Đồng Nai cũng “kêu” việc vận chuyển bauxite

09/07/2011 00:38 GMT+7

Sau Lâm Đồng, UBND Đồng Nai cũng có văn bản gửi T.Ư cho rằng, hạ tầng giao thông của tỉnh này khó đảm đương nổi việc vận chuyển bauxite từ Tân Rai (Lâm Đồng) về cảng Gò Dầu (Đồng Nai).

Trước khi có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia và Bộ GTVT; UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo Sở GTVT và Ban ATGT tiến hành khảo sát thực tế các tuyến đường vận chuyển bauxite. Vì theo lộ trình, sản phẩm của tổ hợp bauxite-nhôm Lâm Đồng được vận chuyển theo 2 tuyến. Tuyến thứ nhất đi từ tỉnh lộ 725-QL20-QL27-QL1-cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) với tổng chiều dài 220 km. Tuyến số 2 từ tỉnh lộ 725-QL20-tỉnh lộ 769-QL51-cảng Gò Dầu (Đồng Nai).

 

Cầu La Ngà rất nguy kịch nếu chịu đựng thêm hàng ngàn lượt phương tiện chở bauxite - Ảnh: Kim Cương 

Đường xuống cấp, cầu yếu

Theo đánh giá của Sở GTVT Đồng Nai, tuyến QL20 có chiều dài 75,6 km, hiện được phân loại đường cấp 4, mặt đường 7m cho 2 làn xe cơ giới. Con đường này đã hết hạn sử dụng từ rất lâu; nhưng chỉ duy tu, sửa chữa nhỏ nên không đảm bảo lưu thông bình thường. Mặt khác, con đường ngày càng bị thu hẹp do rạn nứt, xói lở, ổ gà xuất hiện hầu hết trên toàn tuyến, không còn làn đường dành cho xe 2, 3 bánh lưu thông. Bên cạnh đó, mật độ lưu thông xe hiện khoảng 15.000 lượt/ngày đêm trở nên quá tải so với thiết kế và cấp đường... Ông Nguyễn Văn Điệp, Giám đốc Sở GTVT nhận định: "Nếu tăng thêm phương tiện cơ giới vận chuyển bauxite với mật độ cao (theo phương án cứ 3-5 phút có một chuyến trọng tải 40 tấn/xe) thì quá sức chịu đựng của con đường này".

Trong văn bản gửi Bộ GTVT, ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, việc vận chuyển bauxite bắt đầu từ tháng 6.2011. Thế nhưng đến nay, các ngành chức năng của tỉnh cũng như chính quyền địa phương chưa hề nhận được sự hợp tác của ban quản lý dự án để cùng nhau khảo sát hiện trạng, tháo gỡ khó khăn. UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Tập đoàn than khoáng sản ứng trước kinh phí để nâng cấp và sửa chữa các tuyến đường vận chuyển bauxite để tránh phức tạp về ATGT.

Tương tự, tỉnh lộ 769 (qua huyện Trảng Bom và Thống Nhất) có chiều dài 33,3 km cũng là đường cấp 4, mặt đường rộng 7m cũng hết hạn sử dụng từ nhiều năm nay và xuống cấp nặng nề. Nếu vận chuyển bauxite qua đây thì nguy cơ con đường này càng hư hỏng nhanh, gia tăng tai nạn giao thông.

Còn toàn tuyến QL51 hiện nay đang thi công, mặt đường bị thu hẹp, trong đó nhiều đoạn rất xấu. Mặt khác, mật độ tuyến này đang chịu lưu lượng xe rất cao (25.000 lượt xe/ngày đêm); vì thế cũng khó có thể chịu đựng mỗi ngày 1.500 lượt xe vận chuyển bauxite qua đây.

Cũng theo khảo sát, các tuyến đường mà phương tiện vận chuyển bauxite đi qua có  14 cây cầu yếu và cầu tạm đều có trọng tải dưới 25 tấn. Ông Dương Mạnh Hưng, Chánh thanh tra Sở GTVT Đồng Nai lo ngại: “Cầu La Ngà (QL20) cho phép xe tải trọng 25 tấn qua cầu, nhưng phương án vận chuyển của dự án tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng đều có tải trọng 40 tấn trở lên thì rất nguy”. Còn ông Nguyễn Thành Hóa, Phó tổng giám đốc Công ty CP phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (chủ đầu tư QL51) cho biết: “Đoạn đường vận chuyển bauxite qua QL51, có 6 cây cầu  yếu và cầu tạm, đang trong quá trình sửa chữa và gia cố. Nếu thêm phương tiện vận chuyển bauxite với tải trọng trên 40 tấn thì khả năng cầu đáp ứng không nổi”.

 

Đoạn qua QL51 cũng hư hỏng nặng nề, khó gánh nổi lưu lượng xe chở bauxite qua đây - Ảnh: Kim Cương 

Kim Cương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.