Lật lại hồ sơ bóng đá đen: Không thủng vì đạn mà thủng vì tiền !

05/08/2014 03:00 GMT+7

“Đạn bắn không thủng” là cụm từ mà nguyên Trưởng ban tổ chức giải Dương Nghiệp Khôi từng phong cho một số trọng tài thổi tốt, không tì vết. Nhưng trong vụ tiêu cực liên quan đến đội Ngân hàng Đông Á-Thép Pomina gần 10 năm trước, rất nhiều ông vua áo đen đã thủng từ trên xuống dưới.

“Đạn bắn không thủng” là cụm từ mà nguyên Trưởng ban tổ chức giải Dương Nghiệp Khôi từng phong cho một số trọng tài thổi tốt, không tì vết. Nhưng trong vụ tiêu cực liên quan đến đội Ngân hàng Đông Á-Thép Pomina gần 10 năm trước, rất nhiều ông vua áo đen đã thủng từ trên xuống dưới.

Mua độ nhiều trận

 
Trọng tài Lương Trung Việt trước vành móng ngựa - Ảnh: K.T.L

Câu chuyện của đội Ngân hàng Đông Á-Thép Pomina (ĐATP) đến nay vẫn còn là nỗi đau của bóng đá VN khi đội bóng này muốn nhanh chóng trở thành thế lực mới, muốn gầy dựng hình ảnh một cách mạnh mẽ nên ngoài việc xây dựng bộ máy hùng hậu thì đã có nhiều trò “đi tắt đón đầu” khiến cho không chỉ tiền mất tật mang mà còn dẫn đến chuyện xóa sổ luôn đội bóng chỉ sau chưa đầy 4 năm tồn tại.

Năm 2002, Ngân hàng Đông Á tiếp nhận đội bóng chuyển giao từ đội Công an TP.HCM với quyết tâm làm lại. Với lực lượng hùng hậu, đội bóng của HLV Fransico Vital ngay mùa đầu tiên đã giành huy chương đồng, xếp sau Cảng Sài Gòn và Sông Lam Nghệ An. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang khi 2 năm sau, dù được Thép Pomina tài trợ và ghép tên chung, nhưng ĐATP đã về chót trong 12 đội và cùng Thể Công xuống hạng. Đau cho ĐATP khi đó là mùa bóng này họ có sự cải tổ theo gương của Hoàng Anh Gia Lai khi tăng cường nhiều cầu thủ xuất sắc đến từ Thái Lan như Therdsak Chaiman, Niweat, Sakda… Nhưng kết quả HAGL giành ngôi vô địch QG còn hàng Thái của ĐATP càng chơi càng tệ.

Nóng mặt vì đầu tư nhiều mà lại thi đấu bết bát dẫn đến việc xuống hạng, ĐATP đã quyết định làm cuộc cách tân trong năm 2005 với quyết tâm thăng hạng. Lãnh đạo đội khi đó là ông Đặng Phước Dừa cùng với Giám đốc điều hành Nguyễn Tiến Huy đã mời cựu HLV đội Sông Lam Nghệ An Nguyễn Thành Vinh, Giám đốc kỹ thuật Vũ Tiến Thành về tham gia quản lý, dẫn dắt đội. Ngay lập tức sự ăn ý của bộ đôi này đã giúp ĐATP có nhiều chiến tích khi giành hạng ba ở mùa giải hạng nhất năm 2005 để lên hạng. Đặc biệt là trận đấu nghẹt thở ở vòng cuối ngày 30.7.2005 khi vượt qua Tôn Hoa Sen Cần Thơ (CT) trong gang tấc. Đáng tiếc là niềm vui của đội ĐATP đã nhanh chóng sụp đổ khi cơ quan điều tra phát hiện rất nhiều lần lãnh đạo và ban huấn luyện đội bóng TP.HCM này dùng tiền mua chuộc, bồi dưỡng trọng tài để làm sai lệch kết quả khoảng 6 - 8 trận đấu. Nổi cộm nhất là việc dùng 130 triệu đồng để “thưởng” cho tổ trọng tài đã thổi trận đấu cuối cùng trên sân Thống Nhất quyết định chiếc vé thăng hạng giữa ĐATP và CT.

14 trọng tài dính chàm

Danh sách các trọng tài liên quan đến việc nhận tiền hối lộ vào thời điểm đó lên đến 14 người, trong đó 6 người phải ra trước vành móng ngựa trong 2 phiên xét xử sơ thẩm ngày 26.6.2006 và phúc thẩm ngày 22.11.2006, gây sửng sốt cho giới hâm mộ. Đồng tiền đã làm cho những vị vua áo đen tưởng như “đạn bắn không thủng” này trở thành những con người hư hỏng rất nhanh, đánh mất giá trị bản thân mình, làm thui chột tư cách vua sân cỏ và làm hoen ố hình ảnh giới trọng tài khiến dư luận mất niềm tin vào sự trung thực, trong sáng trong các trận đấu của giải hạng nhất VN.

Cầm đầu trong nhóm “bị thủng” dễ dàng là Lương Trung Việt. Trọng tài người Trà Vinh này không chỉ nhận tiền hối lộ trong những trận mình điều hành mà còn môi giới cho nhiều trọng tài khác nhận quà từ tay của phía lãnh đạo và Ban huấn luyện đội ĐATP. Chính Việt đã khai nhận rất nhiều lần hoặc được gợi ý hoặc chủ động gọi điện cho những người quản lý đội ĐATP để thực hiện trót lọt các phi vụ một số trận đấu của ĐATP không chỉ của năm 2005 mà cả năm 2004. Việt khai sau trận đấu ngày 5.4.2004 giữa ĐATP và Thép Việt Úc Hải Phòng, trọng tài này đã cầm 12 triệu đồng của Giám đốc điều hành ĐATP Nguyễn Tiến Huy đưa trọng tài Lê Văn Tú. Hay tổ trọng tài Lê Văn Tú (Khánh Hòa) làm chính và Nguyễn Quang Huy, Phạm Công Đức (trợ lý), Nguyễn Tiến Dũng (trọng tài thứ tư) thổi trận quyết định giữa ĐATP gặp CT giúp đội này lên hạng vào năm 2005 cũng được Việt móc nối và đã nhận 130 triệu đồng của ban lãnh đạo đội này.

Thông qua Việt, các trọng tài khác như Phạm Hữu Lộc (Bình Định), Vũ Trọng Chiến (Hải Phòng), Trương Thế Toàn (Hà Nội), Hoàng Thế Dũng (Thái Bình), Nguyễn Hữu Thành (Khánh Hòa), Thái Thượng Triết (An Giang), Nguyễn Đức Vũ (Bình Thuận), Trần Đại (Quảng Ngãi), Vũ Bá Lâm (Thanh Hóa) cũng đều dính phốt nhận tiền. Như tổ trọng tài Triết - Đại - Lâm “dính” trận ĐATP và Huda Huế, mỗi người từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng. Trọng tài Trương Thế Toàn “dính” trận ĐATP gặp Đà Nẵng trên sân Chi Lăng năm 2004 với khoảng 20 triệu đồng. Ngoài ra trường hợp trọng tài Vũ Trọng Chiến khai nhận 4,8 triệu đồng từ sự môi giới của Việt cho phía đội CT trong trận gặp Quân khu 5 mà người chi tiền là ông Lê Văn Cường, Giám đốc điều hành đội CT.

Điểm chung của 14 trọng tài này đều là nhận tiền từ đội bóng và thao túng bằng tiếng còi và cầm cờ của mình. Sở dĩ họ tập trung nhiều vào các đội bóng có mác doanh nghiệp vì dễ kiếm chác, dùng ảnh hưởng của mình để gây áp lực với lãnh đạo và ban huấn luyện các đội nếu muốn tồn tại, muốn có thành tích thì phải “mua” tiếng còi của mình.

Nhóm PV thể thao

>> Lật lại hồ sơ bóng đá đen: Dùng tiền bôi trơn chức vô địch
>> Lật lại hồ sơ bóng đá đen: Thế lực ngầm sau lưng Trương Tấn Hải
>> Lật lại hồ sơ bóng đá đen: Bán thắng để lấy 300 triệu đồng
>> Lật lại hồ sơ bóng đá đen: 'Cơn nghiện' hủy hoại tương lai
>> Lật lại hồ sơ bóng đá đen: Chơi dao có ngày đứt tay
>> Lật lại hồ sơ bóng đá đen: Bán độ được trận này sẽ bán tiếp trận khác

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.