùng người trợ lý ngôn ngữ đứng sát đường biên theo dõi hai đội tuyển (quốc gia và Olympic) của mình 'nội chiến'. Và sau cuộc 'nội chiến' ấy thì ông thừa nhận còn rất nhiều việc phải làm, trong đó quan trọng nhất là làm sao để cả hai đội tuyển đều chơi bóng nhanh hơn, hiện đại hơn, bớt 'Việt Nam' hơn.

>> HLV Miura yêu cầu tuyển thủ Việt Nam chơi bớt rườm rà
>> Tấn Tài và Công Vinh tự tin sẽ ‘hiểu’ được ý đồ của thầy Miura
>> HLV Miura thất vọng về tuyển Olympic Việt Nam
>> HLV Miura trẻ hóa mạnh mẽ đội Olympic Việt Nam
>> Ông Miura cần người 'cộng cảm

 
HLV Toshiya Miura (giữa) đòi hỏi rất khắc khe - Ảnh: Minh Tú

Yêu cầu chơi nhanh đã được ông Miura đặt ra ngay từ buổi làm việc đầu tiên với cả hai đội tuyển. Ông hiểu đó là yêu cầu khó với những con người mà trung bình một trận đấu chỉ chạy khoảng 5,7 km (trong khi con số này ở các cầu thủ châu Á là 10 km), nhưng với ông đấy là một yêu cầu bắt buộc để nâng cấp một tập thể đã mất quá nhiều sức sống.

Khi một cầu thủ trẻ, nổi tiếng là giỏi kỹ thuật đã phô diễn chất kỹ thuật vốn có của mình trong một buổi tập thì ông Miura đã lập tức "cắt còi" đề nghị cầu thủ này phải xử lý lại. Trong cái nhìn của ông thì dẫu có giỏi đến mấy những cầu thủ này cũng không phải Ronaldo hay Messi, nên tuyệt đối không được đá theo kiểu của Ronaldo hay Messi ở đội bóng do ông dẫn dắt.

Chỉ mỗi cái yêu cầu "chơi nhanh, chơi ít chạm" ấy thôi ông Miura đã phải vất vả với cả hai đội tuyển, đặc biệt là đội tuyển Olympic. Cứ nhìn những lần ông cắt còi la hét các cầu thủ hay những cái lắc đầu kèm theo cụm từ "không hài lòng" sau mỗi trận đấu là đủ thấy ông sẽ phải tiếp tục vất vả như thế nào.

Mà bên cạnh yêu cầu số 1 về việc "chơi nhanh, chơi hiện đại" thì ở cả hai đội tuyển này vẫn còn nhiều vấn đề khác, hướng đến những mục tiêu rất khác. Khổ thân ông Miura cứ phải chạy đi chạy lại giữa hai đội tuyển và sẽ phải căng đầu lên với những con tính cho từng đội tuyển.

Hồi ông mới ký hợp đồng, đã có nhà báo hỏi thẳng: "Ông có sợ bị quá tải khi cùng lúc cầm cả đội tuyển quốc gia lẫn U.23 hay không" thì ông đã trả lời là "không!". Đấy cũng là cái "không" mà một trong những người tiền nhiệm danh tiếng của ông ở đội tuyển Việt Nam, cựu thầy Calisto từng nói đến.

Nhưng thực tế là từ năm 2009 đến 2010 ông Calisto đã thất bại trong tất cả các mục tiêu với cả đội tuyển quốc gia lẫn U.23 Việt Nam mà mình đảm nhận. Thất bại ngay cả khi trong tay ông là một ê kíp trợ lý trong mơ - những người dạn dày chinh chiến ở đấu trưởng V.League như Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Sỹ, khác hẳn so với sự "mỏng cơm" của ê kíp trợ lý cho ông Miura bây giờ.

Có chi tiết đáng lưu ý là sau khi Calisto thât bại với mô hình "2 trong 1" thì Tổng cục TDTT đã có công văn đề nghị VFF phải tuyệt đối chấm dứt mô hình huấn luyện này. Nhưng đến giờ, có lẽ một phần vì tôn trọng ý kiến của ông Miura, một phần cũng không tìm được những ông thầy thực sự "ưng cái bụng" mà Liên đoàn bóng đá Việt Nam buộc phải trái lệnh cấp trên.

Thôi thì cứ mong  rằng ông Miura trẻ hơn ông "Tô" nên có khả năng chịu đựng áp lực lớn hơn ông "Tô". Và cũng mong là những trợ lý người Việt rồi sẽ có những sự chia lửa đặc biệt với một người mới chỉ "cưỡi ngựa xem hoa" ở bóng đá Việt Nam, nên chưa thể hiểu bóng đá Việt Nam từ gốc gác như ông.

Chỉ có như thế thì ông thầy 51 tuổi mới không phải đối diện với cái ngày cằn khô vì áp lực!

Phan Đăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.