Những ông chồng tệ hại

14/06/2011 11:22 GMT+7

Số lượng phụ nữ Việt Nam, nhiều nhất là ở các vùng nông thôn, lấy chồng nước ngoài vẫn đang tăng. Chẳng phải chỉ vì họ ham giàu có mà phần vì sợ gặp phải những ông chồng nội nát rượu, vũ phu.

1. Ở nhiều vùng nông thôn hiện nay, thanh niên nếu có điều kiện học tập thì lên thành phố; học xong ở lại đó làm việc, sinh sống. Những thanh niên không đi học thì cũng bám thành phố kiếm việc làm, hy vọng có cuộc sống tốt hơn. Phần đông thanh niên còn lại ở nông thôn rơi vào tình cảnh: Bỏ học sớm, thất nghiệp và sa đà vào rượu chè, đá gà, bài bạc, thậm chí đánh đập vợ con. Những phụ nữ cưới phải mấy ông chồng kiểu này đều không có được hạnh phúc gia đình.  

 
Minh họa: Nguyễn Tài

Tân (ở Tiền Giang), tốt nghiệp THPT rồi bỏ học, sống bám vào cha mẹ. Gia đình vốn khá giả, Tân mải mê ăn chơi, đến năm 30 tuổi thì cưới vợ. Được cha mẹ ruột cho hơn 1 ha vườn cây ăn trái và một ngôi nhà khang trang, vợ chồng Tân có đủ điều kiện làm ăn, sống sung túc. Thế nhưng, Tân vẫn sống như thời chưa có vợ, hằng ngày vẫn nhậu quên đường về, rồi tham gia đá gà ăn tiền, đánh bạc… mà không ngó ngàng gì đến vườn tược. Ba năm sau, vợ Tân sinh được một bé gái. Tưởng Tân sẽ có trách nhiệm hơn với gia đình nhưng anh vẫn chứng nào tật nấy. Hậu quả là vườn cây ăn trái thất bát, nợ nần chồng chất.
 
Tân phải bán dần phần đất vườn cây ăn trái. Từng là một “điền chủ” trẻ, vậy mà nhà Tân vẫn không đủ sống, thậm chí có lúc không đủ tiền mua sữa cho con.

Đáng thương!

Theo thống kê của Bộ Ngoại giao, đến nay đã có khoảng 230.000 phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài (trong đó Đài Loan khoảng 100.000 người, Hàn Quốc khoảng 40.000 người, còn lại là Trung Quốc và một số quốc gia khác). Hầu hết phụ nữ lấy chồng ngoại (phần nhiều ở ĐBSCL) đều nghèo khó, trình độ thấp, sống ở các vùng nông thôn.
 
Đánh giá của các tổ chức, đoàn thể hữu quan về thực trạng này cho thấy những phụ nữ này ít có cơ may gặp gỡ thanh niên tiến bộ nên dù không biết bến nào đục, bến nào trong, họ vẫn “nhắm mắt, đưa chân” lấy chồng nước ngoài với hy vọng đổi đời, có điều kiện giúp đỡ gia đình thoát nghèo. Nhìn một cách công tâm, họ rất đáng thương chứ không đáng trách!

Giờ đây, hằng ngày, Tân phải đi làm thuê cho chính người mua lại đất vườn của mình nhưng hễ dư đồng nào thì anh lại nướng sạch vào bài bạc, đá gà. Nhìn vợ Tân già trước tuổi, tàn tạ và đứa con gái ốm tong teo, tôi không khỏi chạnh lòng. Vợ Tân than thở: “Trước khi cưới, dù biết anh ấy là người ham chơi nhưng tôi nghĩ khi có con, anh sẽ thay đổi, nào ngờ… Cứ kiểu này chắc sớm muộn gì mẹ con tôi cũng phải về bên ngoại nương tựa thôi”.

2. Đối diện nhà vợ chồng Tân là nhà bé Đăng, đang học lớp 7. Em trở thành trẻ “mồ côi” từ lúc học hết mẫu giáo. Quân, ba của Đăng, là con trai một, từ bé đã là “ông trời con”, muốn gì được nấy. Mới học đến lớp 9, Quân đã nhậu nhẹt, bồ bịch… rồi bỏ học. Mẹ Quân khóc cạn nước mắt khuyên lơn con nhưng không được. Năm 21 tuổi, Quân nằng nặc đòi lấy vợ, mẹ Quân đồng ý với hy vọng vợ sẽ “ghìm cương” được thằng “phá gia chi tử”. Thế nhưng, cưới vợ rồi Quân càng ngày càng hư đốn, mỗi lần say xỉn đều về nhà gây gổ, vòi tiền vợ, nếu không được đáp ứng thì “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ ngay.

Quá khổ sở, Liên - vợ Quân - nhiều lần ẵm con bỏ về nhà ngoại. Mỗi lần như thế, Quân tỏ ra ăn năn. Liên xiêu lòng, trở về nhưng chỉ được vài hôm thì Quân lại giở chứng cũ. Lần căng thẳng nhất là hôm Quân cạy tủ lấy một số tiền lớn để cá độ. Bị Liên phát hiện, Quân đánh Liên bầm mặt mũi rồi đuổi cô ra khỏi nhà.

Hết kiên nhẫn với người chồng tệ hại, Liên nhất quyết đòi ly hôn. Xét về mặt tài chính, tòa phán quyết cho bé Đăng theo cha. Bị vợ bỏ, Quân cũng không hề tỉnh ngộ mà ngày càng bê tha hơn, bỏ mặc bé Đăng sống thui thủi với bà nội trong căn nhà quạnh quẽ.

3. Bi đát hơn có lẽ là gia đình anh Út. Là con nhà giàu có, đất vườn cò bay thẳng cánh, cũng như một số thanh niên khác ở địa phương, Út chẳng màng đến chuyện học hành, suốt ngày cứ tụ tập ăn chơi. Cha mẹ qua đời, để lại một gia tài kếch xù cho anh cai quản nhưng chỉ sau vài năm, tất cả đều bị ngốn hết vào số đề và những cuộc vui thâu đêm suốt sáng. Nay chỉ còn lại vài chục gốc nhãn quanh căn nhà xiêu vẹo, vợ và 2 con gái đang tuổi ăn học của Út phải đi làm cỏ mướn để kiếm miếng ăn, khi túng thiếu quá thì gõ cửa nhà bà con mượn gạo...

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.