Bóng đá Tây Ban Nha cần đại tu

06/05/2013 16:01 GMT+7

(TNO) Barcelona và Real Madrid đã thay nhau thống trị La Liga trong một thời gian dài. Nhưng điều đó có ích gì khi chung kết Champions League mùa giải năm nay là cuộc đấu nội bộ của người Đức.

(TNO) Barcelona và Real Madrid đã thay nhau thống trị La Liga trong một thời gian dài. Nhưng điều đó có ích gì khi chung kết Champions League mùa giải năm nay là cuộc đấu nội bộ của người Đức.

>> Messi trở lại giúp Barcelona chạm tay vào chức vô địch
>> Real Madrid vất vả lội ngược dòng
>> Real Madrid bị loại, HLV Mourinho buộc tội trọng tài

Sự độc tôn của Real và Barca hủy hoại bóng đá Tây Ban Nha-1
Barcelona nhận thất bại cay đắng khi bị Bayern Munich loại với tổng tỷ số 7-0 sau 2 lượt trận bán kết Champions League - Ảnh: AFP

Mùa trước, Real Madrid và Barcelona phàn nàn rằng lịch đấu trong nước đã ảnh hưởng đến đấu trường châu Âu khi họ phải chơi trận “siêu kinh điển” giữa hai lượt trận bán kết. Mùa này, trận “siêu kinh điển” không còn nằm trong lịch đấu như vậy nữa nhưng vấn đề khác nổi lên: trình độ của giải đấu trong nước thấp quá nên Real và Barca không có sự chuẩn bị cần thiết cho Champions League.

Từ trước lễ Giáng sinh, Jose Mourinho đã tung cờ trắng trước Barca tại giải Liga, vì ông biết chẳng có đội bóng nào ở Tây Ban Nha chặn đường được Barca, họ cứ đều đều ghi 3-4 bàn vào lưới đối thủ. Real và Barca về nhất và nhì 8 lần trong 9 năm gần đây nhất. Ba mùa giải qua, đội xếp thứ ba Liga là Valencia có số điểm gần với nhóm xuống hạng hơn là với đội vô địch.

Năm 2009, Messi san bằng kỷ lục ghi bàn Liga trong một mùa bóng với 34 bàn. Năm sau, Ronaldo lập kỷ lục mới với 40 bàn. Năm sau nữa, Messi đánh bại đối thủ với 50 bàn. Năm nay, Messi đã có 45 bàn, anh còn 4 trận nữa để ghi thêm bàn, phá kỷ lục của chính mình.

Ghi bàn vào lưới các đối thủ trong nước quá dễ. Nhưng để làm gì khi Barca đại bại 0-7 sau hai lượt trận trước Bayern và Messi không tung nổi một cú sút sau 90 phút trên sân?

Chính sự độc tôn của Real và Barca ở Tây Ban Nha đã phương hại chính họ và cả nền bóng đá Tây Ban Nha. Giống như Scotland với hai đội bóng Celtic và Rangers từng bị chế nhạo là “thằng chột làm vua xứ mù”. Sự độc tôn này đến từ sự thiếu cân bằng nghiêm trọng trong thực tế xã hội và kinh tế Tây Ban Nha.

Có đến 60% người Tây Ban Nha ủng hộ Real và Barca. Mỗi đội kiếm 140 triệu euro từ truyền hình mỗi năm, trong khi đó, Valencia và Atletico kiếm được 40 triệu euro, những đội còn lại kiếm được 15 triệu euro. Lấy đâu ra sự cạnh tranh?

Sự độc tôn của Real và Barca hủy hoại bóng đá Tây Ban Nha-2
Llorente sẽ rời khỏi La Liga trong mùa hè tới - Ảnh: AFP

Mỗi năm, những cầu thủ hay nhất ở các CLB Tây Ban Nha “khác” phải gia nhập Real hoặc Barca hay ra nước ngoài thi đấu. Fernando Llorente sẽ theo chân Torres, Silva, Mata, Martinez, Cazorla, Aguero. Rồi Soldado, Isco, Negredo, Falcao cũng nhấp nhổm ra đi.

Đó là những món hàng cao cấp. Những món thứ phẩm cũng tìm ra nước ngoài, như Michu cũng đến Swansea vì không đội nào ở Tây Ban Nha có thể trả anh 2 triệu euro hàng năm.

Real và Barca bị loại khỏi bán kết Champions League một cách ê chề hóa lại hay. Sự độc tôn của họ đã hủy hoại bóng đá Tây Ban Nha và chính họ. Giờ là lúc họ và những người điều hành bóng đá Tây Ban Nha cần nhận ra điều đó để thiết lập sự công bằng trở lại.

Javier Tebas, người vừa trở thành chủ tịch giải La Liga khẳng định an toàn tài chính, chia lại thu nhập và đấu tranh với tệ nạn dàn xếp tỷ số sẽ là các ưu tiên hàng đầu của ông. “Vấn đề không còn là cạnh tranh nữa, mà là sống sót. Vấn đề không còn là Real và Barca nữa, mà là bóng đá Tây Ban Nha”, ông nói trên Marca.

Real và Barca nợ tổng cộng 1,17 tỉ euro. Các đội khác nợ tổng cộng 2,19 tỉ euro. 690 triệu euro họ đang nợ thuế. Đó là hậu quả của những hợp đồng ma, khoản hoa hồng cao ngất, những khoản chi được hư cấu. Các CLB giống như trò chơi dễ dàng của những kẻ đầu cơ trục lợi và các nhân vật ám muội. Từ năm 2004, 19/42 CLB thuộc hai hạng cao nhất của bóng đá Tây Ban Nha buộc phải hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền.

Chớ nhìn sự hào nhoáng của Real và Barca mà đánh giá bóng đá Tây Ban Nha. Lương cầu thủ trung bình ở Liga hiện thấp nhất trong 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu. Khán giả sụt giảm trong khi tiền vé thì không. Tỷ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha là 27% thì còn mấy người vui vẻ đến sân để xem thứ bóng đá thiếu sự cạnh tranh nữa.

Không chỉ bóng đá Tây Ban Nha cần đại tu. Cả nước Tây Ban Nha cũng phải đại tu. Khi được hỏi ghen tị điều gì nhất với người Đức, ông Tebas trả lời: “Tôi ghen tị với tỷ lệ thất nghiệp 6% của nước Đức”. Muốn làm điều này, Tây Ban Nha cần phải có sự trợ giúp của một người Đức khác: bà thủ tướng Angela Merkel.

Khúc Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.