Tướng quân karatedo

02/02/2011 11:20 GMT+7

(TN Xuân Tân Mão) Mang quân hàm đại tá, ăn lương cấp tướng, võ sư - huấn luyện viên trưởng đội tuyển karatedo quốc gia Lê Công không khác gì một vị tướng cầm quân bách chiến bách thắng.

Từ một sự tình cờ nơi chiến trường, Lê Công đã gắn bó suốt đời với karatedo và màu cờ sắc áo Việt Nam - Ảnh: Cao Thụ

(TN Xuân Tân Mão) Mang quân hàm đại tá, ăn lương cấp tướng, võ sư - huấn luyện viên trưởng đội tuyển karatedo quốc gia Lê Công không khác gì một vị tướng cầm quân bách chiến bách thắng.

Như thông lệ, karatedo là đội hình cuối cùng lên đường đến Quảng Châu dự ASIAD 16. Đêm trước ngày xuất quân, võ sư Lê Công trằn trọc không ngủ được. Công tác chuẩn bị tuy hết sức chu đáo, nhưng gánh nặng cứ đeo đẳng trong lòng. Ông đã gói ghém riêng mớ hành trang, thề với lòng chuyến ra quân lần này chẳng may thất bại, sẽ sẵn sàng “rửa tay gác kiếm”. Mà cũng đúng thôi, nhẩm tính ra ông cũng đã gần tuổi sáu mươi rồi. Bốn-mươi-mốt năm phục vụ quân đội, mười bảy năm liên tục dẫn dắt đội tuyển ở cương vị huấn luyện viên phó và huấn luyện viên trưởng, biết bao tinh lực đã tiêu hao.

Ngày dài nhất

Áp lực trên sàn đấu càng lúc càng lớn, khi đoàn thể thao Việt Nam gần như trắng tay vì không có chiếc huy chương màu vàng nào. Trưởng đoàn Lê Quý Phượng lúc này lại dồn sự quan tâm lên đội tuyển karatedo. Tinh thần các vận động viên căng như sợi dây đàn. Tâm lý thi đấu trên đất Trung Quốc đồng nghĩa với việc đang đấu với người khổng lồ! Làm người thầy, Lê Công hiểu hơn ai hết mặt mạnh, yếu của từng vận động viên. Bằng mọi biện pháp phải giải tỏa được áp lực và nâng cao tinh thần toàn đội. Ngày chính thức vào trận, sự tự tin đã biểu lộ rõ trong ánh mắt và phong thái của từng người.

Tôi đã nhiều lần đến Okinawa, nơi được mệnh danh là đất tổ của karatedo. Đặc điểm con người ở đây là tầm vóc thấp đậm, hai cánh tay rất dài, có sức khỏe tốt. Để nắm bí quyết của karatedo truyền thống, tôi đã tìm gặp và học rất nhiều từ những võ sư thượng đẳng.
Là người dày dạn kinh nghiệm, Lê Công hiểu hết “thế trận” và biết cuộc chơi lần này thật khó. Trận chung kết Vũ Thị Nguyệt Ánh gặp vận động viên nước chủ nhà Li Hong. Ánh là nhà vô địch không có đối thủ ở Đông Nam Á. Tại các đấu trường châu Á, cô cũng được xếp hạng vận động viên hàng đầu. Nhưng cùng hạng cân này, tại các giải thế giới gần đây nổi lên một nhà vô địch người Trung Quốc. Đấu với Li Hong là lâm vào thể “hiểm”. Đầy quyết tâm, Ánh nói với Lê Công trước khi vào trận: “Cháu quyết thắng trận này để thầy trò cùng uống rượu”. Nhưng cuối cùng niềm hy vọng số 1 của karatedo đã thua, cho dù là trận thua không “tâm phục, khẩu phục”. Buổi tối hôm đó thật buồn. Thế nhưng Lê Công vẫn khẳng định: “Ngày mai sẽ có vàng!”. Như có một trực giác, Vũ Thị Nguyệt Ánh buột miệng: “Cháu tin bé Phương sẽ lấy vàng”. Và niềm tin ấy đã thành hiện thực: cô gái trẻ Lê Bích Phương đã “lấy được vàng” trước nhà đương kim vô địch thế giới người Nhật Kobayashi.

Niềm vui như dâng trào khi cờ Việt Nam được kéo lên, mọi người vừa hát quốc ca, vừa khóc. Đó là hình ảnh đẹp nhất trong ngày chờ đợi dài nhất của thể thao Việt Nam.

Samurai thời hiện đại

Là một chiến binh, từng tham gia nhiều trận đánh ác liệt ở chiến trường Nam Lào và Quảng Trị, chất lính dường như thấm đẫm trong tính cách một võ sư Lê Công sau này. Đó là sự thẳng thắn, không quanh co úp mở, nói là làm, trọng lời hứa và danh dự. Câu chuyện đưa ông đến với môn karatedo như một cơ duyên. Trong một trận đánh ở thành cổ Quảng Trị năm 1972, giữa đống hoang tàn đổ nát, tình cờ ông nhặt được cuốn sách Linh hồn Không thủ đạo của một tác giả miền Nam. Vốn là người đam mê và từng tập qua vài môn võ, người lính Lê Công tò mò đọc qua và lập tức bị thu hút bởi sự độc đáo của môn võ này.

Sau ngày giải phóng, được đưa đi đào tạo chuyên ngành radar - tình báo, nhưng ông vẫn nặng lòng với võ thuật. Trong một dịp đi công tác, ghé qua đất Huế, ông có dịp tiếp xúc với một số cao đồ Suzucho Karatedo. Nghiên cứu và học hỏi từ hệ phái này, Lê Công thích sự dũng mãnh, cách ra đòn dứt khoát cùng tính khoa học của nó. Sau thời gian chuyên tâm làm huấn luyện viên trưởng karatedo quân đội và đội tuyển quốc gia, có dịp đi nhiều nơi trên thế giới, ông đã gặt hái nhiều kinh nghiệm cùng rút tỉa được nhiều tinh hoa. Ông thổ lộ: “Tôi đã nhiều lần đến Okinawa, nơi được mệnh danh là đất tổ của karatedo. Đặc điểm con người ở đây là tầm vóc thấp đậm, hai cánh tay rất dài, có sức khỏe tốt. Để nắm bí quyết của karatedo truyền thống, tôi đã tìm gặp và học rất nhiều từ những võ sư thượng đẳng”.

Có dịp xem ông biểu diễn, mới thấy được thần thái trong từng động tác. Ông phân tích thật sâu sắc từng bước tấn thế nào cho đúng, đòn đấm ra sao để đạt tốc độ, cách vận lực và phát lực khi tấn công… Toàn là những kỹ thuật căn bản (kihon), nhưng không phải ai cũng thấu hiểu, dù tập võ đã nhiều năm. Cách học quyền (kata) của ông là không bao giờ học qua băng đĩa, sách vở. Chỉ có cách học truyền tay với sự chỉ dẫn cặn kẽ mới cho người học thấu đáo, giải mã được những chiêu thức tuyệt kỹ ẩn chứa trong từng bài quyền. Thuộc nhuần nhuyễn hơn tám mươi bài quyền cùng các bài binh khí như côn (bo), kiếm sai, tonfa..., có thể nói Lê Công là võ sư hàng đầu của làng karatedo Việt Nam.

Ở đội tuyển karatedo quốc gia, huấn luyện viên trưởng Lê Công có cách đào tạo không giống ai. Ông có “bí kíp” riêng để làm nên một bản sắc karatedo Việt Nam. Khác với nhiều bộ môn thường chọn tập huấn nước ngoài trước mỗi giải quốc tế, karatedo luôn làm ngược lại. Đó là chỉ tập luyện trong nước và thường ém quân để các đối thủ không bắt được “bài”. Đúc kết cả một quãng đời làm huấn luyện viên của ông là: Kỹ thuật, chiến thuật, thể lực chỉ chiếm 50% thành công; phần còn lại là yếu tố tinh thần có dám chiến đấu và có ý chí làm chủ trận đấu không. Đó là cốt lõi mà đội tuyển karatedo quốc gia vận dụng lâu nay. Ngay cả đội tuyển karatedo Lào cũng đã qua Hà Nội tập huấn một thời gian dài dưới sự chỉ dẫn của ông, và họ đã làm nên kỳ tích tại SEA Games 25.

Dẫn dắt đội tuyển karatedo quốc gia qua 7 kỳ SEA Games, 4 kỳ ASIAD, võ sư Lê Công luôn là người cầm quân bất bại. Vị thứ karatedo Việt Nam được xếp vào hàng mạnh, nằm trong top 10 châu Á. Đón nhận biết bao lời khen tặng cùng sự hâm mộ của người yêu mến thể thao, Lê Công luôn khiêm tốn và nói ông cảm động nhất khi có người gọi ông là một samurai!

Cao Thụ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.