Đào tạo phản khoa học nên dễ chấn thương

29/08/2014 03:00 GMT+7

Từ trước đến nay, hầu như không đợt tập trung nào dù là dưới thời HLV ngoại hay nội, các bác sĩ của đội tuyển VN lại không phải chạy đôn chạy đáo để điều trị và chăm sóc chấn thương cho cầu thủ.

Từ trước đến nay, hầu như không đợt tập trung nào dù là dưới thời HLV ngoại hay nội, các bác sĩ của đội tuyển VN lại không phải chạy đôn chạy đáo để điều trị và chăm sóc chấn thương cho cầu thủ.

 

 
HLV Miura kiểm tra chấn thương của Đinh Tiến Thành, cầu thủ này đã được cõng ra sân vì quá đau đớn - Ảnh: Ngô Nguyễn

Tiền đạo Công Vinh từng không thể thi đấu trận tuyển VN gặp Hồng Kông ở vòng loại Asian Cup 2015 vào tháng 3 năm ngoái bởi trước đó đúng một ngày, sau pha va chạm rất mạnh với đồng đội, anh bị chấn thương gân cổ chân. Vinh nói: “Cầu thủ luôn vận động với cường độ cao và sau thời gian dài tập luyện, thi đấu, thể lực ắt hẳn sẽ bị bào mòn, cơ bắp sẽ bị lão hóa. Nhất là khi phải tập luyện với khối lượng nặng thì nguy cơ dính chấn thương hoặc tái phát chấn thương là cực cao”.

Vinh cho rằng ở VN, ngay ở cấp CLB cũng chưa thực sự chú trọng về vấn đề chăm sóc thể lực cầu thủ từ tấm bé: “Đáng nhẽ, các CLB cũng cần phải xây dựng hệ thống chuyên biệt để rèn luyện và tích lũy thể lực khi cầu thủ mới đang ở lứa tuổi nhỏ. Nhưng vì điều kiện kinh tế chưa cho phép nên bóng đá VN chưa thể có những hệ thống dạng này. Vì thế, cầu thủ VN nền tảng thể lực không được tốt, chiều cao cũng vậy. Khi lên tuyển, do HLV ngoại phát hiện nền tảng thể lực không tốt nên nhồi các bài tập. Thế là dù mọi người đều rất có ý thức giữ gìn nhưng cũng không tránh khỏi chấn thương. Năm 2010, tôi cũng đã từng phải sang Bồ Đào Nha để phẫu thuật chấn thương dây chằng đầu gối”.

HLV Mai Đức Chung, Trưởng ban Các đội tuyển quốc gia VFF đưa ra một lăng kính khác: “Theo dõi đội tuyển cũng như các CLB từ nhiều năm nay, tôi nhận thấy một thực tế là chấn thương xảy ra do một loạt nguyên nhân, trong đó sân bãi xấu và cầu thủ không có ý thức bảo vệ đôi chân đồng nghiệp, nên kể cả lúc tập luyện cũng vào bóng rất thô bạo. Nhưng tôi thấy rất lo lắng bởi phương pháp đào tạo không khoa học, ăn uống thiếu chất, tập luyện quá sức. Và một thực tế khá nguy hiểm là nhiều CLB đào tạo hết sức phản khoa học, không phân biệt lứa tuổi để áp dụng những bài tập sức bền, sức mạnh mà cho tập tràn lan, đại trà, dẫn đến cầu thủ không tích lũy được sức mạnh mà lại dễ chấn thương. Chúng tôi và lãnh đạo VFF cũng sẽ có những cuộc họp bàn cụ thể để hướng các CLB tới việc chăm sóc thể lực cầu thủ đúng cách”.

Thiếu bác sĩ tận tâm và HLV chuyên thể lực

Năm ngoái, khi quay lại VN để khám chữa cho nhiều cầu thủ VN, tiến sĩ người Đức Nobert Moss (người từng mổ cho các danh thủ Hồng Sơn, Minh Chiến…) đã nhận định về chấn thương trong bóng đá Việt: “Tôi không ngạc nhiên với cách mà các VĐV được chăm sóc về y tế.  Ở VN, dường như không có kiểm tra sức khỏe định kỳ cho VĐV, cầu thủ một cách nghiêm túc do sự thiếu tận tâm của bác sĩ. Có những người bị chấn thương mà cứ cố gắng chịu đau để thi đấu, vì sức ép thành tích, và cuối cùng họ chịu những bệnh kinh niên như đau lưng, hay dây chằng. Ở VN có lẽ cần thêm nhiều bác sĩ chuyên về thể thao, chứ cứ để HLV chăm lo luôn vấn đề thể lực cầu thủ thì cực kỳ bất ổn”.

Ông Moss đề nghị: “Cầu thủ ở VN cần phải được kiểm tra sức khỏe hằng năm, việc này đâu có đắt đỏ gì, chỉ cần kiểm tra tim phổi, các khớp xương. Và rà soát lại lực lượng VĐV, cầu thủ, kiểm tra một cách khoa học xem họ có thể thành công trong tương lai hay không, nếu họ không thể thì đừng gây sức ép làm gì. Cần kiểm tra chức năng tim và phổi, kiểm tra những phối hợp vận động một cách thường xuyên liên tục”.

Tiến sĩ Vũ Công Lập đưa ra lời khuyên: “VN cần học tập các nước trên thế giới là nghiên cứu nghiêm túc và thống kê, phân loại kỹ các dạng chấn thương. Mục tiêu của việc áp dụng y học thể thao này là nhằm giúp các CLB phòng ngừa và chữa trị chấn thương cầu thủ”.

VFF vừa quyết định tăng cường bác sĩ Đồng Xuân Lâm (HAGL) cho đội tuyển U.19 VN từ nay cho đến hết VCK U.19 châu Á.

Đây là điều rất cần thiết, bởi trước đây đội tuyển chỉ có một bác sĩ Hoàng Nghĩa Dương, nên không thể chu toàn hết cho 22 cầu thủ. Hiện tiền vệ Quang Hải đã phục hồi. (Q.Huy)

HLV Miura sẽ tự điều chỉnh giáo án

Trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên ngày hôm qua, ông Trần Quốc Tuấn - Phó chủ tịch VFF nói: “Do nền tảng thể lực của đa phần cầu thủ từ CLB chưa tốt nên phải nhờ những buổi tập nặng như ông Miura đang cho đội tập thì mới tích lũy được sức mạnh, sức nhanh cho đến ngày thi đấu. VFF không thể can thiệp sâu vào chuyên môn của HLV Miura và ông sẽ tự điều chỉnh mức độ để các bài tập phù hợp với thể trạng cầu thủ VN. Trong chuyến tập huấn bên Nhật sắp tới, đội sẽ có thêm HLV thể lực người Nhật”. (L.P)

Lan Phương

>> Vòng loại ASIAN Cup 2015: Bộ mặt sáng sủa của tuyển VN
>> Sân Mỹ Đình 'làm giá' trận vòng loại Asian Cup 2015
>> Thua Uzbekistan, tuyển Việt Nam hết hy vọng ở vòng loại Asian Cup 2015

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.