Báo Thanh Niên phát động cuộc thi "Cha tôi là ngư dân"

19/10/2011 15:42 GMT+7

Chương trình Đồng hành với ngư dân trẻ ra khơi do Báo Thanh Niên phát động đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo các nhà hảo tâm cùng bạn đọc gần xa.

Một số hoạt động của chương trình như trao tiền hỗ trợ ngư dân, học bổng cho con em ngư dân trẻ, xây nhà Nhân ái cho gia đình ngư dân gặp khó khăn đã được triển khai trong thời gian qua. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm “Đường Hồ Chí Minh trên biển” (23.10.1961 - 23.10.2011), Báo Thanh Niên mở một hoạt động mới của chương trình: phát động cuộc thi “Cha tôi là ngư dân”.


Tàu cá QNg-95031TS do thuyền trưởng Nguyễn Tấn Lự (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bị Trung Quốc bắt giữ tại đảo Phú Lâm vào tháng 8.2010, trở về đất liền trong tình trạng không Icom, định vị, tầm ngư và ngư cụ - Ảnh: Hiển Cừ

Cuộc thi được tổ chức nhằm phản ảnh, chia sẻ, tôn vinh hoạt động của ngư dân trong quá trình bám ngư trường, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và phát triển kinh tế biển... Đồng thời, qua đó giúp giới trẻ hiểu sâu sắc về những khó khăn, gian khổ mà ngư dân phải vượt qua, thể hiện tình yêu biển đảo quê hương và xây dựng niềm tin vào các thế hệ cha anh, tạo nên một phong trào rộng lớn, hướng mọi tầng lớp xã hội về biển đảo và chung tay góp sức đồng hành với ngư dân, giúp đỡ con em ngư dân...

Cuộc thi dành cho học sinh THCS, THPT, sinh viên đại học và cao đẳng, là con của ngư dân trên cả nước.

Hình thức thể hiện và gửi bài: Bài dự thi viết tay, không quá 1.000 chữ, với chủ đề như sau: viết về tinh thần dũng cảm, sự bền bỉ và những khó khăn trong hoạt động bám biển, bám ngư trường của ngư dân; viết về hoàn cảnh sống và những tâm nguyện của ngư dân và gia đình trong quá trình lao động, mưu sinh; viết về những hy sinh, mất mát của ngư dân trong quá trình bám biển (kể cả bị thiên tai bão tố và cả bị “nhân tai”, gặp nạn trên biển do tàu nước ngoài gây ra); viết về tinh thần yêu nước, yêu biển đảo quê hương, tinh thần đoàn kết, tương trợ nhau và nguyện vọng tha thiết được hỗ trợ về nhiều mặt của những ngư dân đang đánh bắt xa bờ.

Bài dự thi gửi đến Tòa soạn Báo Thanh Niên, 248 Cống Quỳnh, P.Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP Hồ Chí Minh (ngoài bì thư ghi rõ: Bài tham gia cuộc thi “Cha tôi là ngư dân”).

Thời gian nhận bài từ ngày 30.9.2011. Hạn chót nhận bài dự thi là 30.11.2011 (tính theo dấu bưu điện). Công bố và trao giải vào ngày 3.1.2012.

Các bài dự thi xuất sắc sẽ được đăng lần lượt trên Báo Thanh Niên và tác giả sẽ được nhận nhuận bút. Cá nhân đoạt giải sẽ được ban tổ chức tài trợ chi phí ăn ở, đi lại khi đến nhận giải.

Cơ cấu giải thưởng: Mỗi bậc học sẽ có 1 giải nhất: 10 triệu đồng; 2 giải nhì:  7 triệu đồng/giải. 2 giải ba: 4 triệu đồng/giải; 5 giải khuyến khích: 1 triệu đồng/giải.

Ngoài ra, cuộc thi còn dành số tiền 20 triệu đồng để trao 10 suất học bổng (2 triệu đồng/suất) cho các em tham gia dự thi có hoàn cảnh khó khăn.

Cuộc thi được tài trợ bởi Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ).

 

Ngày 27.6.2011, Báo Thanh Niên đã đăng bức thư của em Lê Thị Thanh Thanh (ảnh - học sinh lớp 10B1 trường THPT Lý Sơn, Quảng Ngãi; nay em Thanh đã là nữ sinh lớp 11) do ông André Menras (Hồ Cương Quyết) - người có 2 quốc tịch Việt - Pháp, chuyển đến. Bức thư đã gây xúc động cho nhiều bạn đọc Báo Thanh Niên.

Em Thanh viết bức thư này sau khi biết cha mình là thuyền trưởng Lê Minh Tân bị mất tích trên vùng biển Hoàng Sa vào tháng 12.2010 và sẽ không trở về nữa.


Ảnh: Lê Hưng

Thanh Niên xin trích đăng lại như là một lời nhắn nhủ, để các bạn trẻ là con của ngư dân Việt thấu hiểu, chia sẻ và tự hào về nghề nghiệp của cha anh mình:

“Lý Sơn ngày 19.4.2011

... Ngày 15.11 âm lịch, cha em là Lê Minh Tân cùng chiếc tàu cá QNg 66192Ts tiếp tục ra đi hành nghề trên quần đảo (Hoàng Sa). Thế là nơi xa xôi hẻo lánh ấy, lại thấp thoáng những con người Lý Sơn và lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc Việt Nam. Trước khi cha đi, em đã lặng lẽ bỏ vào túi cha một chú chim hạc tuy không đẹp nhưng mong cha sẽ bình yên trở về. Chờ đợi mỏi mòn hơn 4 tháng, niềm hy vọng trong em bắt đầu vỡ tan và em bắt đầu phải chấp nhận một thực tế, một sự thật quá phũ phàng, đau đớn. Đó là cha em sẽ không trở về nữa rồi. Tim em bắt đầu cảm thấy đau, như có ai đó đâm vào. Rất đau, đau đến nỗi em phải ngã gục, không đứng lên được nữa... Cha em ra đi mang theo tất cả những gì quý giá nhất của em. Đó là tình thương yêu, tài sản, tinh thần... Chiếc tàu trị giá 400 triệu nay đã mất, đã chôn vùi nơi Hoàng Sa, thân xác cha giờ đây đang tan rã với biển cả. Suốt cuộc đời cha sống với biển, với Hoàng Sa. Cứ mỗi lần cha đi từ Hoàng Sa về, tâm hồn em lại đau đáu, muốn nghe cha kể chuyện, lại tiếp xúc với địa lý. Em giờ đã biết Hoàng Sa...” .

 THANH NIÊN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.