Xác định cơ chế kháng HIV của tế bào

30/04/2011 17:03 GMT+7

Các chuyên gia Thụy Sĩ đã tìm ra cơ chế của một loại protein kháng được virus gây suy giảm miễn dịch (HIV). Phát hiện này mở ra một hướng mới trong cuộc chiến chống đại dịch HIV/AIDS.

Theo báo Science Daily, các nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Geneva và Đại học Zurich nhận thấy một số loài khỉ, chẳng hạn như khỉ nâu và khỉ đen, có thể chống lại HIV nhờ TRIM5, một protein trong tế bào. Trong trường hợp cơ thể nhiễm HIV, protein này chặn virus ngay khi nó xâm nhập vào tế bào và không cho nó nhân bản. Protein TRIM5 đã được biết đến cách đây 6 năm, nhưng cách mà nó sử dụng để ngăn chặn HIV vẫn chưa được biết đến rộng rãi.

Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng TRIM5 kích hoạt ngay lập tức một phản ứng miễn dịch khi HIV xâm nhập. Sau đó, TRIM5 trở thành một protein cảm biến trong hệ thống miễn dịch bẩm sinh. Không giống hệ thống miễn dịch thích nghi chỉ phát triển khi chạm trán với nguồn bệnh, hệ thống miễn dịch bẩm sinh sẵn sàng loại bỏ mầm bệnh ngay khi tiếp xúc.

 
Cấu trúc phần vỏ của virus HIV - Ảnh: Science Daily

HIV, loại virus xâm nhập vào tế bào trong suốt quá trình lây nhiễm, có một lớp vỏ mà các thành phần trong đó được sắp xếp trong một mạng lưới tương tự như mô hình trên một quả bóng. TRIM5 nhận biết cấu trúc mạng này và tự gắn vào đó. Cấu trúc này kích thích protein sản sinh ra những phân tử mang tín hiệu là các chuỗi poly-ubiquitin trong tế bào. Những chuỗi này lập tức kích hoạt một phản ứng kháng khuẩn. Sau đó, tế bào bảo vệ bắt đầu loại bỏ những tế bào bị HIV xâm nhiễm bằng cách phóng thích các cytokine (phân tử protein làm nhiệm vụ truyền tin cho tế bào hệ thống miễn dịch).

Con người cũng có protein TRIM5 nhưng hoạt động kém hiệu quả hơn trong việc chống lại HIV. Tuy nhiên, những phát hiện ở khỉ kháng HIV đã mở ra những khả năng và cách thức mới trong việc tăng cường khả năng chống HIV ở người. Hiện 33 triệu người đang bị nhiễm HIV trên toàn thế giới và mỗi năm căn bệnh AIDS cướp đi mạng sống của khoảng 2 triệu người. 

Khang Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.