Lạ lẫm Hồng Kông

28/09/2012 14:20 GMT+7

Lò Hủ, cửa khẩu chính vào lãnh thổ Hồng Kông từ đại lục, có thể là cửa khẩu lạ lẫm nhất thế giới bởi chẳng có một quốc gia nào ngăn cách người dân của mình bằng một cổng kiểm tra quốc tịch như vậy.

Lạ lẫm Hồng Kông
Xếp hàng mua đồ hiệu ở Hồng Kông - Ảnh: N.Trần Tâm

Mỗi ngày có khoảng 300.000 người qua lại cửa khẩu Lò Hủ. Có cả người từ đại lục qua Hồng Kông làm việc, buôn bán, chủ yếu từ Thâm Quyến, và ngược lại. Chuyến tàu điện ngầm nối cửa khẩu vào trung tâm Hồng Kông luôn chật cứng người. Lò Hủ không khác nào một trung tâm mua sắm lớn vào loại hàng đầu của Hồng Kông. Ngày 1.7.1997, Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc, trở thành đặc khu hành chính của nước này theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”.

Toàn bộ lãnh thổ Hồng Kông là một mỏ đá không quặng, nghèo nàn về tài nguyên nhưng lại có một địa thế thuận lợi để phát triển cảng biển. Chính điều đó đã khiến Hồng Kông rơi vào tay đế quốc Anh từ năm 1842, sau cuộc chiến tranh thuốc phiện đầu tiên với Trung Quốc. Ngày nay, Hồng Kông là một trung tâm quốc tế thịnh vượng, có dân số hơn 7 triệu người. Với khu vực đất liền rộng hơn 1.100 km2 và khoảng 260 đảo lớn nhỏ, Hồng Kông bao gồm đảo Hồng Kông nằm tách biệt với bán đảo Cửu Long bởi bến cảng Victoria và khu Tân Giới bắt đầu từ phía bắc Cửu Long và kéo dài tới biên giới Trung Quốc.

Hồng Kông là trung tâm của lễ hội, vui chơi và mua sắm. Những tín đồ shopping từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây mỗi năm và tràn vào các khu mua sắm cao cấp đến những outlet bán đồ giảm giá có mặt ở mọi nơi, rải từ sân bay quốc tế tới khu trung tâm Cửu Long. Một hình ảnh dễ thấy nhất mỗi ngày ở Hồng Kông chính là cảnh xếp hàng mua đồ hiệu. Trong cái lạnh cắt da của tháng cuối năm hay cái nóng mùa hè, cảnh xếp hàng này cứ thế diễn ra trước cửa Gucci, Louis Vuitton… Lớp người này ra, lớp người khác vào, trên tay bao giờ cũng nặng trĩu những giỏ hàng, mỗi giỏ như thế ít nhất cũng vài chục ngàn USD. Mua sắm ở Hồng Kông được nhiều người chọn lựa, không chỉ vì đồ ở đây chính hiệu, mà còn có giá rẻ hơn những điểm mua sắm khác do lãnh thổ này không đánh thuế VAT. Đó là chưa tính mùa giảm giá. Có hơn 40 triệu du khách nước ngoài tới Hồng Kông mỗi năm, gấp nhiều lần so với dân số 7 triệu người, mà đông nhất là giới nhà giàu Trung Quốc.

Ẩm thực Hồng Kông rất đa dạng, bao gồm các món phong cách Trung Hoa và châu Âu. Rượu ở Hồng Kông không bị đánh thuế, nên có thể mua với giá rất rẻ. Ở Hồng Kông, du khách Việt Nam có thể tìm được nhiều quán ăn bán món Việt, như Phở 24, phở Việt Nam ở Mongkok; trong các quán ăn, may mắn khách có thể phát hiện món chè Bà Ba (chữ Bà Ba đánh dấu rõ ràng); hay quán Đà Lạt trong một trung tâm mua sắm ở khu Kim Sa Chuỗi… Còn giao thông thì rất phát triển. Taxi được chia theo màu, có thể nhìn màu để biết taxi đó thuộc khu vực nào ở Hồng Kông. Nếu không đi taxi thì lựa chọn tàu điện ngầm, di chuyển xung quanh Hồng Kông, tới tận Disneyland. Ở Kim Sa Chuỗi, chúng ta cũng dễ dàng thấy các tên đường như Hà Nội, Hải Phòng. Các con đường nhỏ này kết nối những con đường lớn trong trung tâm Hồng Kông, có cảnh quan rất đẹp và vô cùng sạch sẽ.

Trong trường hợp đi mua sắm, các cửa hàng sẽ tính tiền túi ni lông đựng đồ với giá 0,50 đô la Hồng Kông/túi. Vào ban đêm, dân “cái bang” đổ ra những con đường đông du khách để kiếm sống bằng nhiều cách, nhưng phổ biến nhất là ca hát. Hồng Kông có lẽ là nơi hòa trộn nhiều phong cách nhất trái đất này, đó là sự hòa trộn giữa hiện đại và cổ xưa, giữa Đông và Tây, giữa lịch lãm và quê mùa, giữa văn minh và lạc hậu… Bởi thế, Hồng Kông trở thành nơi hấp dẫn với du khách trên thế giới.

Lạ lẫm Hồng Kông
Đường Hà Nội ở Hồng Kông

N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.