Trung Quốc - "nhà máy" sản xuất huy chương khổng lồ

03/08/2012 16:57 GMT+7

(TNO) Tham vọng đoạt huy chương vàng bằng mọi giá đã được nâng tầm thành chiến lược quốc gia. Trên thực tế, Trung Quốc đã đạt được bước tiến thần kỳ trong 3 kỳ Olympic gần đây. Song, cái gì cũng có mặt trái của nó.

(TNO) Tham vọng đoạt huy chương vàng bằng mọi giá đã được nâng tầm thành chiến lược quốc gia. Trên thực tế, Trung Quốc đã đạt được bước tiến thần kỳ trong 3 kỳ Olympic gần đây. Song, cái gì cũng có mặt trái của nó.

>> Olympic 2012 rúng động vì scandal dàn xếp tỷ số ở môn bóng đá nữ
>> Ẩm thực trong làng Olympic: Ăn "lề đường" ngon hơn
>> Scandal Olympic 2012: Loại 8 VĐV cầu lông vì thi đấu giả vờ

Ye Shiwen giành huy chương vàng nội dung bơi 400m hỗn hợp tại Olympic 2012
Ye Shiwen gây sốc khi phá sâu kỷ lục thế giới - Ảnh: AFP

Kể từ Olympic 2004 được tổ chức tại Athen (Hy Lạp), Trung Quốc nổi lên như một thế lực đáng gờm trong làng thể thao đỉnh cao khi giành được 32 huy chương vàng, vượt qua cường quốc Nga và đạt vị trí thứ hai trong danh sách các đoàn thể thao đoạt nhiều huy chương vàng nhất, sau Mỹ.

Với tư cách là chủ nhà của Olympic 2008, Trung Quốc đã qua mặt Mỹ và chễm chệ ở vị trí dẫn đầu bảng tổng sắp về số huy chương vàng (51 so với 36). Và rồi khi Olympic 2012 đang diễn ra trên đất Anh, thể thao Trung Quốc đang dẫn đầu về số huy chương vàng trong suốt 4 ngày thi đấu đầu tiên.

Quả bom tấn trên các phương tiện truyền thông trong những ngày này là sự kiện nữ vận động viên bơi lội Ye Shiwen giành huy chương vàng và phá kỷ lục thế giới ở nội dung 400m hỗn hợp dành cho nữ với thành tích 4 phút 28 giây 43.

Thành tích này hơn 1 giây so với kỷ lục thế giới cũ do Stephanie Rice (Úc) lập cách đây 4 năm và hơn thành tích cá nhân tốt nhất của chính Ye Shiwen 5 giây.

Ở 50m cuối cùng trong lượt bơi chung kết, Ye Shiwen chỉ mất 28 giây 93 để về đích, nhanh hơn cả kình ngư người Mỹ Ryan Lochte, người giành huy chương vàng nội dung 400m bơi hỗn hợp dành cho nam.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc trong làng thể thao thế giới đã khiến cả thế giới kinh ngạc. Truyền thông quốc tế đua nhau nhận định, mổ xẻ. Và rồi, người ta thấy những hình ảnh gây sốc về quá trình tập luyện thể thao tại quốc gia có tiếng là kín kẽ này.


Những đứa trẻ phải tập luyện với chế độ hà khắc - Ảnh: Sport Mail

Ở đó, những đứa trẻ phải căng mình, thét lên trong nước mắt với chế độ tập luyện hà khắc. Nếu chúng quên hay có dấu hiệu nản chí, trước mắt chúng đã có dòng chữ nhắc nhở đến những tấm huy chương trong tương lai.

Báo chí quốc tế gọi Trung Quốc là "nhà máy" sản xuất huy chương khổng lồ. "Nguyên liệu" đầu vào là những con người còn rất trẻ, được tuyển chọn từ nhiều nơi, khi người ta phát hiện chúng có tố chất thể thao.

 


Tại một trong số 3.000 lò "luyện gà" cho Olympic tại Trung Quốc - Ảnh: Sport Mail

Theo thông tin mà báo chí thu thập được, Trung Quốc có khoảng 3.000 lò "luyện gà", hầu hết hoạt động nhờ nguồn kinh phí của chính phủ. Tại đây, những niềm hy vọng huy chương tập luyện không ngừng nghỉ. Chúng phải chịu đựng những bài tập về sức chịu đựng, sức bền, căng cơ đôi khi vượt quá giới hạn chịu đựng ở độ tuổi của chúng trong nhiều giờ. Ở ký túc xá vận động viên, 10 giờ đêm, đèn phải được tắt.

Kình ngư Ye Shiwen là sản phẩm ra đời từ 1 trong những lò đào tạo như thế. Người ta phát hiện Ye Shiwen khi cô bé mới được 7 tuổi, qua bàn tay to, tứ chi dài khác thường. Với hình thể này, người ta nghĩ cô là tiềm năng ở môn điền kinh. Ở tuổi lên 7, Ye Shiwen có thể hoàn thành tốt 20 lần hít xà, bài tập khó đối với người khoẻ mạnh.

Và rồi, cô bé được đưa vào trường thể thao Chen Jingluin và sau đó được định hướng rèn luyện tập trung vào môn bơi. Khi 11 tuổi, Ye Shiwen có được chức vô địch ở giải trẻ. Chen Jingluin cũng là nơi đào tạo kình ngư Sun Yang, người chiến thắng ở nội dung bơi 400m tự do tại Olympic 2012.

Wu Minxia giành huy chương vàng môn nhảy cầu tại Olympic 2012
Wu Minxia (trái) không biết gì về việc mẹ đang bị ung thư - Ảnh: AFP

Năm 2008, một bài báo trên USA Today đã tiết lộ một số thông tin về phương pháp "luyện gà" của thể thao Trung Quốc. Trong bài báo này, Liu Fengyan, giám đốc bộ môn bóng bàn và cầu lông của Ủy ban Thể dục thể thao nước này cho biết: "Khả năng tập trung các vận động viên vào một chỗ là lợi thế của Trung Quốc. Điều đó giúp dễ quản lý các vận động viên khi họ sống và tập luyện cùng nhau".

Sau nhiều năm rèn mình trong các trường thể thao chuyên môn trên toàn quốc, các niềm hy vọng đến Bắc Kinh khi 16 tuổi và tiếp tục gồng mình tại Trung tâm huấn luyện Quốc gia. Theo lời Liu, mỗi năm các vận động viên được về nhà một lần, tối đa là hai lần, mỗi lần từ 1-2 ngày vì phải bận tập luyện và thi đấu.

Một số vận động viên lớn tuổi hơn đã kết hôn nhưng cũng không được về nhà nhiều vì còn phải "phụng sự quốc gia". Và cũng vì quá bận rộn tập luyện nên Wu Minxia, người giành huy chương vàng môn nhảy cầu tại Olympic 2012 không biết mẹ bị ung thư vú đã 8 năm và người bà đã qua đời.

Trên tờ Shanghai Morning News, cha của Wu Minxia nói con ông gọi điện về nhà thăm hỏi tình hình đúng lúc mẹ ông mới mất. Nhưng ông phải nghiến răng nói dối là mọi chuyện vẫn ổn để con tập trung rèn luyện vì cho đó là cần thiết. Cha Wu Minxia thừa nhận, từ lâu con gái ông không còn thuộc về gia đình. Dường như, họ được lập trình tư tưởng và phải chấp nhận hy sinh để phục vụ quốc gia.

Quốc Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.