Cần cơ chế giá xăng dầu mới

12/08/2011 22:38 GMT+7

Đó là ý kiến của rất nhiều bạn đọc sau khi đọc 2 bài viết Cần giảm giá xăng! và Chia sẻ với người dân đăng trên Thanh Niên ngày 12.8.

Quá nhiều lý do

Có quá nhiều lý do để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vịn vào để lý giải cho việc không giảm giá xăng trong khi giá dầu thế giới đã giảm mạnh. Điệp khúc này lặp đi lặp lại hàng chục năm nay. Người tiêu dùng đang bị đặt vào thế “không thể cựa quậy”, mặc nhiên chấp nhận giá cả như một sự áp đặt. Điều này có tác động rất tiêu cực đến lòng tin của người dân vào các vấn đề khác trong nền kinh tế của nước ta.

Ngọc Lan (lanngoctran@gmail.com)

Cần có cơ quan tính toán

Tôi ủng hộ ý kiến cho rằng phải có một cơ quan độc lập, trung thực làm trung gian tính toán việc lỗ lãi của các doanh nghiệp xăng dầu. Cơ quan này giúp nhân dân, giúp Nhà nước trong việc kiểm soát các doanh nghiệp xăng dầu. Làm được điều này sẽ tạo nên sự bình đẳng giữa doanh nghiệp xăng dầu và người tiêu dùng. Người tiêu dùng có quyền được hưởng giá thấp khi giá xăng dầu thế giới giảm và ngược lại, phải chịu giá cao nếu giá xăng dầu tăng. Điều này còn tạo nên sự minh bạch, một tâm lý thoải mái đối với người tiêu dùng.

Nguyễn Ngạn (Vĩnh Viễn, Q.10, TP.HCM)

Tác động xấu nền kinh tế

Xăng dầu có tác động rất lớn đến nền kinh tế nước ta. Xăng lên, giá cả các mặt hàng lên và ngược lại. Lẽ ra, trong tình hình lạm phát cao và Nhà nước đang ra sức kiềm chế lạm phát thì giá xăng phải giảm, nhất là vào thời điểm này. Thế mà xăng vẫn cứ cao hơn giá xăng thế giới mặc cho người dân hy vọng, mong ngóng. Vai trò của Bộ Tài chính ở đâu, của Nhà nước ở đâu mà lại để xảy ra tình trạng này?

Đan Huyền (huynhthidanhuyen@yahoo.com)

Phá bỏ độc quyền

Petrolimex là doanh nghiệp nhà nước chiếm hơn 60% thị phần kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam. Trong các kỳ báo cáo tài chính thì Petrolimex báo cáo lãi cả hàng ngàn tỉ đồng nhưng đụng chuyện giảm giá thì Petrolimex cứ kêu lỗ hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng!? Theo tôi nên giao thị phần kinh doanh xăng dầu hiện nay cho nhiều thành phần doanh nghiệp khác nhau để đảm bảo phát triển công bằng. Không thể để tình trạng doanh nghiệp nhà nước lớn nắm giữ sự "độc quyền", "chủ chốt" để điều tiết nền kinh tế, muốn tăng giảm tùy thích.

Nguyễn Đước (hanhchinh20002005@yahoo.com)

Ban CTBĐ
(tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.