Cám ơn ông, 'họa sĩ' tài hoa của bóng đá Sài Gòn

03/06/2014 16:22 GMT+7

(TNO) Vậy là HLV Phạm Huỳnh Tam Lang, người viết lên những trang sử đẹp cho bóng đá Sài Gòn trên cả cương vị cầu thủ lẫn HLV, đã ra đi.

(TNO) Vậy là HLV Phạm Huỳnh Tam Lang, người viết lên những trang sử đẹp cho bóng đá Sài Gòn trên cả cương vị cầu thủ lẫn HLV, đã ra đi.

>> Tam Lang, một nhân cách thể thao lớn
>> Cộng đồng mạng thương tiếc HLV Tam Lang
>> HLV Tam Lang vẫn đau đáu nỗi niềm bóng đá TP.HCM

 
Từ khi HLV Tam Lang chia tay Cảng Sài Gòn, bóng đá Sài Gòn không chỉ mất luôn thương hiệu “đẹp” truyền thống mà còn mất luôn cái tên trên bản đồ bóng đá nước nhà - Ảnh: Bạch Dương

Không chỉ đẹp về thành tích (1 chức vô địch Cúp Merdeka trong vai trò cầu thủ và 4 chức Vô địch Quốc gia (VĐQG), 2 Cúp Quốc gia khi làm HLV cho Cảng Sài Gòn) mà ông còn khiến người hâm mộ bóng đá Sài Gòn mê mẩn ăn, ngủ cùng thứ bóng đá đẹp trong suốt thời gian dài. Cái đẹp, cái say bóng đá mà ông đem lại có lẽ sẽ còn được người hâm mộ bóng đá Sài Gòn nói riêng và cả nước nói chung nhớ mãi.

Có lẽ ít người biết, để làm nên cái đẹp đó, ông cũng đã phải trải qua biết bao thăng trầm trong sự nghiệp cầm quân. Chính thức về dẫn dắt Cảng Sài Gòn (CSG) từ năm 1983, cũng là thời điểm ông tiếp nhận lứa cầu thủ trẻ tốt nghiệp trường Năng khiếu nghiệp vụ đầu tiên của TP.HCM như Đặng Trần Chỉnh, Hà Vương Ngầu Nai, Võ Hoàng Tân, Phạm Văn Tám…, cộng với những tài năng trẻ do ông phát hiện như Phan Hữu Phát, Nguyễn Thanh Tùng…, ông đã khiến CSG lột xác trong lối chơi tại giải VĐQG. Nhưng cũng từ đây, áp lực thành tích phải VĐQG của lãnh đạo ngành TDTT thành phố càng lớn vì từ khi giải chính thức ra đời (1980) các chức vô địch đều thuộc về các đội bóng miền Bắc.

Hai mùa bóng 1984 và 1985 đội CSG của ông đều không thể vào đến bán kết, nhưng không vì thế mà người hâm mộ bóng đá quay lưng lại với ông và CSG. Trái lại, cho dù đội có thi đấu tận Cần Thơ hoặc Long Xuyên, họ luôn đồng hành cùng đội bằng xe đò, xe gắn máy, dù phải dầm mưa dãi nắng, miễn sao được chứng kiến thứ bóng đá quyến rũ do ông tạo nên.

Đến mùa giải 1986, mùa bóng đầu tiên tổ chức vòng chung kết ở khu vực phía Nam, sau trận mở màn vòng chung kết bằng trận thắng 2-0 trước CLB Quân đội ở sân Long Xuyên, đường đến chức vô địch đã mở ra với ông và các học trò. Đến trận thứ hai gặp đương kim vô địch Công nghiệp Hà Nam Ninh trên sân Thống Nhất, khi lọt được vào sân tôi mới thấy hết được tình yêu mà người hâm bóng đá Sài Gòn dành cho ông và đội bóng. Trận đấu đến 15 giờ 30 mới diễn ra nhưng dù vào sân từ 13 giờ 30 tôi không còn tìm được một chỗ để ngồi, kể cả đường piste của sân, nên đành đứng đu trên hàng ràng rào giữa khán đài C-D để xem cho đến hết trận. Nhưng với nhiều người không thể vào sân được, tôi như thế còn là may mắn.

Và không phụ lòng người hâm mộ, CSG đã giành chiến thắng nghẹt thở bằng loạt sút luân lưu 11m sau khi hai hiệp chính và phụ hòa nhau 1-1. Trận thắng này cũng quyết định chức VĐQG cho CSG trong năm này, chức VĐQG đầu tiên của các đội bóng phía Nam.

Đây cũng là thời điểm ông tạo cho CSG “bộ tứ huyền ảo” nơi tuyến giữa, với Đặng Trần Chỉnh, Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Văn Hòa và Hà Vương Ngầu Nại. Thậm chí bộ tứ này từng được người hâm mộ bóng đá Sài Gòn ví với bộ tứ huyền ảo của tuyển Pháp thời đó là Platini, Tigana, Fernandez và Giresse.

Cũng nhờ ông mà bóng đá Việt Nam có được những tiền vệ xuất sắc và tài hoa như Lư Đình Tuấn và Hồ Văn Lợi, bởi nếu không có ông, có lẽ chẳng ai biết đến họ. Với Lư Đình Tuấn, sau khi bị trường năng khiếu nghiệp vụ chê vì thể hình quá nhỏ, dù kỹ thuật có thừa, anh về tập cùng HLV Tam Lang. Và chỉ thời điểm ngắn sau đó, Tuấn đã có chân trong đội hình CSG khi mới 17 tuổi. Còn Hồ Văn Lợi đến với CSG trong vài trò cậu bé lượm bóng cho các đàn anh, nhưng với tài nhìn người của HLV Tam Lang cũng như nghị lực của chính bản thân, Lợi đã tỏa sáng trên sân cỏ cả nước.

Trong cương vị HLV, bất cứ trận đấu nào ông dẫn dắt, chưa một ai thấy ông ra đường biên tranh cãi với trọng tài về những quyết định đúng sai, cũng chẳng ai thấy ông văng tục với học trò hoặc hô hào cầu thủ của mình lao vào triệt hạ đối phương. Thay vào đó ông truyền lại cho những học trò như Nguyễn Phúc, Hồ Văn Tam… những cú ngã người tắc bóng có một không hai. Chính tiền đạo số 1 Việt Nam đầu thập niên 1980 là Cao Cường từng cho biết ông ngán nhất nhưng cú xoạc bóng của trung vệ Nguyễn Phúc, bởi nó không hề khiến đối phương dính chấn thương mà có thể giành lại bóng dễ dàng.

Có một câu chuyện thú vị về tính kỷ luật nghiêm khắc của ông đã lan truyền trong các thế hệ cầu thủ của CSG. Đó là trong một chuyến hành quân thi đấu ở tỉnh xa, do quá ghiền thuốc lá, một nhóm 3, 4 cầu thủ âm thầm rủ nhau xuống cuối xe ca để hút thuốc. Không may cả nhóm bị HLV Tam Lang phát hiện. Thế là trong trận đấu ngày hôm sau các cầu thủ này phải chịu án kỷ luật không được ra sân dù đây là trận đấu khá quan trọng.

Sự bình tĩnh, nét hào hoa, phong độ của ông nhờ đó luôn được các học trò kính phục. Trong lần trò chuyện cùng ông tại Trung tâm Thành Long sau khi chia tay CSG, ông từng khẳng định chính đạo đức của cầu thủ sẽ làm nên bóng đá đẹp, đẹp cả trên sân lẫn ngoài đời. Đây cũng là điều mà bóng đá trong nước ngày nay lại đang quá thiếu thốn.

Cũng từ khi ông chia tay CSG, bóng đá Sài Gòn không chỉ mất luôn thương hiệu “đẹp” truyền thống mà còn mất luôn cái tên trên bản đồ bóng đá nước nhà.

Và cũng từ khi ông chia tay CSG, người hâm mộ bóng đá Sài Gòn cũng nguội dần nhiệt huyết với trái bóng tròn, mất đi những màn la hét đến khản cổ trên sân bóng.

Vì vậy, xin cám ơn ông, người “họa sĩ” tài hoa của bóng đá Sài Gòn, vì đã từng đem lại cho chúng tôi những bức tranh bóng đá tuyệt đẹp, nhưng giây phút thăng trầm, những khoảnh khắc thăng hoa trong từng trận bóng trong quá khứ.

Xin vĩnh biệt ông.

Quốc Bảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.