Người dân đối phó với giá điện tăng

04/03/2011 07:23 GMT+7

Thông tin tăng giá điện từ ngày 1.3 khiến nhiều người dân không khỏi lo lắng. Và ngay từ thời điểm này, nhiều hộ gia đình ở Hà Nội đã chuẩn bị những phương án nhằm giảm lượng điện năng tiêu thụ.

Để đối phó với lần tăng giá điện này, gia đình chị Nguyễn Thu Hiền ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy đã vạch ra cả một kế hoạch nhằm tiết giảm chi phí.

Theo chị Hiền, gia đình chị có 5 người, mỗi tháng hóa đơn tiền điện nhà chị thanh toán cũng từ 700.000 - 800.000 đồng. Thời gian tới, giá điện tăng từ 1.058 đồng mỗi kWh lên 1.220 đồng mỗi kWh; một phép tính đơn giản, mỗi tháng nhà chị sẽ chi thêm trên dưới 300.000 đồng.

Kinh tế gia đình nhà chị Hiền cũng thuộc hàng của ăn của để, tuy nhiên trong bối cảnh giá cả sinh hoạt như xăng dầu, giá gas, giá các loại nhu yếu phẩm đều tăng, thì việc tiết kiệm tiền điện cũng đáng bàn. Nên dù bận bịu, chị Hiền cũng tự tay lau khô các loại bát, đũa ăn, tránh dùng máy sấy khô như trước nữa.

Chưa hết, chị cũng thường xuyên nhắc các thành viên trong gia đình, giờ cao điểm tránh dùng nhiều thiết bị. Thậm chí các bóng đèn trang trí trong vườn tiểu cảnh cũng không được sử dụng.

 
Người dân chọn mua loại bóng đèn tiết kiệm điện năng LED, compact - Ảnh: Minh Sang

Cũng để tiết kiệm một khoản chi tiêu khi giá điện tăng, gia đình anh Phùng Văn Hiếu ở xóm 6, Cổ Nhuế, Từ Liêm, đã cho gọi thợ về nhà thay thế một loạt các thiết bị dùng điện trong gia đình.

Đầu tiên là thay thế bình nước nóng lạnh bằng bình năng lượng mặt trời. Kế đến, hệ thống bóng đèn thì được thay bằng các loại bóng đèn LED, compact chất lượng cao, lại tiết kiệm điện năng tới 40% so với các loại đèn huỳnh quang, đèn tròn…

“Gia đình mình có tới 8 người sống chung, mỗi tháng tiền điện cũng gần 1,2 triệu, như vậy nếu mỗi vật dụng trong nhà được thay thế bằng sản phẩm tiết kiệm điện hợp lý, thì cuối tháng tính gộp lại cũng tiết kiệm được một khoản đáng kể”, anh Hiếu phân tích. Cũng theo anh Hiếu, chi phí ban đầu để thay thế các vật dụng tiết kiệm điện là khá cao, nhưng hiệu quả kinh tế sẽ được về lâu dài.

Tương tự là gia đình chị Trần Ngọc Thúy ở Khương Trung, Thanh Xuân. Chị Thúy cho biết, ngoài việc thay thế các thiết bị “cổ điển” bằng thiết bị tiết kiệm điện năng, cách sử dụng điện sao cho hợp lý để tiết kiệm chi tiêu cũng được gia đình áp dụng.

Nếu như trước, gia đình chị có thói quen bật công tác bình nóng lạnh ở chế độ on cả ngày, thì nay nó chỉ được bật trước khi tắm chừng 15 phút. Sau đó được chuyển về off khi người cuối cùng ra khỏi nhà tắm. Trong khi máy giặt cũng chỉ sử dụng khi quần áo được gom đủ với số cân quy định theo máy, thay vì giặt năm sáu bộ một lần.

Không chỉ có các hộ gia đình, ngay cả các doanh nghiệp sản xuất lớn cũng gấp rút tính tới những phương án nhằm tiết kiệm mức tối đa lượng điện tiêu thụ. “Giá điện tăng thì cũng đồng nghĩa việc giá thành sản phẩm bán ra sẽ đội lên. Do vậy chúng tôi sẽ phải tính toán thật chi li, nếu không sẽ rất khó cạnh tranh với đối thủ khác. Bởi đây là thời điểm mà giá cả của hầu hết các mặt hàng đều gia tăng”, anh Nguyễn Văn Sơn, chủ một doanh nghiệp sản xuất gỗ ở Chàng Sơn, huyện Thạch Thất cho biết.

Ngọc Linh, sinh viên trường Đại học Kinh tế Hà Nội cho hay: “Chúng em thuê nhà ở khu Bách Khoa, trước tết giá 1,2 triệu một tháng, qua tết chủ nhà tăng lên 1,4 triệu đồng với lý do giá cả tăng. Đợt này, giá xăng tăng, tiếp nữa là điện tăng, bà chủ chỗ em lại thông báo đầu tháng 3 tăng giá tiếp, lên 1,5 triệu đồng. Còn tiền điện cũng sẽ tăng từ 3.500 đồng lên 4.500 đồng mỗi kWh… như thế, kiểu gì chúng em cũng phải xin thêm bố mẹ mỗi tháng 200.000 đồng thì mới đủ trang trải để học tập”.

Hà An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.